'Đến nay, những cống hiến của GS Tạ Quang Bửu càng được "luận định" rõ ràng và tôn vinh xứng đáng. Lịch sử luôn công bằng, lòng dân luôn đáng tin...'.
Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời trưa 21.6.1986, để lại những bài viết dở dang, những trang bản thảo chưa in. Chiến lược con người - đó là đầu đề kiến nghị giáo sư chưa viết trọn để trình Đại hội VI, đại hội mở đầu công cuộc Đổi mới.
"Đẹp một cuộc đời. Đẹp một con người. Sao anh vội đi. Khóc anh nghẹn lời "chiến lược con người". Anh vừa phác thảo. Mực còn chưa ráo. Chữ còn đương tươi. Tim bỗng ngừng đập Anh đã đi rồi!...Nhà thơ đất Quảng, Khương Hữu Dụng, bạn cùng lớp với GS Tạ Quang Bửu ở Trường Quốc học Huế, ghi vội mấy dòng thương tiếc.
Tại Paris, GS Laurent Schwartz, Huy chương Fields về toán học năm 1950, viết trên tờ Le Monde (Thế Giới): "Tạ Quang Bửu và Lê văn Thiêm là những nhân vật lớn của nước Việt Nam không thể nào quên(...)
Hai ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh đầy khó khăn cho sự vô tư trong khoa học. Các nhà toán học Việt Nam ngày nay đều kính trọng hai con người ấy. Do vậy mà ngày nay Việt Nam vẫn còn là một nước đạt trình độ nghiên cứu toán học cao nhất ở vùng Viễn Đông; ít ra là về những đỉnh cao nghiên cứu, còn về trình độ trung bình thì, giờ đây Việt Nam đã bị các nước và vùng lãnh thổ được gọi là những "con hổ châu Á" như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài loan vượt qua. Nhưng, về những đỉnh cao nghiên cứu, Việt Nam vẫn còn ở hàng đầu."
Tại hội nghị Geneve ngày 21/7/1954 Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp. |
Không ít người khi con sống, uy danh lẫm liệt, nhưng chết là hết, tên tuổi bị nhân dân dần dần quên lãng do đức độ chưa thanh cao, thành tựu kém thuyết phục. GS Bửu, trái lại, đến nay những cống hiến càng được "luận định" rõ ràng và tôn vinh xứng đáng, lịch sử luôn công bằng, lòng dân luôn đáng tin...
GS Tạ Quang Bửu được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về "tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật (1945)...". Và, mới đây nhất, nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2013, Nhà nước truy tặng ông huân chương Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách 500 trang Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam ?), Archimedes L. A. Patti, người Mỹ nguyên là đại tá tình báo, khi kể về Hà Nội năm 1945, đã viết "Một vị khách đợi tôi ở biện thự. Đó là ông Tạ Quang Bửu, một người Việt Nam ưu tú, khoảng 30 tuổi. Tôi nhớ hình như đã trông thấy ông ta ở đâu đó nhưng không chắc chắn. Tôi và Bernique bắt tay ông. Ông nói tiếng Anh hoàn hảo, với giọng đặc Oxford, khiến chúng tôi ngạc nhiên".
Người cử ông Bửu đến gặp Patti, đại diện Mỹ, là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Ngày đầu cách mạng, Bác Hồ đã có ngay quyết định sáng suốt:Tạm thời cử ông Chu Văn Tấn làm Bộ trưởng Quốc phòng, và trao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho ông Võ Nguyên Giáp, để ông Giáp thay mặt chủ tịch nước trong các hoạt động chính trị rộng hơn, như dự hội nghị Đà Lạt, tiếp Sainteny, Leclerc, Patti, cũng như làm trợ thủ đắc lực cho Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng khi Bác Hồ sang Pháp.
Vì sao ông Bửu lại khiến Patti, ngay từ phút đầu gặp mặt, đã phải ngạc nhiên? Chính là do ông nói tiếng Anh "hoàn hảo",với giọng "đặc Oxford"! Giờ đây, cuốn từ điển tiếng Anh chuẩn trở nên phổ biến ở nước ta là cuốn Oxford Advanced Learner's Dictionary. Nhưng, cách đây hơn 80 năm, ông Bửu học tiếng Anh ở đâu mà chuẩn thế? Xin thưa, ông học ngay tại Oxford.
Nếu ông cũng như bao người Việt Nam khác lúc đó chỉ chăm chăm lấy cử nhân ở Pháp, thì làm sao có được vốn tiếng Anh như thế? Ở độ tuổi 20, ông theo học tại Paris, Bordeaux. Nhưng rồi ông trúng tuyển vào Đại học Oxford. Đến Oxford, ông liền tranh thủ cơ hội tuyệt vời để trau dồi Anh ngữ, nhất là về mặt ngữ âm.
Mấy năm sau, ông trở lại Anh dự Trại Tráng Sĩ của tổ chức Hướng đạo thế giới. Ông vào học trường đào tạo trại trưởng, dự thi đủ các môn. Người Anh phần lớn theo đạo Tin lành. Trại trưởng phải thi đỗ môn truyền giáo. Ông Bửu thuyết giảng kinh phúc âm truyền cảm đến mức không ít tín đồ tin lành ở Anh tưởng ông là...mục sư!
