Tại sao cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina sẽ còn rất dai dẳng và nghiệt ngã, ngay cả khi phe đối lập giành chiến thắng?

Suốt hơn hai tháng qua, hàng chục ngàn người biểu tình đã đổ ra trung tâm thủ đô Ukraina. Trong giá lạnh của thời tiết, họ hô vang những khẩu hiệu lật đổ Tổng thống và chống chính phủ. Lãnh đạo phe đối lập hứa hẹn chiến đấu cho tới cùng bất kể gian nguy, còn những người biểu tình la hét đến vỡ họng, khản cổ.

Rồi máu đổ, hơn 70 người thiệt mạng. Thủ đô biến thành chiến địa. Rất nhiều sự việc đã xảy ra trong các cuộc biểu tình thể hiện nguyện vọng hướng về phương Tây, chống chính phủ, và bước đầu phe đối lập đã đạt được những gì họ muốn.

Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu thông qua luật trở lại với bản hiến pháp năm 2004, và tuyên bố Tổng thống bị phế truất. Phương Tây đang đồng tình với việc thành lập nên chính quyền mới, hứa hẹn khoản hỗ trợ tài chính với Quỹ tiền tệ Quốc tế. Nỗ lực cho những người đấu tranh chống chính quyền dường như sắp được đền đáp. Ít ra thì với họ, máu đã không đổ ra vô ích.

Bạo loạn tại Ukraina - quốc gia với 45 triệu dân và là đất nước có diện tích lớn thứ hai châu Âu, sau Nga - thực sự là vấn đề đau đầu. Bước ngoặt trong ngày 22/2 vừa qua mà phe đối lập giành được đã làm đảo chiều tình thế tại Ukraina, đẩy Tổng thống Yanukovich tới khả năng phải từ chức, và một chính phủ với đại diện của nhiều bên có thể được hình thành. Tuy vậy, chưa ai đủ tự tin mà nói rằng một tương lai xán lạn đang chờ đón quốc gia này, khi những cội rễ của xung đột vẫn còn nguyên.

Dù có tin rằng ông Yanukovich muốn trốn sang Nga nhưng không thành công, nhiều người vẫn tin rằng ông không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Yanukovich từng bị "hất" khỏi văn phòng của mình sau cuộc cách mạng Cam 2004-2005. Ông trở lại và giành phần thắng trong cuộc bầu cử hợp pháp năm 2010.

Nay, ông đã tuyên bố không từ bỏ quyền lực và hẳn nhiên là sẽ không chịu nuốt viên thuốc đắng đó lần thứ hai trong cuộc đời chính trị. Và khác với cách mạng Cam năm 2004, Yanukovich lần này không còn đường lùi. Lùi bước đồng nghĩa với kết thúc sự nghiệp chính trị và tài sản tiêu tan, thậm chí là tự kết liễu chính mình.

{keywords}

Giao tranh ác liệt trên đường phố Kiev. Ảnh: NBC

"Trên bờ vực nội chiến"

Cuộc khủng hoảng chính trị càng kéo dài thì Ukraina càng có nguy cơ bị nghiền nát theo chiều hướng tồi tệ hơn rất nhiều. Tổng thống đầu tiên của Ukraina là Leonid Kravchuk, đã phải gióng lên hồi chuông báo động rằng đất nước này "đang trên bờ vực nội chiến".

Còn giả dụ Yanukovich chịu ra đi trong 'hòa bình', nguy cơ xung đột toàn diện bị đẩy lùi khi phe đối lập có được cái mà họ muốn, đó là sự ra đi của Tổng thống và chính quyền cũ sụp đổ. Nhưng viễn cảnh đó lại mang tới một loạt mâu thuẫn và tranh chấp chồng chéo khác, đẩy Ukraina tới một tình thế không kém phần gieo neo. Chia rẽ chính trị cả trong đất nước và ngay cả trong những lều trại của người biểu tình vẫn hiện hữu, và thậm chí còn gay gắt hơn khi họ giành được 'thắng lợi'.

Y hệt như những cuộc nổi dậy chính trị rầm rộ trước đó, phong trào biểu tình lần này cũng quy tụ nhiều phe nhóm và người dân khi cần, và điều gì xảy ra sau khi mục tiêu của họ bị đánh đổ thì ai cũng biết. Ba lãnh đạo đối lập của phong trào lần này đều có toan tính riêng. Mỗi người trong số họ đều để mắt tới chiếc ghế tổng thống và chẳng ai muốn hai người còn lại sẽ bước lên vị trí thủ lĩnh tối cao.

Arseniy Yatsenyuk đứng đầu đảng Batkivshchyna là một nhà chiến lược chính trị lão luyện và dẫn dắt đảng này trong thời gian lãnh tụ thực sự là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko bị cầm tù.

