Từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, đời sống tâm linh tín ngưỡng trong xã hội nói chung được cởi mở, tự do hơn so với thời kỳ bao cấp XHCN. Theo đà thời gian, bộ mặt tín ngưỡng hỗn dung của người Việt lại được dịp phục hưng với đủ mọi sắc thái.

LTS: 'Đến hẹn lại lên', mùa xuân là mùa lễ hội, mùa của các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng rầm rộ nhất trong năm. Nhưng ngoài giá trị truyền thống, lâu đời, những năm gần đây các hoạt động này đang ngày càng nhiều bất ổn, phản chiếu xã hội và tư duy người Việt.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu loạt bài viết của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xung quanh vấn đề này.

Bài 1: Từ 'thằng cu ôm bàn thờ' đến tận thu nơi cửa Thánh

"Truyền thống"

Trong cộng đồng làng xã Việt Nam, họ tộc vốn được xem như một bộ phận cấu thành cơ bản. Ở góc độ tâm lý, sẽ thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tiền đề chi phối mạnh mẽ quan hệ gia đình, dòng tộc và kết cấu xã hội người Việt.

Đặc biệt từ khi chịu ảnh hưởng của hệ tử tưởng Nho giáo vốn được xem là "trọng nam khinh nữ", việc sinh con trai trở nên quan trọng hơn bao giờ. Ở đây, người ta quan niệm rằng chỉ có người con trai mới được coi là "nối dõi tông đường" với nghĩa vụ "ôm bàn thờ", coi sóc việc cúng bái ông bà, phần mộ tổ tiên.

Từ ngàn xưa, khái niệm suất đinh trong mỗi họ tộc chính là để chỉ số lượng người con trai, quyết định xem dòng họ lớn/ bé như thế nào. Dòng họ nào cũng có nhà thờ tổ, tựa như một ngôi đền thờ riêng, do các trai đinh coi sóc. Từ đó, trải qua bao đời, sẽ thấy việc sinh con trai luôn trở thành một vấn đề tối quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt. Biết bao điều ngang trái đã nảy sinh từ hệ ý thức này. Với điều tiếng xã hội, nhà nào không đẻ được con trai, kể như là tiệt giống!

Việc cố sống cố chết đẻ bằng được cái "thằng cò" nỗi dõi tông đường hiển nhiên đè nặng lên vai người phụ nữ Việt từ bao đời nay. Trong kết cấu dòng họ, việc coi trọng con trai hơn con gái còn sinh ra nhiều hệ lụy khác. Ví như việc họ nội bao giờ cũng được coi trọng hơn họ ngoại, cái thế "nhất bên trọng, nhất bên khinh" là điều thực tế dù không ai muốn nói ra.

Đáng chú ý hơn, có có những vùng quê, những người con gái trong gia đình còn không được phép mang họ bố. Thay vào đó, họ buộc phải lấy tên đệm của cha mình làm họ riêng cho tên gọi. Trong xã hội thời nay, điều này đã gây không biết bao nhiêu khó khăn cho thủ tục giấy tờ trên đường đời của những người con gái đó. Và mặc nhiên, họ chẳng có quyền thừa kế tài sản của gia đình, kể cả với pháp luật hiện hành.

 

{keywords}
Đi đường nào? Ảnh: Pháp luật TP Hồ Chí Minh

"Hiện đại"

Từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, đời sống tâm linh tín ngưỡng trong xã hội nói chung được cởi mở, tự do hơn so với thời kỳ bao cấp XHCN. Theo đà thời gian, bộ mặt tín ngưỡng hỗn dung của người Việt lại được dịp phục hưng với đủ mọi sắc thái.

Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phong trào phục dựng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội tín ngưỡng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng dần được khôi phục. Thế nhưng điều đáng nói, trong xã hội hiện đại, đã bắt đầu nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng. Trong đó có những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc, được phản ánh nhiều trên công luận, như hiện tượng kinh doanh các dịch vụ tâm linh ở những cơ sở tín ngưỡng là ví dụ điển hình.

