Nói rằng châu Âu đã chiến thắng trong cuộc chiến địa chính trị với Nga là quá sớm và khiên cưỡng.

"F*** the EU"

Câu chuyện lỡ lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Victoria Nuland cách đây vài tuần từng gây ầm ĩ trên các mặt báo châu Âu. Khi điện đàm mật với Đại sứ Mỹ tại Ukraina, bàn về cách ứng phó chậm chạp của châu Âu với những diễn biến khó lường tại Maidan, bà Nuland nói với người đồng nghiệp một câu khiến các quan chức EU giận tím mặt: "and you know, f**k the EU".

Nếu gạt sang một bên cách nói không được lịch sự, thì bà Nuland đã... nói đúng. Liên hiệp châu Âu gần như đã không có một động tác đáng chú ý nào trong phần lớn thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tại Ukraina, dù việc đổ vỡ liên kết với EU chính là nguyên nhân trực tiếp khiến khủng hoảng bùng phát.

Hành động lớn đầu tiên của EU cũng gần như là hành động cuối cùng là vào vài ngày trước. Đó là các Ngoại trưởng EU họp gấp để ra một quyết sách chung giữa lúc các cuộc đụng độ ở Maidan đã đi kèm với con số thương vong gây choáng váng.

Nhưng kể cả khi đó, EU vẫn hành động như một thực thể rời rạc. Catherine Ashton, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, đi như con thoi giữa Kiev và Brussels mà chẳng đạt được điều gì.

Chỉ khi "tam giác Weimar" gồm Đức - Pháp - Ba Lan vào cuộc, cộng thêm sức ép lớn từ số người chết do các cuộc đụng độ tại Maidan, bế tắc mới được giải tỏa. Vì thế, nói rằng châu Âu đã chiến thắng trong cuộc chiến địa chính trị với Nga là quá sớm và khiên cưỡng, khi chính bản thân người được coi là "chiến thắng" lại đang bối rối trước chiến tích mà mình đạt được.

{keywords}
Ảnh: Getty Images

Hình mẫu Tahrir

Cuộc chính biến ở Ukraina không phải là mô hình khủng hoảng mà châu Âu quen ứng phó. Đó là cuộc chính biến theo "hình mẫu Tahrir" giống như ở Ai Cập, khi xung đột gây ra thương vong lớn và tiêu diệt tính chính danh của bộ máy lãnh đạo. Từ sau cuộc chiến Kosovo, chưa có thời điểm nào châu Âu phải đối phó với một cuộc chính biến có màu sắc bạo lực ở cửa ngõ lục địa.

Còn nhớ, khi các cuộc bạo động ở Istanbul có nguy cơ tạo nên biến động chính trị lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn các nước châu Âu phản ứng một cách thận trọng, dè dặt theo hướng đẩy vấn đề ra khỏi mình càng xa càng tốt. Mà đấy là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên có tiềm năng gia nhập EU còn lớn hơn Ukraina và cũng có vai trò địa chính trị quan trọng trong các quyết sách tương lai của Liên minh châu Âu.

Sự rụt rè của châu Âu một phần đến từ cuộc khủng hoảng nội bộ trong khối, khi hầu hết các nước đều đang cạn kiệt nguồn lực để can thiệp. Nhưng mặt khác, nó cũng phản ánh một thực tế tồn tại lâu nay, đó là châu Âu chỉ là một thực thể rời rạc về chính trị và an ninh.

Catherine Ashton và Manuel Barroso, những quan chức EU lớn tiếng nhất đòi trừng phạt ông Yanukovych từ vài tháng qua, thực ra chẳng có trọng lượng gì đối với các toan tính của Paris hay Berlin. Hai thành viên cốt cán này của châu Âu có các ưu tiên và lợi ích riêng trong quan hệ với phần phía Đông châu Âu và cũng có nguồn lực giới hạn để có thể can thiệp.

Vì thế, châu Âu phải nhờ đến các hành động đơn lẻ để giải quyết một mối lo chung. Hành động đó ở đây là "tam giác Weimar", một mô hình hợp tác và kiềm chế quyền lực được Đức - Pháp đưa vào sử dụng từ gần 2 thập kỷ qua. Nhưng rõ ràng là ngay cả "tam giác Weimar" cũng không thể đảm bảo được tương lai cho một châu Âu nhất thể về đối ngoại và an ninh.

Châu Âu bối rối

Việc Euromaidan vẫn sục sôi sau thỏa thuận ngày 22/2 ký giữa ông Yanukovych với phe đối lập, qua trung gian của 3 Bộ trưởng Pháp, Đức, Ba Lan, là điều nằm ngoài dự tính của chính EU. Tất cả đã diễn ra quá nhanh, từ lúc ông Yanukovych bỏ chạy khỏi Kiev cho đến khi Rada - Quốc hội Ukraina phế truất Tổng thống và bầu ra bộ máy lâm thời.

