Nhưng một thứ Tết xưa không thể nào có - Tết online trên mạng. Bạn đọc góp tay làm nên Tết trên các báo mạng. Không những thế,  nhà nhà, người người của "làng Phây" đón Tết.  

Tết xưa là những cái Tết từ năm mình 17 tuổi trở về trước, thời còn ở nhà với ba mẹ, tạm gọi là Tết trẻ con. Một năm sau, dở trẻ con, dở người lớn, không còn được ăn Tết ở nhà, mà ở cái xứ xa tít tắp mịt mùng cách quê nhà đến hơn chục ngàn cây số, tự lo liệu mọi thứ, nên tạm gọi là Tết người lớn.

Từ khi biết làm việc nhà, trước ba mươi Tết khoảng vài ngày, thằng bé Lam thường được mẹ giao cho đi xếp hàng mua thịt. Ngày thường đã khổ, dịp Tết càng phải đi sớm chiếm chỗ từ tờ mờ sáng. Thế mà đạp xe đến nơi đã thấy kẻ đứng, người ngồi lố nhố, lại có mấy cục gạch, nón, mũ đặt sẵn nữa.

Cả hàng người nhẫn nại chờ các o mậu dịch mang thịt ra. Thịt ra rồi, nhưng các o cứ đủng đỉnh, chưa bán ngay. Cả hàng người chộn rộn, ai cũng thầm mong may mắn được cắt cho miếng ngon. Đến lượt, thằng bé cố nhoi lên, gào to cho các o nghe thấy, “o ơi, cho cháu miếng tê tề…” Thoát khỏi khoảng không gian chật chội ngột ngạt, đầy hơi người, hắn tòng teng xâu thịt trên ghi đông, về hãnh diện đưa cho mẹ, bụng nghĩ đến những miếng chả cuốn (nem rán) giòn thơm trong miệng. Tất nhiên, không thể thiếu dưa hành, các loại mứt do mẹ hì hụi làm, năm nào có thời gian còn tự gói và nấu bánh chưng nữa.     

Bức tranh Tết bây giờ đã khác nhiều so với năm xưa. Hàng hóa nhiều, đi đâu cũng có. Thậm chí còn bán hang qua điện thoại, qua mạng, chỉ cần a lô, hay nhấp chuột là có người mang hàng đến tận nhà. Chơi Tết bây giờ không lo chuyện ăn no, nhiều nhà mua sắm cũng chọn những món thật ngon, mới, lạ. Nhưng với nhà nghèo, vẫn rất ít lựa chọn cho một cái Tết tươm tươm…

{keywords}
Báo Xuân ngày Tết. Ảnh: Ngọc Lê

Tết xưa có ba mẹ, mình chỉ phải làm mấy việc nho nhỏ, rồi đi chơi tràn cung mây. Tết nay không còn ba mẹ, đã thế lại còn làm bố mẹ.  Sắm sửa, chúc Tết, lì xì, đi lại… Sắp đến Tết, như ba mẹ ngày xưa, và cũng như bao nhà khác, hai vợ chồng lại đăm chiêu với những khoản chi có tên và không tên.

Tết xưa ba vẫn hay thì thầm khoe: Này, Tết ni ba được từng ni nhuận bút, giúp mẹ sắm Tết! Bây giờ, mỗi lần giáp Tết, như bao người mẹ, người vợ khác, Thu béo mặt dãn ra khi được nhận ở cơ quan hoặc Lam ngố nộp cho khoản nào đó phụ trợ, tươi hơn khi khoản đó kha khá.

Có vài cái Tết xưa, khi mưa bụi bắt đầu giăng, cả nhà lại mong ngóng người ở xa, anh cả đang đi bộ đội có được về phép không. Tết nay, chúng tớ lại mong ngóng ngày về quê. Khi còn thuê nhà thì không nói làm gì, nhưng ngay cả từ khi mua được căn hộ chung cư nho nhỏ, gia đình chưa bao giờ ăn Tết ở Hà Nội. Cứ nhăm nhắm đến rằm tháng Chạp là đưa bà cháu về quê sớm, tránh cái nhộn nhạo của tàu Tết. Chỉ đợi cúng ông Công ông Táo xong, rồi đến tầm 25 Tết là bố mẹ cũng rút về nốt. Căn hộ khóa trái cửa, im ắng suốt khoảng hơn một tuần, cho nên không trang hoàng gì…

Tết xưa hay Tết nay, dù miếng ăn phải lo nhiều hay lo ít, vẫn có những món ăn tinh thần mà nhà mình không thể thiếu là báo Tết, đào Tết, thiệp chúc Tết, khai bút. Báo Tết có lẽ là món độc nhất vô nhị trên thế giới. Ngày xưa chỉ vài tờ, giấy xấu, có vài hình minh họa màu, thế mà trong con mắt trẻ con vẫn đẹp thế.