Ở đây, trong xu thế phát triển văn hóa nói chung, việc biến các lễ hội thành sản phẩm du lịch trở nên một nhu cầu thiết yếu. Bởi thế việc cố gắng tận thu tiền bạc của du khách 4 phương là một hệ quả không thể khác. Đời sống càng khó khăn, động cơ thương mại càng được đẩy cao hơn bao giờ. Có những nơi, khi mở hòm công đức mỗi năm cũng đếm được cả hơn chục tỉ đồng mỗi hòm.

Ở Hà Nội dịp đầu Xuân, nhiều ngôi chùa cũng công khai thu phí cúng sao giải hạn, dao động từ vài trăm nghìn đến cả tiền triệu mỗi suất cúng. Nhiều đàn cúng giải oan, cầu siêu... có giá cả dao động từ vài chục đến hằng trăm triệu đồng tiền thuê khoán sư sãi, thầy cúng... Có thể thấy, nguồn thu từ các hoạt động tâm linh tín ngưỡng quả là siêu lợi nhuận. Xã hội càng tín ngưỡng, càng mê đắm bao nhiêu, các đình, chùa, đền, miếu... càng có nguồn lợi lớn bấy nhiêu.

Chính vì vậy ở nhiều nơi, quyền cai quản cơ sở tín ngưỡng đã được chính quyền tổ chức đấu thầu hệt như một đầu mục thương mại địa phương. Tùy vào tiếng tăm linh thiêng của những ngôi đền mà người ta sẽ quyết định mức giá. Có những nơi sau khi thắng thầu, thủ nhang đồng đền phải nộp vào ngân sách địa phương hàng tỉ bạc mỗi năm.

Cấm/cho phép/ cấm..

Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Ở đây, hệ thống quản lý Nhà nước dường như phải mở cuộc chạy đua với đời sống tín ngưỡng trong xã hội mới.

Cấm/ cho phép/ cấm... luôn là quá trình vận động vá víu, đối phó với thực tiễn từ nhiều chục năm nay của các nhà quản lý. Chuyện "bắt cóc bỏ đĩa" là thực trạng thường thấy.

Trên thực tế, việc đòi hỏi khâu tổ chức lễ hội trở nên quy củ, an toàn lành mạnh và trong sáng dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Thứ nhất, xưa các lễ hội chủ yếu chỉ quy tụ dân cư thu hẹp trong từng vùng. Nay với sự quảng bá hấp dẫn của truyền thông, số lượng người hành lễ, chơi hội đổ về luôn quả tải trên mọi địa bàn. Do vậy, việc khống chế, kiểm soát lượng người trong những không gian nhỏ hẹp là điều bất khả kháng với ban tổ chức.

Thứ hai, khi phục hưng các lễ hội, rất nhiều tín ngưỡng dân dã có dấu vết từ thời nguyên thủy cũng đồng thời "hồi sinh", đánh thức sự trục lợi bản năng của con người với thần linh. Thực tế cho thấy, sự mê đắm của đám đông tín ngưỡng khổng lồ rất dễ biến thành thảm họa bởi hiệu ứng tâm lý đám đông, khả năng kiểm soát an ninh dường như là điều không thể.

Nhiều năm qua, việc hàng vạn người từ quan chức tới dân đen dẫm đạp lên nhau để cướp ấn đền Trần, hay lượng người hành lễ khổng lồ tràn ngập chặn đứng giao thông Ngã Tư Sở trước cổng chùa Phúc Khánh để dâng lễ xin sao giải hạn, cầu tài lộc... đã chứng minh sức mạnh kinh hoàng của niềm tin tín ngưỡng "hồn nhiên" như thế nào! Ở đây, vấn đề không chỉ nằm ở khâu tổ chức, mà điều quan ngại chính là trình độ tín ngưỡng, tạm coi như "tín ngưỡng trí" của xã hội, hiện đang ở mức không thể kiểm soát.

(Còn nữa)

Bùi Trọng Hiền

Bài liên quan: