Thông điệp của Chủ tịch Thanh Hóa khiến VnEconomy liên tưởng về một khuyến nghị của các chuyên gia Đại học Harvard...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, mới đây đã có một văn bản yêu cầu các cấp chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, chạy vốn, chạy dự án của một số kẻ cơ hội xuất hiện gần đây trên địa bàn.

Theo văn bản này, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân đã nói khống có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh để lừa đảo chạy vốn, chạy dự án, chạy chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư...

Thậm chí, một số vụ việc còn có sự tiếp tay của cán bộ chính quyền các cấp, gây thiệt hại về tài sản, tiền của nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân; làm mất uy tín của các cấp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương thông tin, tuyên truyền cho các nhà đầu tư biết những thủ đoạn, hành vi lừa đảo của các đối tượng để phòng tránh. Ông Chiến cũng yêu cầu các tổ chức thông báo công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, kế hoạch đầu tư... để phòng ngừa lừa đảo.

Thông điệp của Chủ tịch Thanh Hóa khiến VnEconomy liên tưởng về một khuyến nghị, được các chuyên gia của Đại học Harvard đưa ra với Chính phủ, cách đây bốn năm.

{keywords}

Trong bất cứ lĩnh vực nào, "cò" chỉ xuất hiện khi có môi trường để "cò" phát triển và "hành nghề" - Ảnh minh họa.

Kinh tế thân hữu

Vào năm 2009, theo "đặt hàng" của Chính phủ Việt Nam, một nhóm các chuyên gia của Đại học Harvard đã liên tục đưa ra các khuyến nghị chính sách mang tên "Lựa chọn thành công" với kỳ vọng làm thay đổi nhận thức về hàng loạt vấn đề kinh tế quan trọng.

Một trong số các kiến nghị được đưa ra chính là làm thế nào để ngăn chặn những tác động của một "nền kinh tế thân hữu" (crony economy) đã và đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, len lỏi vào trong đời sống chính trị và kinh tế quốc gia.

Các chuyên gia Harvard khi đó đã nhấn mạnh rằng, "những người hay nhóm có thế lực chính trị thường lợi dụng các dự án đầu tư công để trục lợi cá nhân và trở lên giàu có một cách bất chính. Với tư cách là chủ đầu tư, nhà nước không thể cho phép các chương trình đầu tư của mình đi chệch khỏi mục tiêu tối đa hóa lợi ích của quốc gia".

"Khi đầu tư công trở thành đối tượng của các hành vi trục lợi thì một mặt mục tiêu của dự án đầu tư không được thực hiện, đồng thời gánh nặng chi phí sẽ được đặt lên vai của người dân và của nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp. Nhiều cá nhân và nhóm có thế lực chính trị ở Việt Nam đang "hô biến" tài sản quốc gia thành sở hữu cá nhân thông qua những phi vụ đất đai mờ ám và cổ phần nội bộ", bản khuyến nghị viết.

Sau các khuyến nghị của nhóm chuyên gia Harvard, vấn đề "crony economy" đã được nhiều học giả trong và ngoài nước tiếp tục mổ xẻ, phân tích như là một nguy cơ của nền kinh tế, khi mà các nhóm lợi ích khác nhau có thể gây ảnh hưởng hoặc thậm chí đưa ra quyết định trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách, đặc biệt liên quan đến đầu tư công.

Nhưng trong khi giới học giả tiếp tục đưa ra các khuyến nghị, sự hình thành các nhóm lợi ích là một xu thế, và thông điệp mới đây của Chủ tịch Thanh Hóa chỉ là sự thừa nhận một tình trạng đã trở nên phổ biến trong nền kinh tế. Trong bất cứ lĩnh vực nào, "cò" chỉ xuất hiện khi có môi trường để "cò" phát triển và "hành nghề".

Giám đốc một công ty xây dựng tên tuổi ở miền Trung nói rằng nếu bây giờ ngồi đợi các tỉnh có dự án và vốn rồi mới vào tham gia đấu thầu là coi như không còn cơ hội. Trên thực tế, chính các nhà thầu đi tìm dự án ở địa phương, chủ động tìm nguồn vốn về và "dí" vào tay lãnh đạo địa phương; trong nhiều trường hợp, lãnh đạo tỉnh thành phải nhận dự án một cách bất đắc dĩ, dù biết rằng nhiều dự án khác cần vốn hơn.

Khái niệm "chạy nguồn" đã trở thành quen thuộc với rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong thời gian qua. Thậm chí, để chắc ăn hơn, các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau thành một hệ thống, có thể đảm nhận được toàn bộ các công việc của một dự án, từ thiết kế, xây dựng, cung cấp vật liệu, vận hành, bảo trì... Bằng nguồn lực "tổng hợp" như vậy, hiệu quả "chạy nguồn" sẽ cao hơn.

Luật chơi chưa thay đổi

Cuối năm 2013, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một bài viết đánh giá lại tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã và đang diễn ra, đã nhận xét rằng dường như quá trình này cho đến nay vẫn mới chỉ là bước đầu, còn "ngổn ngang" và "bộn bề" trên nhiều mặt, từ nhận thức, quan điểm, tư tưởng, đến các giải pháp thực hiện.

Phân tích chi tiết, ông Cung cho rằng thể chế là khâu quan trọng nhất quyết định xu hướng, quy mô và tốc độ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bao gồm ba nội dung chính là "luật chơi", "cách chơi" và "người chơi"; nhưng trong đó, cách hình thành "luật chơi" và nội dung của "luật chơi" chưa có nhiều thay đổi.

Ví dụ cụ thể nhất là "luật chơi" hiện nay vẫn tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật (nghị định, thông tư) và các quyết định điều hành mang tính hành chính của các cấp có thẩm quyền. Chỉ tính riêng Chính phủ, hàng năm có 3.000 - 4.000 văn bản điều hành được ban hành. Hiệu lực pháp luật đang dựa nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của các bộ, ngành và người có thẩm quyền có liên quan, dẫn tới tình trạng "xin - cho".

Khá nhiều trong số hàng ngàn văn bản kia trên thực tế đã giải quyết tình huống cho một doanh nghiệp cụ thể, thường là các đề xuất ưu đãi, giảm hoặc hoãn thuế...

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Lê Đăng Doanh, trong một phát biểu khá chua chát về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam, từng nói rằng "xin được lô đất hay cái mỏ đá thì giàu nhanh, đầu tư cho khoa học và công nghệ thì 5-10 năm vẫn chưa thấy gì".

Chủ tịch Thanh Hóa hẳn cũng từng đối mặt với rất nhiều đề xuất dạng "xin lô đất hay cái mỏ đá", cho dù có thể ông chưa đọc các khuyến nghị của nhóm chuyên gia Harvard, những khuyến nghị dường như đang dần chìm vào quên lãng. Nhưng dù sao, chỉ đạo mới đây của ông về việc nói không với tình trạng "chạy dự án", ít ra, cũng đã mang giá trị của một thông điệp.

Anh Minh (theo VnEconomy)