 Ông Huệ vừa mua vừa được biếu treo một dãy báo Tết, với câu đôi đỏ ở phòng khách. Mẹ Thu kể, số Tết báo Thiếu Niên Tiền Phong được “nhâm nhi”, mỗi ngày đọc một chút, không dám đọc nhiều, thế mà đến đêm 30 giở ra định đọc tiếp thì đã hết. Báo Tết giờ rất nhiều, mấy trăm tờ, giấy đẹp, in màu đẹp, nhưng ít có gì đọng lại.

 Xen giữa những ngày Tết bận rộn ngày xưa, có những phút ông Huệ ngồi đợi khách, nheo nheo suy ngẫm với những trang thơ, truyện ngắn Tết; hoặc Tết nay chợt bắt gặp khoảng khắc ông Bân kéo ghế nhựa ra ban công tầng hai, cũng đang thưởng ngoạn những trang báo Tết trong cái se lạnh mùa Xuân. Nhưng một thứ Tết xưa không thể nào có - Tết online trên mạng. Hồi trước, bạn đọc là bạn đọc, còn bây giờ bạn đọc góp tay làm nên Tết trên các báo mạng. Không những thế, còn có nhà nhà, người người của làng Phây đón Tết.  

Đào Tết.  Ông Huệ chỉ thích loại đào trồng ở vườn, cành mọc không theo một khuôn mẫu nào cả, có cả lộc xanh, nụ hồng, vài cánh đã nở phơn phớt hồng, chứ dứt khoát không chịu đào Nhật Tân hình dáng cành nào cũng như cành nào.

Vậy nên mấy năm nay, luôn phải chọn cho được cành đào vườn như ngày xưa ông Huệ ưa, đặt chếch một bên bàn thờ, trưng bày phòng khách, nơi ông bà đã sống.

Món ăn tinh thần nữa là thiệp Tết. Ông Huệ bao giờ cũng kiếm cho được mấy tấm thiệp hoặc bưu ảnh viết lời chúc Tết cho cả nhà và gửi cho các chú, các o ở các nơi khác. Thiệp hồi đó giấy xấu, trình bày không đẹp lắm, như cũng như nhiều thứ khác, hồi đó mấy ai than phiền. Chỉ vài dòng, nhưng ông Huệ luôn đăm chiêu, kỹ càng từng lời chúc, rồi ký rất đẹp. Bây giờ thiệp Tết nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng, năm nào mình cũng phải sắm khoảng hai mươi cái. Nhà LamThuThyLanh tự chúc nhau, rồi viết thiệp chúc ông bà, các bác, chú, dì của Minh Thy và Lanh, họ hàng nhà ông bà… Nói chung là những lời chúc tốt đẹp nhất, dù năm nào cũng tương tự nhau, nhưng mỗi lần đặt bút, vẫn thấy có gì đó mới mẻ so với năm trước.

Các cụ ngày đó còn có tục lệ khai bút. Ông Huệ hoặc là sau giao thừa, hoặc sáng mồng Một thường ngồi vào bàn viết một đoạn gì đó, hoặc thơ, hoặc bút ký, hay mẩu bình văn. Ông Nguyễn Tài Đại (ông ngoại mẹ Thu) nguyên Trưởng ty Giáo dục Nghệ Tĩnh, nổi tiếng với những câu đối độc đáo làm thơ, viết chữ nho vào sáng mồng Một. Ông Bân “thầy toán mê văn” viết một bài thơ yêu thích, hoặc giải một bài toán… Còn mình, nếu không tính status trên Phây, thì chưa bao giờ chủ định tiếp nối truyền thống này, nhưng thường khoảng mồng Bốn Tết đã ngồi gõ bài viết nào đó hoặc vì công việc, hoặc theo đặt hàng của nơi khác.

 Có lẽ Tết này bố con mình “khôi phục” nếp nhà, con gái nhỉ! Chỉ có điều, bố con ta không phải khai bút nữa, mà là khai bàn phím, khác Tết xưa.

Vậy đó, Tết xưa - Tết nay. Dĩ nhiên có nhiều thứ đã khác, thậm chí khác xa. Hàng chục năm rồi kia mà. Nhưng có những thứ trong sâu thẳm vẫn như xưa. Đó là không khí Tết; sự xum vầy; gặp gỡ; hàn huyên; đào, mai; bánh chưng xanh; thời khắc giao thừa…Và mưa bụi nữa, như thơ ông Huệ đã từng ngâm:

Mưa bụi ơi bay mãi

Cho hương trà đậm hơn

Quyện theo hương cháu thở

Nhấp hương đời, hương thơ…

  • Nguyễn Đức Lam