Đối với dân tộc thì mùa xuân sẽ luôn luôn đến, dù chúng ta còn đang giữa những đêm dài của mùa đông.
Mỗi lần Tết đến chúng ta đều nao nức đón xuân. Đó là một niềm vui không thể chối cãi, không nên từ khước, chỉ có thể được hoàn toàn đón nhận, với kỳ vọng sẽ luôn luôn hiện thực. Sang mùa hè, ta vui khỏe, rong chơi, sống lại những kỹ niệm yêu dấu thuở học trò. Và không mùa nào đi vào văn chương nghệ thuật bằng mùa thu, cũng là mùa của tình yêu. Mùa xuân, mùa hè, và nhất là mùa thu, bao giờ cũng được mong chờ, ca tụng.
Còn mùa đông?
Trừ những người chơi các môn thể thao mùa đông (trượt tuyết, ngồi câu trên mặt hồ băng giá) ở miền ôn đới, dường như ít ai mong đợi mùa đông. Ngày thì ngắn, đêm thì dài, trời thì thường âm u, gió thì buốt, cây cối thì trơ trụi đìu hiu, và (đến tuổi nào đó), khớp xương thì bắt đầu đau nhức. Mùa đông là mùa của trầm cảm. Quả vậy, tử suất vào mùa đông (nhất là tự tử!) là cao nhất trong bốn mùa. Đa số chúng ta nhìn mùa đông với ác cảm, thậm chí sợ hãi, chỉ mong nó chóng qua, bởi vì mùa xuân (ồ, mùa xuân!) mới là đáng mong chờ!
Có phải như thế là oan cho mùa đông lắm không? Hay chính chúng ta không thấy giá trị của mùa này, cái đẹp (tạm gọi là như thế), và sự cần thiết của nó?
■ Mùa của hồi tưởng và chuẩn bị
Chúng ta cần mùa đông để hồi tưởng. Nếu mùa xuân là mùa của tuổi thơ, mùa hè là của những chàng trai vạm vỡ và mùa thu là của các cô gái rụt rè thì mùa đông là của những người chín chắn, trưởng thành (da không còn căng, nhưng chưa nhăn hẳn). Nó không phải là mùa của mơ mộng u hoài (như mùa thu), cũng không phải vui chơi, hưởng thụ như mùa xuân. Mùa đông là mùa của trầm mặc, của kiểm điểm. Đó là mùa để đọc, để viết, để chiêm nghiệm.
Trong một cuốn sách gần dây, Douwe Draaisma (giáo sư sử học người Hà Lan) đã ca tụng tuổi già. Càng già thì càng hay quên những gì vừa mới xảy ra, nhưng lại càng nhớ nhiều hơn về những ngày xưa xa xăm, rất cũ. Điều ấy làm ấm lòng người. Vào mùa đông cũng vậy, chúng ta ít nhớ đến mùa thu vừa tàn mà lại nhớ đến nhiều hơn mùa xuân, mùa hè đã xa hơn trong quá khứ.
Không ít người sẽ cho rằng mùa thu mới là mùa của hồi tưởng. Đúng một phần. Khi lá vàng rơi rụng thì có ai không nhớ những ngày xuân, ngày hè? Nhưng sự hồi tưởng vào mùa thu là một nhớ nhung của luyến tiếc, là cái vẫy tay cuối cùng với mộng mơ (bao giấc mơ vào mùa xuân đã hóa thành ảo vọng vào mùa thu?), một sự hồi tưởng ướm đầy ủy mị, u hoài. Sự hồi tưởng của mùa đông là khác. Đó là hồi tưởng khi những luyến tiếc đã phôi pha. Hồi tưởng vào mùa đông là hồi tưởng của sự trưởng thành, không phải để nhung nhớ vẩn vơ (mà người trưởng thành biết là vô ích) nhưng nhằm rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến. Một sự hồi tưởng thẳng thắn, nghiêm khắc và thực tế.
Mùa đông không chỉ là mùa của hồi tưởng, của cảm xúc. Là giao thời giữa mùa gặt và mùa trồng trọt mới, mùa đông còn là lúc chuẩn bị cho tương lai. Vào mùa đông, chúng ta không thể lười biếng ngồi đợi xuân về. Chúng ta phải quyết liệt tu thân, dưỡng tính, học hỏi, nghiên cứu. Lửa hi vọng về một mùa xuân rực rỡ chỉ có thể được giữ gìn bằng những nổ lực suy nghĩ, hoạch định, tự trau giồi, trong những ngày giá buốt của mùa đông.
Ảnh minh họa |
■ Mùa của hòa đồng và dân tộc
Điều ít người thấy ở mùa đông là nó phơi trần sự hòa đồng của tạo vật. Hãy nhìn kỹ: một cách nào đó, mùa đông là mùa của những "mẫu số chung", nghĩa là của hòa đồng. Sau khi những chiếc lá khác nhau của mọi loài thảo mộc đã rụng vào mùa thu, và trước khi những bông hoa khác nhau nở ra vào mùa xuân, đôm trái vào mùa hè, là những cành khô giống nhau của mùa đông. Đừng xem sự khô cằn của cây cối mùa đông như biểu hiện cái tận cùng của tử vong, hãy nhận ở đó mầm chứa đa dạng của sự sống.
