Việt Nam là nước gia công hàng may mặc xuất khẩu đáng kể duy nhất trong TPP lại không nhập nguyên liệu từ Mỹ hay phương Tây mà là từ Trung Quốc. Đâu đó chúng ta cảm nhận được bóng dáng của tâm lý, rằng cứ liên quan đến Trung Quốc, mọi thứ trở nên nhạy cảm...
Việc đẩy mạnh hội nhập mậu dịch tự do còn đặt ra cho Việt Nam bài toán lớn về năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thách thức lớn mà từ lâu giới quan sát đã tỏ ra lo ngại chính là nội lực, hay khả năng tự sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh quốc gia. Cái lợi sẽ ở đâu nếu ngay cả “cây tăm” cũng phải nhập khẩu?
Công nghiệp phụ trợ “héo úa”
Công nghiệp phụ trợ là khái niệm dùng để chỉ những ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm có vai trò hỗ trợ cho việc tạo ra các thành phẩm chính. Đó có thể là những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế hay những linh kiện, phụ tùng…
Thực ra vấn đề ngành công nghiệp phụ trợ nước ta được đánh giá là yếu hoặc cứ mãi “dậm chân tại chỗ” chẳng phải điều gì mới mẻ với các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều dự án triệu đô đội nón ra đi chỉ vì thiếu... ôc vít |
Kể từ khi tiến hành mở cửa nền kinh tế đến nay, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút một lượng lớn FDI dao động ổn định quanh mốc 10 tỷ USD mỗi năm. Sức hấp dẫn của Việt Nam xuất phát từ những chính sách của Chính phủ khuyến khích FDI, vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa đi các châu lục, môi trường kinh doanh và chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và ngày càng được đào tạo bài bản…
Tuy nhiên những ngành sản xuất lớn như ô tô, điện tử, dệt may, da giày… thì cần thêm các nhân tố khác như: khả năng cung cấp những sản phẩm phụ hỗ trợ cho quá trình lắp ráp tại chính thị trường bản xứ. Có thể nói đây là vấn đề khó khăn gây trở ngại cho Việt Nam khi đàm phán gia nhập FTA hay TPP nếu xét tới vấn đề hàm lượng nội địa trong hàng hóa.
Đối với ngành sản xuất ô tô, việc thiếu những linh kiện cần thiết và phải nhập khẩu với mức thuế cao đã khiến các nhà đầu tư lâu đời cũng như “tiềm năng” cân nhắc tới quyết định đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đơn cử như trường hợp của Mazda và Ford, sau khi chờ đợi mãi vẫn không thể mua được những linh kiện đơn giản để lắp ráp ô tô như đinh tán, ốc vít tại thị trường Việt Nam… Mazda và Ford buộc phải rút vốn và thay đổi địa điểm đặt cơ sở sản xuất sang Thái Lan thay cho ý định ban đầu là Việt Nam.
Trả lời quyết định của mình, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và giám đốc điều hành của Ford tại Việt Nam cho biết: “Nếu không có một ngành công nghiệp phụ trợ, chi phí sản xuất xe hơi sẽ cao hơn các nơi khác trong khu vực vì thuế phụ tùng nhập khẩu”. Hoặc như Canon và Samsung vẫn đang “loay hoay” trong việc tìm kiếm các công ty cung cấp linh kiện điện tử đủ chất lượng với mức giá cạnh tranh cho hoạt động lắp ráp trong nước. Đây không phải là điều mà bất cứ một doanh nghiệp đầu tư nào mong muốn.
Không riêng gì ngành ô tô, điện tử, rõ ràng dệt may và da giày cũng là 2 ngành lớn đang đối mặt với những khó khăn khi vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào. Có thể nói con số 80% nguyên liệu sản xuất da giày và 50% nguyên liệu vải sợi, khuy, móc phải nhập khẩu từ Trung Quốc quả là không hề nhỏ nếu dùng để chứng minh sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Như vậy, nếu các ngành công nghiệp phụ trợ tiếp tục bị “xem nhẹ” như thời gian qua, có lẽ các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lại nếu muốn rót vốn vào “thị trường tiềm năng” này. Từ đó, việc gia nhập FTA hay TPP với mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư không những không thuận lợi mà ngược lại còn bị “chặn đứng” bởi những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ và sự rút vốn từ các tập đoàn.