Ông chuộng thực học, không ưa hư học. Ông học cốt để biết rộng, biết sâu, chứ không cốt để lấy bằng - việc này chẳng khó đối với một người thông minh như ông.
Ngay trong mấy năm đầu chống Pháp, Tạ Quang Bửu đã cho ra mắt bạn đọc: Thống kê thưởng thức; vật lý cương yếu; Nguyên tử - hạt nhân - vũ trụ tuyến; Sống. Mấy cuốn sách ấy có ảnh hưởng rộng trong giới trí thức lúc bấy giờ.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948 ở Việt Bắc, GS Nguyễn Xiển nói: "Trong thời kỳ kháng chiến nay, ông Tạ Quang Bửu là nhà khoa học viết được nhiều nhất, do vậy,có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các thế hệ đương thời". Và GS Xiển dự báo: "Với những người mở đường như ông Tạ Quang Bửu, Ông Lê Văn Thiêm, chắc chắn nước ta sẽ có hàng trăm nhà toán học có tài không kém các nước khác".
Lời "tiên tri" của GS Nguyễn Xiển nay đã thành sự thật với những tài năng toán học, vật lý, cơ học như Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Văn Đạo, Đào Vọng Đức, Đào Trọng Thi, Đàm Thanh Sơn, Lê Dũng Tráng, Ngô Việt Trung, Hà Huy Khoái, Lê Tuấn Hoa, Vũ Hà Văn, Lê Tự Quốc Thắng, Phạm Hửu Tiệp, Đinh Tiến Cường, Ngô Đắc Tuấn, Lê Thái Hoàng, Lê Hùng Việt Bảo, vv...
GS Lê Văn Thiêm kể lại: "Năm 1951, sau khi từ Thụy Sĩ về bưng biển Nam Bộ. tôi quốc bộ dọc Trường Sơn ra Việt Bắc. Một hôm đến thăm anh Bửu tại một căn nhà lá dùng làm nơi làm việc giữa rừng Tuyên Quang, tôi kinh ngạc và thú vị xiết bao khi thấy, tuy chìm ngập trong công việc, anh vẫn dành thì giờ đọc các sách, báo toán nổi tiếng qua Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp".
Theo GS Lê Văn Thiêm, thì "năng lực tự học" của ông Bửu gần như là... "một thiên huyền thoại"! Xin điểm qua cuốn sách in giửa rừng xanh Việt Bắc. Về Cuốn sách ấy, GS - TS Nguyễn Lân Dũng viết: "GS Tạ Quang Bửu có sự uyên bác rất kỳ lạ. Tôi chỉ nói một khía cạnh nhỏ, đó là lĩnh vực sinh học (một lĩnh vực khác hẳn chuyên nghành toán học mà ông sở trường)...
Phải nói rất kỳ lạ bởi vì GS Tạ Quang Bửu viết ra những điều uyên bác ấy vào năm 1948, nghĩa là năm là 5 năm trước khi J.D. Watson và F.H.C.Crick khám phá cấu trúc AND,mở màn cho thời kỳ sinh học phân tử. Vào thới ấy mà GS Tạ Quang Bửu đã viết "Ngoài chromosome ( về sau, dịch là nhiễm sắc), thì tế bào chỉ chứa những hóa chất không có gì đặc sắc... Nhưng số đặc tính trong một con người lớn hơn số chromosome là một chuỗi gồm 2.000 gen, và như thế chiều dài của mổi gen không quá 3/10.000 mm hay 300 angstrom. Theo đó, một gen dài bằng 100 lần khoảng cách giữa hai nguyên tử trong khí".
GS - TS Nguyễn Lân Dũng viết tiếp: "Ngày nay,khi thế giới bắt đầu nghiên cứu sinh học lượng tử(quantum biology) thì ngay trong trong cuốn sách mỏng năm 1984 ấy, GS Tạ Quang Bửu đã khẳng định được rằng: "Gen, phân tử khổng lồ, theo thuyết Delburck, cũng là một phân tử khổng lồ, theo thuyết Delbruck, cũng là một hệ thống phải cắt nghĩa bằng những định luật của lượng tử học". GS - TS Nguyễn Lân Dũng kết luận "Tiếc rằng tác phẩm ấy GS Tạ Quang Bửu viết bằng tiếng Việt, chứ nếu không, chắc hẳn phải được coi là một trong những tước tác kinh điển của giới sinh học quốc tế, vì trong đó đã đưa ra những tiến đoán rất khoa hoc."
Có thể nói, GS Tạ Quang Bửu là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tài năng khoa học nước ta từ Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Đặc Hữu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Ngô Việt Trung Đào Trọng Thi, Đặng Vũ Minh, Trần Văn Nhung đến Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Lê Tuấn Hoa, Vũ Hà Văn, cho đến thế hệ học sinh giỏi nước ta hôm nay dự thi các Olympic quốc tế...
Khi nhận được anh Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Fields, GS Đàm Trung Bảo, thân sinh anh Đàm Thanh Sơn, nói với tôi: "Phải ghi công đầu cho ông Bửu!". GS Hoàng Tụy nhận xét: "Ngành khoa học và giáo dục nước ta hiện đang thiếu vắng những nhà lãnh đạo như Tạ Quang Bửu".
Hàm Châu
Theo Lao Động