Làn gió thực sự mới này như tạo ra một cơn mưa rào giữa cơn hạn hán của sự mất lòng tin và bi quan xuất hiện hằng ngày trong xã hội. Nó giống một liều andrenalin liều cao, gây hưng phấn nhưng cũng đồng thời bộc lộ những thói xấu cố hữu.

Đằng sau chuyện "khai tử" Flappy Bird

Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam?

Một trong những điểm khiến cho kinh tế Việt Nam chưa thể cất cánh là thiếu sự hỗ trợ và ủng hộ hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp, cả về mặt cơ chế chính sách lẫn nhận thức xã hội. Những sự kiện xảy ra vừa qua đã cho chúng ta thấy được rằng, trong xã hội Việt Nam vẫn chưa tồn tại "gien cơ bản" cho tinh thần khởi nghiệp của mỗi công dân.

Sự thành công của U-19 và thói chê bai

Hãy lấy sự thành công của đội tuyển U-19 Việt Nam làm ví dụ đầu tiên. Ai cũng biết nền bóng đá Việt Nam trong khoảng một thập kỷ trở lại đây xuống dốc một cách tệ hại. Từ khi đạt ví trị cao nhất trong bảng xếp hạng FIFA năm 1998 (hạng 84) cho đến bây giờ là năm 2014, vị trí đó cứ tụt dốc không phanh.

Quy luật tự nhiên là khi lòng tin suy giảm trong một thời gian dài, thì bất cứ nỗ lực thay đổi nào được đưa ra cũng bị đánh dấu hỏi, cũng bị người ta nghi ngờ, chê bai. Những cải thiện cần phải được nhận thấy ngay lập tức, được "sờ tận tay, day tận trán" thì mới mong tạo ra được một chút tia hy vọng, chứ không phải chỉ có nói và nói.

Thành công của U-19 nam Việt Nam xuất phát từ nhận thức của người hâm mộ về một thứ triết lý và cách làm bóng đá khác biệt so với trước đây. Một lối đã bóng đẹp mắt, mê hoặc và thân thiện tiếp thu từ phương Tây, cùng sự dũng cảm trong đầu tư và hứng chịu rủi ro của một nhà đầu tư tư nhân. U-19 Việt Nam tạo một cảm giác thực sự mới mẻ, không dẫm chân lên lối mòn của lối đá nhàm chán mà không hiệu quả trước đây. Sự mạo hiểm của bầu Đức khiến cho người hâm mộ lạc quan về một sự thay đổi có thể "sờ và nhận thấy được", chứ không phải chỉ có nói, và nói, và nói như VFF.

Làn gió thực sự mới này như tạo ra một cơn mưa rào giữa cơn hạn hán của sự mất lòng tin và bi quan xuất hiện hằng ngày trong xã hội. Nó giống một liều andrenalin liều cao, gây hưng phấn nhưng cũng đồng thời bộc lộ những thói xấu cố hữu. Sự hưng phấn thái quá khiến cho các thất bại của U-19 tại giải Tứ hùng nhận được những lời chê bai vô tội vạ và thiếu khách quan. Họ hy vọng một cách thái quá để rồi cũng "rơi" nhanh không kém.

U-19 vẫn chỉ là U-19, họ còn trẻ, họ còn tương lai phía trước.

{keywords}

Flappy Bird, chú chim sớm chết yểu

Điều cần nhất ở người hâm mộ là sự động viên, đánh giá đúng mực và chê bai đúng mực. Chứ không phải là tung hô U-19 lên tận mây xanh, để rồi tự mình thất vọng, tự mình chìm đắm trong ảo tưởng do chính mình gây ra và trù dập một cách không thương tiếc.

Flappy Bird và tính đố kỵ

Một ví dụ nữa là trò chơi Flappy Bird nổi đình nổi đám trong thời gian gần đây.

Sự nổi tiếng và thành công quá nhanh của nó đã gây ra không ít bàn tán, cả khen và chê Tuy nhiên, không ít người Việt sau đó đã chỉ chăm chăm vào những thông tin xuất hiện đây đó về bản quyền, về các "mánh khóe", hay nói tóm lại là những thông tin tiêu cực để lên án và "ném đá" tác giả trò chơi. Và cuối cùng, sự tự tin và tâm lý dám khởi nghiệp như một ngọn lửa bị dập tắt.

