Nga đã chứng minh những hoài nghi vào những năm 1991, rằng nền kinh tế nước này sẽ trở nên kiệt quệ, bất ổn và tụt hậu, là sai lầm.
>> Tại sao Putin "đánh bạc" vào Sochi?
Hồi sinh từ đổ nát
Thế vận hội Mùa đông tại Sochi là sự kiện đầu tiên do Nga đăng cai kể từ sau Thế vận hội Mùa hè tại Moscow năm 1980 trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng là cho tới lúc này, Moscow đã có rất nhiều thay đổi về mặt chính trị. Nhưng Thế vận hội lần này cũng là dịp thích hợp để nhìn lại lịch sử kinh tế gần đây, cũng như sắp tới của Nga.
Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 và những diễn biến dữ dội sau đó khiến nhiều người tin rằng nền kinh tế của Nga ngày nay hẳn phải kiệt quệ, bất ổn và tụt hậu rất nhiều sau một Trung Quốc bùng nổ. Sai hoàn toàn!
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, thu nhập bình quân đầu người của Nga trong năm 2013 tính theo sức mua của đồng tiền lên tới 18.600 USD, gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc (mức 10.000 USD). Và theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người ở mức cực nghèo tại Nga gần như bằng 0, con chỉ số này tại Trung Quốc vào năm 2009 là 11,8%.
Tất nhiên, nền kinh tế Nga có khởi sắc được như vậy không chỉ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý, mà còn nhờ giá dầu và khí đốt thế giới tăng cao.
Thực tế, giá dầu thế giới sụp đổ sau năm 1985 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại Liên Xô và Nga vào cuối những năm 1980 và đầu 1990. Mỹ và phương Tây đã không đưa ra sự trợ giúp tài chính cần kíp, khiến nền kinh tế của Nga cùng thảm cảnh tài chính thêm trầm trọng.
Điều đáng mừng là Nga đã phục hồi trở lại sau những năm tháng đen tối đó mà không cần tới phương Tây hay chính phủ Mỹ. Dù có bị tham nhũng làm cho khốn đốn, nhưng nền kinh tế thị trường của Nga vẫn ăn sâu bén rễ.
Sau vài năm đấu đá chính trị nội bộ và trì hoãn không cần thiết, Nga đã đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, và tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, đặc biệt là khi giá dầu và khí đốt thế giới bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2001-2003, GDP của Nga tăng mạnh mẽ với tỉ lệ trung bình hàng năm là 4,4%.
Nga cũng đạt được ổn định tài chính ở một chừng mực hợp lý. Theo IMF, tỉ lệ lạm phát của Nga ở mức 6,9% vào năm 2013 với tỉ lệ thất nghiệp là 5,5%, trong khi thâm hụt ngân sách chỉ là 0,3% GDP. Hơn nữa, dự trữ ngoại tệ của Nga ở mức rất ổn là 500 tỉ USD.
Thế vận hội Sochi khai mạc vô cùng hoành tráng |
Viễn cảnh lạc quan
Tuy nhiên, nước Nga vẫn có thể đạt được thành công lớn hơn nữa nếu đặt nền kinh tế trên hai đầu máy tăng trưởng, thay vì chỉ một. Dầu và khí đốt vẫn tiếp tục mang lại sức nâng mạnh mẽ cho Nga trong những năm tới, đặc biệt là khi Trung Quốc trở thành khách hàng chính. Tuy nhiên, Nga vẫn còn tiềm năng vô cùng rộng lớn và đang được phát triển trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Trong suốt kỷ nguyên Xô Viết, Nga đã sản xuất được hàng loạt sản phẩm công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, từ máy bay cho tới máy tính, và các sản phẩm máy móc tinh vi. Không như công nghiệp Trung Quốc, các hãng sản xuất của Nga gần như hoàn toàn tách biệt với thị trường thế giới do Chiến tranh Lạnh và kế hoạch hóa thời Liên Xô. Do nước Nga hậu Xô Viết mở cửa thương mại, các nhà máy công nghiệp của họ tụt hậu rất xa so với các ngành kỹ thuật tinh vi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và thông tin (ICT).
Rất nhiều ngành công nghiệp sụp đổ do bị bỏ bê, thiếu đối tác quốc tế và do hỗn loạn tài chính. Những ngành nào sống sót được cũng chỉ đủ cầm hơi, với sản lượng giảm đáng kể và chủ yếu đáp ứng thị trường hậu Xô Viết.
Nga có nền tảng về bí quyết sản xuất, kỹ sư lành nghề, và tài nguyên thiên nhiên để trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong một loạt ngành công nghiệp công nghệ cao then chốt, bao gồm năng lượng hạt nhân, hàng không thương mại, công nghệ không gian thương mại, phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin và viễn thông, đường sắt tốc độ cao, hóa dầu, v.v... Tất cả những ngành công nghiệp ngày sẽ hưởng lợi từ nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong những thị trường lớn như Trung Quốc, châu Phi và Ấn Độ.
Nhưng để đạt được tăng trưởng lâu dài nhờ các ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một môi trường kinh doanh khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm việc mở cửa cho các nhân tố nước ngoài. Hơn nữa, môi trường xã hội và chính trị cũng cần tạo điều kiện cho lực lượng lao động công nghệ cao, tạo ra chất lượng cuộc sống hấp dẫn, đảm bảo tự do công dân, và ủng hộ kinh doanh cũng như hoạt động sáng tạo. Sau cùng, các chính sách kinh tế phải thúc đẩy tiến bộ công nghệ và hợp tác kỹ thuật toàn cầu trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn.
Điều đáng lưu ý là Nga gần đây đã hoàn tất một thỏa thuận để cung cấp tài chính cho một nhà máy năng lượng hạt nhân tại Hungary, và tiếp theo có thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhu cầu năng lượng hạt nhân sẽ còn tăng, và các lò phản ứng mới của Nga tỏ ra an toàn và có tính cạnh tranh với những lò sản xuất ở nhiều nơi khác.
Tương tự vậy, chúng ta có thể sẽ thấy những máy bay thương mại sản xuất tại Nga thâm nhập vào thị trường toàn cầu với sự cộng tác từ các hãng quốc tế.
Trở lại năm 1991, nhiều người nghĩ rằng Nga không thể chấm dứt tình trạng lạm phát cao, thích nghi với nền kinh tế thị trường, hoặc cạnh tranh hiệu quả trên các thị trường thế giới. Nhưng hai thập kỷ sau đó, Nga đã chứng minh những hoài nghi trên là sai lầm.
Tất nhiên, Nga hiện vẫn còn rất phụ thuộc vào dầu và khí đốt, và cần có bước tiến hơn nữa trong việc minh bạch, mở cửa, cạnh tranh trong kinh doanh và quản trị. Nhưng xu hướng chung là khả quan: Nga đã trở thành một nền kinh tế thị trường ổn định, thu nhập cao, với các viễn cảnh rõ ràng tăng trưởng GDP nhanh chóng trong nhiều thập kỷ và tiến bộ kỹ thuật cao nếu như họ theo đuổi một chiến lược kinh tế hợp lý trong những năm tới đây.
Thu Lượng (theo Project Syndicate)
---------
*Tác giả bài viết, Jeffrey D. Sachs, là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Giáo sư về Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc của Học viện Trái đất tại Đại học Columbia, cũng là Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.