2014 có thể sẽ là năm mà nước Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để lấy lại hình ảnh siêu cường của họ bằng cách can dự nhiều hơn vào các tranh chấp biển đảo ở cả Hoa Đông và Biển Đông.
Biển Đông trong năm 2014 vẫn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do Trung Quốc vẫn úp mở về khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại Biển Đông. Trong khi đó Bộ Quy tắc ứng sử (COC) tiếp tục lâm vào thế bế tắc. Xung đột giữa lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc và các tàu dân sự quân sự của các nước Đông Nam Á vẫn có thể diễn ra.2013 và những đợt sóng ngầm
Tình hình biển Đông trong năm 2013 có nhiều diễn biến căng thẳng.
Trung Quốc là nước liên tục có những hành động khiêu khích, thử phản ứng của các nước láng giềng có tranh chấp trong khu vực. Một mặt, họ tiếp tục gây hấn (huy động tàu cá nước này đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền các quốc gia khác, tập trận gần những khu vực có tranh chấp), mặt khác lại tự cho rằng mình bị “chèn ép”, nhất quyết đòi giải quyết các tranh chấp đa phương trên bàn đàm phán song phương, hay phản đối đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận trong các hội nghị…
Đội tàu cá của Trung Quốc tiến vào Biển Đông đánh bắt hải sản hồi tháng 8/2013. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Về phía ASEAN, Tổng thư ký Lê Lương Minh trong bài phát biểu nhậm chức ngày 9/1 đã coi biển Đông là vấn đề trọng tâm cần được khối chú ý, cho rằng ASEAN cần tăng tốc trong quá trình đàm phán với Trung Quốc để soạn ra Bộ Quy tắc Ứng xử COC. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào đầu tháng 7 chứng kiến việc ASEAN lấy lại được tiếng nói chung sau khi có sự chia rẽ về vấn đề biển Đông.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất là vào ngày 22/1, Philippines đã chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế về luật biển (ITLOS). Sự kiện này diễn ra sau nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc. Việc đệ đơn kiện này chưa từng có tiền lệ và khiến Trung Quốc có phản ứng mạnh mẽ, từ chối tham gia vào vụ kiện. Nhiều nhà phân tích nhận xét hành động này sẽ có lợi cho Philippines, ngoài ra Mỹ cũng đã lên tiếng tuyên bố sẽ ủng hộ phía Philippines trong vụ kiện. Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình trước những nõ lực giải quyết tranh chấp trên cơ sở UNCLOS, và cũng đã đưa vấn đề biển Đông ra trước Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9 trong năm.
Trong khi đó, việc vào ngày 23/11 Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm cả đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến tình hình ở biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã làm cho Nhật Bản giận dữ, các nước đồng minh của Nhật gồm cả Mỹ cũng có phản ứng gay gắt và có những hành động đáp trả mang tính thách thức đối với quyết định của Trung Quốc, khiến cho căng thẳng gia tăng dự dội.
Đi tìm những nhân tố mới
Năm 2014 là năm mà Biển Đông sẽ đón nhận nhiều yếu tố mới, đó là việc Myanmar sẽ làm chủ tịch luân phiên ASEAN, và việc Trung Quốc và Mỹ vừa trải qua một giai đoạn đầy biến động.
Trong những năm qua, nhiều tập đoàn quân sự ở Myanmar đã nhận khá nhiều sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Điều đó dẫn đến những nghi ngờ về việc Myanmar có thể sẽ hi sinh vấn đề biển Đông để đảm bảo lợi ích quốc gia của họ.
Tuy nhiên nếu xét trên thực tế Myanmar khác hơn rất nhiều một số nước khác, khi ít lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc lại có thể được xem là phụ thuộc vào vị trí chiến lược của Myanmar. Nắm bắt được tâm lý đó ông Ko Ko Hlaing, cố vấn chính trị chính của tổng thống Myanmar, đã tuyên bố trước báo chí: “Chính phủ Myanmar sẽ tránh lặp lại những gì đã xảy ra tại Phnom Penh. Chúng tôi có thể tranh thủ quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để mang lại lợi ích tốt nhất cho toàn khu vực”.
Hàng loạt các chính sách đối nội quyết đoán đã diễn ra tại Trung Quốc đang khẳng định ưu thế quyền lực tuyệt đối của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng có được quyền uy trong quân đội, triển khai chiến dịch chống tham nhũng nghiêm túc, có tính lâu dài và tiến hành chỉnh đốn tác phong trong Đảng. Tất cả nhằm cho thấy hình ảnh của ông Tập Cận Bình có sự khác biệt rất rõ với hai vị lãnh đạo tiền nhiệm.
Ngay cả cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân cũng đã lên tiếng khen ngợi ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo “có trí năng”, “rất có năng lực” và “mạnh mẽ”. Gần đây, việc ông Tập Cận Bình sử dụng một loạt “người quen” còn cho thấy nhà lãnh đạo này sớm có sự bố trí cho bộ khung quyền lực trong tương lai. Một lẽ dĩ nhiên khi đã ổn định nội tình trong nước Trung Quốc sẽ tăng cường hướng ra bằng những chính sách đối ngoại quyết đoán, đặc biệt trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ trên bộ cũng như trên biển.
Năm 2013 chứng kiến việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 16 ngày, điều này khiến cho chiến lược chuyển trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương bị gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề. Tổng thống Mỹ Barrack Obama từng nói: “Syria chỉ là mục tiêu ngắn hạn của Mỹ, còn chiến lược thế kỷ, Mỹ đặt niềm tin vào châu Á - Thái Bình Dương”.
Tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Mỹ đủ thấy ý nghĩa của châu Á - Thái Bình Dương với tương lai nước Mỹ. Tuy nhiên, tương lai đó bị đe dọa bởi việc đóng cửa chính phủ, khiến nước Mỹ rơi vào cảnh thiếu uy tín và không đủ lòng tin bởi sự bất ổn nội tại sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình gây dựng những mối quan hệ đồng minh ở khu vực này. Chính vì thế, 2014 có thể sẽ là năm mà nước Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để lấy lại hình ảnh siêu cường của họ bằng những sự can dự nhiều hơn vào các tranh chấp biển đảo ở cả Hoa Đông và Biển Đông.
Năm giáp Ngọ được nhiều người kỳ vọng sẽ là một năm tốt đẹp với những màn “phi nước đại” hướng đến những thành công phía trước. Biển Đông cũng vậy, người ta đang chờ đợi sẽ có một bước đột phá mới trong việc giải quyết tranh chấp, với nhiều ẩn số.
- Hà Long – Giang Lê
Còn nữa