Đố kỵ là một tính từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nhưng nên nhớ rằng cảm giác "đố kỵ" tùy theo nhận thức sẽ có hai tác dụng trái ngược. Đố kỵ sẽ giúp chúng ta nhận thức lại bản thân để xem tại sao mình không bằng người khác, để rồi tự mình hoàn thiện vượt qua được người mà ta đang "để ý". Đố kỵ cũng là cảm giác ganh ghét vì thành công và sự "may mắn" bất ngờ của người khác mà mình không có được, để rồi tìm mọi cách "cào bằng" và triệt tiêu thành tựu của người khác.

Thật không may rằng, tính đố kỵ trong người Việt quá lớn. Nó xuất phát từ tâm lý tiểu nông với tư duy ngắn hạn và cục bộ. Nó cũng xuất phát từ những tư tưởng rơi rớt lại từ thời bao cấp, với thói quen san sẻ đồng đều mọi thứ, để "ai cũng được như ai". Nó xuất phát từ việc giáo dục quá chậm đổi mới để truyền bá những tư tưởng tiến bộ hơn. Nhiều người đã nói rằng, người Việt chỉ đoàn kết trong những lúc khó khăn, chính là khi quyền lợi bản thân của mình bị đe dọa đặt trong bối cảnh chung. Thế nhưng khi không có mối đe dọa chung nào, thì người Việt lại ưa thích "triệt tiêu" lẫn nhau. Hãy nhìn sang người Hoa và cả người Thái mà xem, họ thành công là vì họ không có cái thói "triệt hạ" đó.

Quay lại trường hợp Flappy Bird, nhiều người nói rằng trò chơi không mới, là vi phạm bản quyền, xuất phát từ một số thông tin khác nhau. Ở đây không bàn đến các thông tin đó là đúng hay sai. Báo chí có quyền khai thác thông tin, đó là chức năng xã hội của họ.

Tuy nhiên, nhiều người lại "chộp" lấy đúng những thông tin đó để lấy cớ chê bai và chỉ trích. Nên nhớ rằng, sáng tạo không chỉ là phát minh ra những thứ hoàn toàn mới mẻ, mà tùy vào từng lĩnh vực khoa học nhất định, là kế thừa và phát huy thêm những nền tảng sẵn có. Có hằng hà xa số những trò chơi trùng lặp với nhau không ở chi tiết này thì là chi tiết khác, đó là đặc điểm của ngành công nghiệp game. Thế nhưng điểm khác biệt là ở chỗ, Flappy Bird đã may mắn hơn những trò chơi tương tự. Ý tưởng có thể trùng lặp, nhưng nhiều khi may mắn mới mang tính quyết định sự thành công.

Người Việt cực giỏi chê bai, họ có thể bới lông tìm vết những thứ rất nhỏ để rồi làm cho nó to lên, để thỏa sức vùi dập công sức của người khác. Còn những điểm sáng khác thì chả cần quan tâm. Nhiều người lại không nhận ra chính mình đang đố kỵ với người khác, chỉ vì tính đố kỵ đã ăn sâu tới mức chính họ cũng không nhận ra. Thói quen chê bai và "bới lông tìm vết" có thể nhận thấy ở khắp nơi. Hãy hỏi một người bạn của bạn xem, họ sẽ dễ dàng chê bai bạn với 1 trang A4, còn khen thì chỉ được vài dòng.

Một xã hội ủng hộ kinh doanh và khởi nghiệp, không chỉ cần những chính sách khuyến khích phù hợp, mà còn cần một nhận thức đúng đắn trong vấn đề này. Hai yếu tố trực tiếp quyết định tới thành công của khởi nghiệp, hay có thể là một ý tưởng mới mang tính bước ngoặt, là chính sách của chính phủ và sự năng động của bản thân mỗi người xuất phát từ một nền giáo dục hiệu quả.

Nếu không sớm thay đổi nhận thức của xã hội trong hiện tại, Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có một Flappy Bird thứ hai, và U-19 cũng sẽ không bao giờ lớn.

  • Phúc Long