Người đi lễ phần lớn nghĩ trần sao âm vậy nên cứ như "quan hệ song phương" trao đổi có đi có lại với Thần Phật. Không hiếm khi nghe khấn: “Con đặt tiền thế này mong được… Nếu ngài phù hộ như ý thì con sẽ lễ tạ”.

Cúng tiền khi lễ chùa, trong tâm thức của người Việt  khởi nguồn mang ý nghĩa như là một chút công đức xây dựng tu bổ chùa, là “giọt dầu”, hương đèn dâng cúng Phật. Cũng là niềm hy vọng cầu mong may mắn, bình an, no đủ cho gia đình, người thân, lớn hơn là cho quốc gia, dân tộc…

Cứ như “quan hệ song phương”

Nhưng việc cúng tiền ở chùa  hiện tại càng ngày càng biến tướng trở nên như một tệ nạn, nhất là vào mùa Tết, lễ hội. Người đi lễ rải tiền lẻ khắp nơi trong chùa từ hốc cây, đến tay tượng Phật, trên bàn thờ đến bất kỳ ngóc ngách nào như xả rác.

Thậm chí, người đi lễ chùa giẫm đạp lên tiền rơi vãi lung tung, mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng, linh thiêng của chốn Phật. Chưa kể, trước cửa chùa, các con buôn tiền lẻ dày đặc, chào mời, tranh cướp khách như một loại hàng kinh doanh đặc biệt mang lợi nhuận khủng làm chốn Thiền trở nên như cái chợ trời nhốn nháo.

{keywords}

Khách đi trả lễ ở đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Zing.vn

Trong cuộc họp với báo chí vào ngày 24/12/2013, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tiết lộ một sự thật: “Sau mỗi mùa lễ hội, chùa Hương lại thu gom khoảng 1.200 bao tải tiền mệnh giá nhỏ, khoảng hơn 20 tỷ đồng”.

20 tỷ tiền mệnh giá 200 đ, 500đ, 1000đ, 2000đ, quả là còn số kinh hoàng, nhưng chia bình quân cho số người đi lễ chùa, thì nó thật ra chẳng đáng bao nhiêu. Có mấy khi thấy ai bỏ tiền mệnh giá cao vào tay tượng hay bàn thờ Phật, hay rải ở khắp nơi trong chùa?

Điều này được chứng thực rất rõ khi nhìn những tờ tiền gài trên tay tượng Phật, gắn vào miệng Phật, nhét vào khe áo tượng Phật…, gần như chỉ tiền lẻ mệnh giá thấp, chủ yếu là 200đ, 500đ, thấp đến chẳng có giá trị mua bán gì ngoài đời.

Và mỗi tờ tiền mệnh giá thấp đó, rất hài hước khi lễ Thần Phật đều được “xin” những ước muốn không nhỏ, thậm chí còn “xin” cả những chuyện rất to tát- toàn những lợi ích cá nhân khổng lồ.

Người đi lễ  phần lớn nghĩ trần sao âm vậy nên cứ như "quan hệ song phương" trao đổi có đi có lại với Thần Phật. Không hiếm khi nghe khấn: “Con đặt tiền thế này mong được… . Nếu ngài phù hộ như ý thì con sẽ lễ tạ…”.

Vài tờ tiền lẻ lễ Thần Phật để xin xỏ như hối lộ, như mặc cả. Phải chăng việc đi lễ đã biến thành một sự trao đổi, rẻ rúng, vô lễ với thần linh,  tạo ra hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm cửa Thiền, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian..

Hạn chế tiền lẻ có phải là giải pháp?

Đã như một thói quen tiêm nhiễm, không biết từ lúc nào, những người đi lễ cảm thấy khó mà được yên lòng khi chỉ đi lễ bằng cái tâm và tay không, nếu không bỏ một chút tiền lễ e sợ bị quở phát hay những gì mình cầu nguyên không ứng nghiệm.

Hàng năm, nhu cầu tiền lẻ để lễ tăng cao vào mùa Tết và lễ hội, nhưng năm nay, chỉ còn hơn ít ngày nữa là Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Công An và Bộ Công Thương cùng phối hợp ra tay phạt nghiêm đối tượng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch trái phép.

Lại thêm một quyết định khác của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ đưa vào lưu thông các mệnh giá 500, 1.000 và 2.000 đã qua sử dụng một lần để tránh lãng phí, hạn chế in mới loại tiền này.

Phải chăng đây là biện pháp tình thế để giải quyết chuyện tiền lẻ vung vãi khắp nơi trong đình, đền,chùa, miếu, đồng tiền bị chà đạp gây tổn hại đến hình ảnh đồng tiền quốc gia?

