Một mặt, cào bằng dẫn đến tình trạng ăn bám, lợi dụng, hiện tượng gian dối "làm thật ăn giả, làm giả ăn thật" xuất hiện ngày càng tràn lan.
>> 'Chiêu' né thưởng tết, giữ sĩ diện của DN
>> Khám phá tương đồng thú vị Tết Nhật - Việt
Công bằng và cào bằng
Chỉ hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Giáp tết là quãng thời gian nhiều lo âu của những gia đình lao động nghèo, trong đó có công nhân, viên chức. Một trong những nỗi lo choán tâm trí hầu hết họ là chuyện thưởng Tết.
Theo báo chí đưa tin, tại một công ty ở TP.HCM, thưởng Tết cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt, riêng lãnh đạo nhận... hai thùng. Nhưng cũng ở thành phố này, mức thưởng tết cao nhất lên đến gần 710 triệu đồng.
Năm nào cũng vậy, bên cạnh thông tin nhà nước và các tổ chức xã hội nỗ lực chăm lo tết cho người nghèo, thì những tin tức nóng nhất bao giờ cũng là về khoảng cách vời vợi giữa các mức thưởng Tết. Tín hiệu ấy lại một lần nữa cho thấy đời sống xã hội ngày càng phân hóa sâu sắc.
Đây đó, có doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ, dẫn đến việc thưởng tết "có cũng như không". Có doanh nghiệp ăn nên làm ra, lợi nhuận ngày một nhiều, nhưng lương thưởng của đa phần người lao động vẫn rất thấp, không tương xứng với thành quả lao động của chính họ.
Vẫn biết chênh lệch thưởng tết giữa các ngành nghề, vị trí công tác trong xã hội là chuyện khó tránh khi cả nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng sự khác nhau quá lớn dường như đang tiếp tục khoét sâu cái hố cách biệt giàu nghèo mà đôi lúc trở nên hết sức phi lý trong khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Nói đến công bằng trong thưởng Tết còn có một mặt khác mà ít người chú ý đến. Đó là, ở nhiều đơn vị, cơ quan lâu nay, tiền thưởng tết bị chia cào bằng. Theo đó, từ những nhân viên, cán bộ nhiều trọng trách, hoàn thành xuất sắc công việc, mang về nhiều thành quả cho tổ chức... cũng được thưởng bằng những người công việc nhẹ nhàng, đơn giản, đi muộn về sớm, thậm chí đi làm theo kiểu "cắp ô".
Biện minh cho cách chia cào bằng này, nhiều nhà quản lý cho rằng, đã là phúc lợi thì ai cũng hưởng như nhau. Nhưng thực chất, đó là cách phân phối giúp an toàn cho nhà quản lý, nhưng lại gây thiệt thòi cho những người lao động có năng lực, nhiều cống hiến.
Cách cào bằng này một mặt dẫn đến tình trạng ăn bám, lợi dụng, hiện tượng gian dối "làm thật ăn giả, làm giả ăn thật" xuất hiện ngày càng tràn lan. Còn nhìn rộng ra trên bình diện chung, nó cũng làm suy giảm động lực sáng tạo, phấn đấu và cống hiến. Đành rằng mọi tiêu chí phân chia đều khó có thể toàn diện, song cào bằng chắc chắn không đồng nghĩa với công bằng.
Ảnh minh họa |
Công bằng và ổn định xã hội
Giữa chai nước tương và 710 triệu đồng thưởng tết là một sự chênh lệch khó lòng đo đếm nổi. Song làm nhiều hưởng bằng làm ít cũng là một mặt bất công khác gây tác hại không hề nhỏ. Xã hội hiện nay đang liên tục tạo ra những bất bình thường như thế, mà thưởng Tết chỉ là một khía cạnh khá tiêu biểu.
Cái bất bình thường trong phân phối ấy dẫn đến hàng loạt những cái bất thường trong đạo đức, trong kinh tế, trong văn hóa vẫn thường xuyên được báo chí cập nhật, phản ánh. Và hệ quả là chúng gây ra những bất ổn xã hội.
Nhiều nông dân bao đời nay vốn gắn chặt với ruộng đất vẫn nghèo đói, cuộc sống chấp chênh, đành quyết định bỏ lên thành phố, lăn lộn đủ nghề để kiếm sống: thợ hồ, buôn bán nhỏ... Mục đích của sự ra đi này được lý giải là "vì chuyện học hành, tương lai của mấy đứa con".
Rồi không ít trí thức nhưng sau những cú vấp "làm theo năng lực" nhưng hưởng theo mức độ "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ", sinh chán chường, suốt ngày "chân trong dài hơn chân ngoài" hoặc bỏ việc đi làm trái chuyên môn.
Những cuộc đổi vai như thế vẫn âm thầm diễn ra trong đời sống hôm nay. Các vai phụ ấy không còn khiến ai ngạc nhiên, nhưng đã thành những chuyện bất bình thường, những nghịch lý, những lãng phí lớn cho xã hội.
Một xã hội văn minh là xã hội mà ở đó, ai cũng được làm đúng chuyên môn của mình, phát huy hết khả năng, tay nghề của mình. Đó chính là cái gọi là "chính danh" - điều Khổng Tử đã nhắc từ xa xưa nhưng giờ đây quá thiếu trong xã hội ta.
Song song với "chính danh" là sự đối đãi, phân bổ công bằng, xứng đáng với năng lực, công sức của mỗi người, mỗi vị trí mà họ đảm nhận. Có như vậy mới cổ vũ họ làm đúng, làm tròn phần việc của mình, xã hội mới ổn định.
Xã hội mà chúng ta đang xây dựng luôn đặt hạnh phúc của người dân là lý tưởng phấn đấu. Nhưng không thể có hạnh phúc nếu thiếu công bằng.
Tết là dịp để mọi người cùng mơ ước và chúc nhau những điều tốt đẹp. Mong sao, những năm tới đây, sẽ vắng bớt những "điệp khúc" ngậm ngùi thưởng Tết.
Phú Trang