Đây không phải là một cuộc cách mạng kiểu Ba Lan, khi tầng lớp tinh hoa nắm thế chủ động và cách mạng diễn ra một cách có tổ chức. Chính biến ở Ukraina do một nhóm người dũng cảm nhưng thiếu kiểm soát lật đổ chính quyền sau các xung đột đẫm máu và ở đó, không có bóng dáng một thủ lĩnh đáng tin cậy.

Bà Yulia Tymoshenko không phải là Lech Walesa và cũng không phải Vaclav Havel, trong khi ở hàng ngũ của những người nổi dậy lại có sự hiện diện của cả những đảng cực hữu như Svoboda hay Praviy Sektor.

Dù biện hộ cách nào, châu Âu cũng khó ăn khó nói nếu công khai ủng hộ các đảng mang tư tưởng phát-xít này, nhất là trong bối cảnh chính các nước như Pháp, Áo hay Hà Lan cũng đang phải đau đầu vì sự lớn mạnh của các đảng cực hữu trong nước.

Nhưng, nghĩa vụ chính trị và đạo đức lại buộc EU phải hành động nhanh chóng và kịp thời. Không chỉ người dân Ukraina mà gần như toàn bộ Đông Âu sẽ nhìn xem EU xử sự ra sao với bài toán Ukraina hậu Yanukovych, khi đất nước này vì muốn theo đuổi dân chủ và thịnh vượng EU đã chấp nhận đổ máu để làm nên chính biến.

Trước mắt, có 2 bài toán mà EU phải giải đáp: giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina và cứu nước này thoát khỏi bờ vực phá sản trong cận kề.

Không thể gạt Nga ra

Ngăn cho Ukraina không bị chia cắt thực ra không nằm trong tầm kiểm soát của châu Âu hay kể cả Mỹ. Nước Mỹ, dù có can dự vào Ukraina, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy họ luôn muốn EU bước lên đầu chiến tuyến để gánh vác trọng trách.

EU vẫn cần sự hợp tác chặt chẽ với Nga trong bài toán Ukraina hậu Yanukovych bởi miền Đông Ukraina vẫn nằm trọn trong vùng ảnh hưởng của Moscow.  Một kịch bản chia đôi Ukraina thành hai miền Đông - Tây là điều mà cả châu Âu lẫn Nga đều không mong muốn, bởi nó không khác gì việc khởi động lại một cuộc "Chiến tranh lạnh" của thế kỷ 21.

Ngay cả về khía cạnh kinh tế, EU cũng không đủ sức một mình cứu vớt Ukraina khỏi con tàu đắm. Chính phủ lâm thời ở Kiev đã ước tính họ cần tới 35 tỷ USD từ giờ cho đến hết 2015 để tránh khỏi bờ vực sụp đổ. Ngay trong năm nay, Ukraina cần tới 13 tỷ USD chỉ để trả nợ.

Thật khó hình dung làm thế nào một châu Âu đang đắm chìm trong khủng hoảng từ 5 năm qua có thể huy động một nguồn lực lớn đến thế để trợ giúp Ukraina. Thực tế thì cũng chỉ có một con số được đưa ra, là 610 triệu euro. Còn lại thì chỉ là hứa hẹn, kể cả con số 20 tỷ USD mà một quan chức EU vừa tuyên bố.

Bản chất nằm ở chỗ, dù có sự thay đổi quyền lực ở Kiev, và thậm chí là thay đổi cả mô hình phát triển trong tương lai theo con đường EU, thì nền kinh tế Ukraina vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào nước Nga, từ tiền nợ khí đốt cho đến thị trường xuất khẩu.

Vì thế, sự ổn định và phát triển của Ukraina trong tương lai gần vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Moscow. Trong một cuộc chơi địa chính trị phức tạp, khó lường, Ukraina mới chỉ đi được một bước nhỏ trên con đường dân chủ, độc lập và tự cường.

Về lâu dài, những giá trị châu Âu về dân chủ, thị trường tự do và quản trị tiên tiến có thể tạo nên nền tảng để Ukraina phát triển, nhưng để đi đến đó là cả một hành trình dài. Và hành trình đó cho đến lúc này không thể nói rằng ai đã thắng hay ai đã thua.

Bùi Nguyễn (từ Paris)

Xem bài cùng tác giả

Chống Mỹ chỉ là cái cớ gây bất ổn

Giáo sư Mỹ Steven Ekovich của trường Đại học Mỹ tại Paris (America University of Paris) nhận định về làn sóng bạo lực chống Mỹ xuất phát từ bộ phim báng bổ đạo Hồi.

Hội nghị Paris: Điều gì thực sự xảy ra 40 năm trước?

Giữ chức Vụ trưởng Vụ châu Á- châu Đại dương Bộ Ngoại giao Pháp từ 1969-1975, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trung gian giữa các bên đàm phán Hiệp định Paris, nhà ngoại giao Pháp Henri Froment-Meurice nhìn lại những gì thực sự xảy ra từ hơn 40 năm trước.