Yatsenyuk thì không có sức hút như chính trị gia xuất thân từ võ sĩ đấm bốc Vitali Klitschko của đảng Udar. Và đáng chú ý trong thăm dò gần đây, là dù Klitschko được mến mộ và có nhiều cơ hội đánh bại Tổng thống Yanukovich nếu như phải 'đối đầu', thì đây lại không phải là gương mặt được phương Tây 'chấm' cho nội các mới. (Thông tin này đã vô tình được công bố trong một đoạn hội thoại bị rò rỉ trong giới goại giao Mỹ)

Nhân vật thứ ba trong thế 'chân vạc' này là Oleh Tyahnybok, lãnh đạo cực hữu của đảng Svoboda. Oleh Tyahnybok có tư tưởng bị cho là quá cực đoan và vị chủng (thậm chí có sự phân biệt chủng tộc). Đảng này đã có những nỗ lực để có được ưu thế chủ lưu trong phe đối lập, nhưng phần lớn xã hội Ukraina vẫn cho rằng đây là thứ tư tưởng dân tộc cực đoan không phù hợp.

Cho tới lúc này, các lãnh đạo của phong trào đối lập vẫn chưa thể hoặc chưa sẵn sàng kiểm soát phe cực đoan của mình, trong khi đây lại là những người đóng góp chủ yếu cho các cuộc biểu tình này, và giờ đây họ đang đòi hỏi có vai trò chính trị nổi bật hơn nữa.

Và sau cùng, cuộc cách mạng tại Ukraina sẽ còn không ngừng nghỉ chừng nào những mâu thuẫn lớn hơn nữa bên trong dân tộc chưa được giải quyết. Bởi phong trào biểu tình lần này chỉ đại diện cho lợi ích của phe đối lập, không phải của phần còn lại của Ukraina.

Chẳng khác gì hai quốc gia!

Lúc này, những người miền đông và miền nam Ukraina vẫn còn im tiếng, nhưng có thể sẽ đến lúc họ thể hiện sự bất bình. Dù đã có những bước tiến lớn lao để khắc phục sự chia rẽ (về mặt địa chính trị, ngôn ngữ, lịch sử và kinh tế) thì trông Ukraina vẫn chẳng khác gì hai quốc gia!

Dù cho các cuộc biểu tình gần đây có lan tới miền đông và miền nam có nền công nghiệp phát triển, nói tiếng Nga và có xu hướng ngả theo Moscow, thì về cơ bản, phong trào lần này vẫn chỉ là một hiện tượng của khu vực phía tây và miền trung đất nước - và lãnh đạo của phong trào chẳng làm được gì để giải quyết sự chia rẽ này.

Hãy nhìn sâu hơn vào từng khu vực tại Ukraina. Tại những thành phố như Lviv, miền tây Ukraina, người dân hết lòng ủng hộ phong trào chống chính phủ, và muốn ngả theo phương Tây, muốn nhập hội với Liên minh châu Âu.

Nhưng ở những thành phố như Donetsk ở phía đông, người dân coi các cuộc biểu tình này là sự 'vô ơn'. Họ muốn có trợ cấp, tiền lương, và chẳng ai muốn nền kinh tế sụp đổ. Như một giáo sư về kinh tế tại Đại học Donetsk nói, Kiev cần tìm thỏa hiệp sao cho có thể cân bằng quan hệ với cả châu Âu và Nga, vì Ukraina cần cả hai trị trường này, còn các khẩu hiệu của người biểu tình thì chẳng mang lại câu trả lời.

Dù cho phần thắng lúc này đang nghiêng về phe đối lập và những người hậu thuẫn cho họ ở miền tây đất nước, nhưng đừng quên là phần lớn các hàng hóa xuất khẩu của Ukraina được sản xuất ở miền đông với nền công nghiệp phát triển. Năm 2010, phần lớn số phiếu bầu của Yanukovich đến từ khu vực này. Rất nhiều người dân ở miền đông có quan hệ gần gũi về mặt cá nhân với Nga và các vùng lãnh thổ hậu Liên Xô hơn. Trong khi đó, châu Âu lại quá xa xôi.

Còn về tham nhũng - một trong những động cơ được hô vang nhằm lật đổ chính quyền Yanukovich, liệu chính quyền mà phe đối lập dựng nên có 'miễn dịch' với vấn nạn này?

Trong một viễn cảnh mỹ miều nhất cho cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Yanukovich lặng lẽ rút lui, Ukraina toàn tâm toàn ý đi theo mẫu hình phương Tây, tham nhũng được đẩy lùi, và những người thân Nga lẳng lặng mặc nhận, thì mầm mống xung đột vẫn không bị loại trừ. Bởi vấn đề cốt lõi là người dân Ukraina bị chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn về tương lai của đất nước. Những quan điểm này bị chi phối mạnh mẽ theo từng khu vực. Đó không phải là mâu thuẫn nhất thời, mà nó ăn sâu bén rễ và ngày càng được củng cố mạnh mẽ bởi địa chính trị, ngôn ngữ, kinh tế của từng vùng miền.

Cũng bởi vậy mà nguy cơ về khả năng xảy ra nội chiến phải được suy xét cẩn trọng. Và trong mọi trường hợp, việc thừa nhận những chia rẽ có thật chính là bước đầu tiên để phát triển các cải cách khả thi, chứ không phải là tìm cách mong nó biến mất.

Lê Thu (tổng hợp)