Và vì thế tiền lẻ để “lễ” xem như hạn chế, không thể vung vãi thả cửa như trước, mà cũng có thể nhờ vào những quy định này mà chốn Thiền môn mùa lễ hội Tết Giáp Ngọ sẽ đỡ xô bồ, náo loạn, đỡ bị “rác” tiền lẻ làm ô uế?

Nhưng nếu lạc quan vào giải pháp tình thế này thì e hơi ảo tưởng. Bởi ý thức người đi lễ mới là quyết định. Chưa kể từ việc hạn chế tiền lẻ có thể những con buôn tiền lẻ ở các đình, đền, chùa, miếu hay ở những nơi thờ tự, di tích khác sẽ lại có cách kinh doanh  biến ảo nhiều lợi nhuận hơn.

Vì việc hạn chế tiền lẻ với việc giáo dục ý thức người đi lễ hạn chế dùng tiền lẻ để “lễ” thật sự chưa song hành.

Đã có những phong thanh, manh nha dịch vụ đổi tiền lẻ mà  tỉ giá đổi là 1đ/ 250đ, và khi bị cấm thì nó sẽ lại sinh ra những biến tướng buôn bán tiền khó kiểm soát. Rốt cục tiền lẻ vẫn cứ tung hoành nơi tôn nghiêm, Thần Phật vẫn cứ bị ép buộc… nhận hối lộ bằng tiền lẻ, bị xem như đối tượng trao đổi rẻ rúng.

Cần học “lễ” trước khi đi lễ

Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Không phải ai đi lễ đều có hiểu biết phép tắc lễ thế nào cho đúng, cho nghiêm, cho thành tâm.

Theo PGS Trần Đình Hượu trong tác phẩm “Đến hiện đại từ truyền thống”: Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là “Thiết thực, Linh hoạt, Dung hòa” theo nghĩa đẹp nhất của các từ này. Song xem ra, chưa mấy ai hiểu đúng… Khi đi lễ Phật phải cốt ở mộ đạo, thành tâm chứ không thể trần tục thậm chí thực dụng hóa các Thần Phật, trong khi thực tâm lại rất tôn sùng. Vô tình hóa ra có khi ta làm khổ thêm cho các bậc tu hành mà mình rất nể trọng.

Thầy Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nói về chuyện lễ chùa: Phật không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tâm thành của những người đến lễ. Vì thế nên mọi người chỉ cần bông hoa, chén nước vào dâng lễ là đủ. Vào chùa mọi người thấy sự lắng đọng và sự bình an. Việc lễ tiền, đúng lễ là có tâm”, và có nơi chốn để - thùng công đức, chứ không phải bạ đâu bỏ đó, như thế là làm sai lệch ý nghĩa của lễ, làm mất đi sự tôn nghiêm của chốn thiền môn.

Việc nhà chùa kiểm soát người đi lễ, khách hành hương thiết nghĩ không khó. Như toàn bộ hệ thống Thiền viện Trúc Lâm trong Nam, ngoài Bắc, khi đến đây, không hề thấy cảnh tiền vung vãi, mà được bỏ rất trang trọng, kín đáo trong thùng công đức, hay bỏ vào cái lòng chuông một cách nhẹ nhàng. Bàn thờ Phật chỉ có hoa, hương đèn, bánh, trái cây. Cũng không có cả cảnh đốt giấy tiền vàng mã ở Thiền viện.

Trong hệ thống chùa KhMer Nam Bộ cũng vậy, tiền được bỏ trong thùng kín, và cấm tuyệt đối bỏ tiền lên bàn thờ Phật, điều đó như sự cấm kỵ nghiêm ngặt không ai được phép vi phạm. Và Phật tử, khách hành hương đến chùa đều tuân thủ tự nguyện, thành tâm.

Sự thiếu hiểu biết về đạo Phật đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền. Do vậy, để hoạt động tín ngưỡng diễn ra đúng với bản chất, góp phần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bài trừ mê tín dị đoan thì cần có cái nhìn đúng đắn về chùa chiền và giáo lý đạo Phật. Điều này thiết nghĩ cũng cần có những cách giáo dục ý thức cho mọi người một cách đại chúng, phổ cập.

Cũng đã đến lúc phải có  tư duy khác về tiền lễ chùa, không dùng tiền mệnh giá thấp như tờ 200đ, 500đ, để tạo ra những thảm họa “rác tiền”, hay những biến tướng tê nạn buôn bán tiền lẻ ở nơi thừa tự tôn nghiêm. Nếu có tâm và lòng thành, thì hãy bỏ tiên công đức đúng nơi quy định, và không dùng đồng tiền mệnh giá thấp.

Ngoài việc để những thùng công đức theo quy định, nhà chùa cũng có những quy định nghiêm ngặt cấm người đi lễ bỏ tiền lung tung. Lúc đầu có thể chưa quen, gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi nó sẽ thành nếp, trở thành ý thức thể hiện nếp sống văn minh, có văn hóa, nghiêm túc.

Minh Châu