“Lận đận” vì xuất xứ hàng hóa
Hơn 40 năm qua, các nước phát triển đặc biệt là Mỹ luôn nỗ lực bảo hộ ngành công nghiệp vải sợi và quần áo. Hai hiệp định do Mỹ thiết lập gồm Hiệp định Đa sợi (MFA) và Hiệp định về hàng dệt may (ATC) từng quy định hạn ngạch nhập khẩu sản phẩm may mặc vào thị trường này đối với hơn 70 quốc gia. Điều này đã khiến các doanh nghiệp may mặc Mỹ phải thuê ngoài từ các quốc gia có hạn ngạch thay vì lựa chọn những thị trường rẻ nhất.
Cho đến khi hai hiệp định này hết hạn vào năm 2005, các nhà nhập khẩu đã có thể thuê ngoài đối với mọi thành viên WTO. Trong khi đó, Việt Nam là nước gia công hàng may mặc xuất khẩu đáng kể duy nhất trong TPP lại không nhập nguyên liệu từ Mỹ hay phương Tây mà là từ Trung Quốc. Đâu đó chúng ta cảm nhận được bóng dáng của tâm lý, rằng cứ liên quan đến Trung Quốc, mọi thứ trở nên nhạy cảm, ngay cả với Mỹ.
Mỹ cần cứng rắn trong việc thiết lập quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” để bảo hộ ngành may mặc nước này? Quan điểm này phản ánh một bộ phận lợi ích nhóm trong lòng nước Mỹ, nhưng không phải là tất cả. Đó chỉ là quan điểm của Liên minh Dệt may TPP (TAAT); Hiệp hội Sản xuất Sợi tự nhiên, Liên minh Hành động Sản xuất Thương mại Mỹ, Hội đồng Bông Quốc gia, Hội đồng Quốc gia Các tổ chức Dệt, Hiệp hội Dệt Quốc gia và Viện Công nghiệp Vải may.
Thực tế, Liên minh May mặc TPP – liên minh của các nhà bán lẻ, các nhãn hiệu may mặc, các hãng sản xuất và nhập khẩu quần áo của Mỹ; các tổ chức khác như Hiệp hội Giầy dép & Quần áo, Tổ chức Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Công nghiệp Ngoài trời, Hiệp hội Các nhà lãnh đạo Công nghiệp Bán lẻ, và Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Dệt may Mỹ - lại phản đối mạnh mẽ quy tắc “từ sợi trở đi”. Họ cho rằng nó không khả thi trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay và cũng chẳng cải thiện được xuất khẩu cũng như không đem đến cho Mỹ những giao dịch thương mại mới với các nước thành viên TPP mà hầu hết trong số đó đã có FTA với Mỹ.
Quan điểm của họ không phải không có cơ sở. Trong khuôn khổ Thỏa thuận Tự do Thương Mại Cộng hòa Dominica-Trung Mỹ (CAFTA-DR), thành công của Mỹ đã đến với trường hợp của Nicaragua, khi cả nhập khẩu quần áo và xuất khẩu vải sợi Mỹ đều tăng vọt trong vài năm gần đây.
Nền tảng của thành công này được cho là bắt nguồn từ một ngoại lệ của quy “tắc từ sợi trở đi”, được gọi là quy tắc về Mức ưu đãi thuế (TPL), vốn cho phép một hàm lượng lên tới 100 triệu mét vuông vải sợi từ nước thứ ba được sử dụng mà vẫn đảm bảo các ưu đãi về thâm nhập thị trường Mỹ.
Một hướng đi được tính đến đó là Việt Nam sẽ tiến hành nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong TPP như Mỹ, Malaysia, Nhật Bản. Tuy nhiên, giá mặt hàng từ các nước này không thể so sánh được với sức cạnh tranh từ Trung Quốc. Lợi ích từ việc giảm thuế có thể bị trung hòa, thậm chí triệt tiêu đến mức âm.
Quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề này vẫn là cố gắng tìm ra các đề xuất lộ trình hợp lí để các doanh nghiệp trong nước có thêm thời gian chuẩn bị. Với mục tiêu khiêm tốn là giảm tổn hại nhất có thể.
Hoài Thương – Nhật Anh