Một điều lạ nữa là chính trong sự tỉnh lặng mùa đông còn có một sự hòa đồng tuyệt đỉnh của âm thanh. Không một "nốt" nào là chung cho tất cả mọi bài nhạc như "nốt" lặng im (điều mà nhạc sĩ tài danh John Cage đã khai thác trong bản 4'33" nổi tiếng, một bản nhạc mà nhạc sĩ không làm gì cả, chỉ ngồi yên trong 4 phút 33 giây!). Hãy lắng nghe sự im lặng ấy vào mùa đông. Hãy hòa đồng vào giấc ngủ chung của vạn vật.
Đôi khi, sự đồng cảm của mùa đông đến thật bất ngờ, trong một khoảnh khắc đã ngỡ là tịch liêu. Những ai đã sống ở những vùng có tuyết vào mùa đông thì mới thấy vạn vật đúng là như nhau vào mùa đông, vì cùng phủ chung một màu tuyết trắng! Rồi, nếu ai đó có can đảm mặc áo ấm đi ra ngoài, ví dụ như vào một đêm trăng sáng... sẽ thấy cái tỉnh lặng hòa đồng của tạo vật. Và khi nhìn lại những vết chân trên tuyết của mình, mới thấy chúng thực sự là của mình. Nhưng nếu bổng nhiên có một dấu chân lạ gần đó thì lại thấy một sự thân thuộc. Ai đây? Một sự đồng cảm khó nói, tò mò, và thích thú... Những vết chân trên tuyết ấy, tưởng đâu là cô đơn, bổng gợi lên một sự mừng rỡ của hòa đồng, một cái bắt tay vô hình với một người mà mình không biết.
Mùa đông không phải chỉ cho cá nhân, nó còn cho cả một dân tộc. Nhưng mùa đông của một dân tộc không nhất thiết trùng hợp với mùa đông của khí hậu thiên nhiên. Đó là giai đoạn trầm lắng sau mùa thu của cách mạng. Mùa đông của dân tộc đòi hỏi thử thách và kiên trì, nhất là những thử thách do chia rẽ, do những bất công giàu nghèo (một sự chênh lệch không thể rõ ràng hơn qua cảnh tượng những người run rẩy trên đường phố, co ro trước những biệt thự huy hoàng, ấm áp, những buổi tiệc giáng sinh với tiếng nhạc bập bùng). Song chính những cách biệt đó là chất men dấy lên lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Đó là bài học vô giá, thậm chí là sứ mệnh, vào mùa đông của dân tộc.
Tất nhiên, không có gì không đượm một chút buồn. Mùa đông cũng thế, bởi vì đối với mỗi chúng ta, một mùa đông nào đó sẽ là mùa đông cuối cùng của đời mình. Đó là định mệnh không ai có thể tránh. Nhưng có một cách nhìn rất hay về cái chết, đó là "về với ông bà". Lối nhìn ấy nhắc ta rằng chết không chỉ là chia tay với những người còn sống, mà còn là sự gặp lại tổ tiên, thân nhân, bạn bè đã quá vãng. Không ai biết cuộc "trùng phùng" ấy sẽ ra sao, nhưng dù đó không phải là gặp lại nhau với thân xác thì cũng là trong sự hòa quyện miên viễn của cát bụi, nếu không là của tâm linh.
Nhưng sự chết tất yếu của mỗi người lại là sự khác biệt giữa cá nhân và dân tộc. Dân tộc không bao giờ chết. Sau cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ là con, là cháu. Dân tộc là những thế hệ nối tiếp nhau, hoài hoài, vô tận. Như vậy, mùa đông nào của dân tộc cũng sẽ được tiếp theo bằng mùa xuân! Bởi thế mùa đông (như bất cứ mùa nào) của mỗi người, dù có thể là mùa cuối cùng của cá nhân người ấy, chỉ là một khúc đoạn trong dòng sông miên viễn của đất nước. Đối với dân tộc, sau mùa đông bao giờ, bao giờ, cũng là mùa xuân.
■ Mùa xuân sẽ không đến nếu không có mùa đông
Dù không thể phủ nhận rằng ngày Tết, mùa xuân, là đáng mong chờ, vẫn cần hỏi lại: Có gì làm ta hưng phấn hơn những ngày cuối đông? Đó là những ngày mà cái áo mới đã may nhưng chưa mặc, cái bánh đã nấu nhưng chưa ăn, chén rượu đã rót nhưng chưa hớp, một chuyến du lịch mà hành trang đã sẵn nhưng chưa lên đường?
Chúng ta lao động, vui chơi, hưởng thụ vào những mùa khác, nhưng chúng ta cần mùa đông. Mùa đông không phải chỉ là khoảng thời gian cắn răng chịu đựng chờ xuân đến. Ta hãy sống, sống mãnh liệt, từng ngày của mùa đông như vào những ngày mùa xuân, mùa hè, mùa thu. Chúng ta có thể dừng lại, nghỉ ngơi trong giây phút nếu thấy cần, nhưng rèn luyện thì luôn luôn phải.
Tôi vẫn háo hức với mùa xuân, rạo rực với mùa hè, rung cảm với mùa thu. Nhưng mùa đông đối với tôi là một sự thử thách, đó là mùa của chiêm nghiệm, của hoài cỗ, của trưởng thành. Mùa đông không khác gì một cuộc tình chung thủy, đã qua nhiều thử thách, vui buồn, thân thuộc và khoan dung, êm đềm và không đòi hỏi.
Và đối với dân tộc thì mùa xuân sẽ luôn luôn đến, dù chúng ta còn đang giữa những đêm dài của mùa đông.
Trần Hữu Dũng (theo TBKTSG số Xuân Giáp Ngọ 2014)
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại