Gần đây, những ngôi biệt thự hoành tráng của các cựu quan chức xuất hiện trên báo chí ngày càng thường xuyên. Song song đó, lối sống xa hoa với toàn xa xỉ phẩm của một số đại gia trong thương trường và "sao" giải trí không ngừng khiến công chúng kinh ngạc.
Có người lí giải rằng cơ chế kinh tế thị trường khuyến khích làm giàu, thì việc người giàu chọn lối sống sang trọng là chuyện bình thường. Dĩ nhiên, nếu những người đó làm ra tiền một cách chính đáng, và chọn lối sống [hãy tạm gọi là] xa hoa thì đó là quyết định cá nhân. Song dù vậy, đã là thành viên trong xã hội, trong cộng đồng, người giàu cũng nên quan tâm đến một khía cạnh khác: đạo đức sống.
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Ảnh: Trí thức trẻ |
Chơi sang
Việt Nam, dù tính thu nhập GDP bằng phương pháp nào, trong cái nhìn của người ngoại quốc vẫn là một nước nghèo, thu nhập trung bình xấp xỉ 2.000 USD/năm (theo số liệu công bố năm 2013).
Những năm gần đây tỉ lệ hộ nghèo đã giảm bớt, nhưng vẫn còn quanh quẩn con số 1/10. Dịp Tết vừa qua, có đến 11 tỉnh xin cấp gạo cứu đói. Tình trạng vay nợ cũng gia tăng. Nhẩm tính, mỗi người Việt Nam mới sinh ra sẽ gánh trên vai hơn 800 USD nợ công. Cần phải nhắc lại những sự thật đó để không ảo tưởng rằng ta đã thoát nghèo.
Tuy là nước nghèo, nhưng Việt Nam có lẽ không kém các nước trong vùng về việc mua sắm những hàng hoá xa xỉ. Trước tiên là các thương hiệu thời trang đắt tiền nhất trên thế giới như Louis Vuitton, Hermes, Prada, Coach, Dolce & Gabbana, Cartier, Rolex, v.v...
Rồi đến những chiếc xe hạng sang như Lamborghini, Rolls-Royce, Mercedes-Benz, Porsche, BMW, v.v... xuất hiện khá thường xuyên trên đường phố chật hẹp. Có những người sẵn sàng bỏ ra 20.000 USD xây nhà cho... chó, hay 10.000 USD để mua một cái điện thoại di động, hay 5.000 USD cho một chai rượu.
Còn mới đây, công chúng được mục kích những ngôi biệt thự hoành tráng của các quan chức ở Hà Giang, Hải Dương, Bình Dương, Bến Tre, v.v...
Những hình ảnh như thế rất tương phản với một Việt Nam còn nghèo, và đó chính là điều làm nhiều người đặt vấn đề. So sánh và suy nghĩ.
Nếu những biệt thự đó ở Mĩ hay châu Âu thì chắc chẳng mấy ai chú ý và quan tâm. Ở những nước có thu nhập cao, các thương gia có tiếng sở hữu những căn nhà giá hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD, là chuyện tương đối bình thường, bởi chúng không "kỳ dị" khi so với tài sản của người sở hữu và với chính mặt bằng thu nhập của người dân.
Một Bill Gates với ngôi nhà kĩ thuật cao giá 100 triệu USD không ai thắc mắc, vì ông có trong tay hơn 50 tỉ USD sau khi đã quyên cho các quĩ từ thiện và khuyến học gần 30 tỉ USD. Một sếp lớn ngân hàng với mức lương vài chục triệu (hay có nơi cả trăm triệu USD) mỗi năm cộng với hàng triệu cổ phiếu thì chuyện họ có "nhà cao cửa rộng" và cuộc sống xa xỉ là chuyện không ngạc nhiên.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm là không phải người giàu ở phương Tây đều có cuộc sống xa xỉ; thực tế, có nhiều triệu phú chọn lối sống rất bình dân. Ở Úc, đại đa số chính khách xuất thân từ thường dân, và khi nghỉ hưu họ không có những căn biệt thự đắt tiền hay có khả năng sống xa hoa như giới thương gia.
Nhưng khi những ngôi biệt thự như thế mọc ở Việt Nam, câu chuyện lại khác.
Chúng ta vẫn là một nước nghèo và lạc hậu, một đất nước mà ngay cả quan chức cao cấp chỉ có đồng lương khiêm tốn, đến độ một Thứ trưởng Bộ xây dựng từng nói "Trông vào lương thì không thể mua được nhà." Do đó, khi quan chức nghỉ hưu mà sở hữu những mảnh đất bạc tỉ, những căn biệt thự giá vài chục tỉ đồng, thì rất khó tránh được những dị nghị của công chúng.
Có thể sự dị nghị là oan cho sở chủ, nhưng nó vẫn tồn tại, nhất là trong môi trường mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra "một bộ phận không nhỏ" quan chức suy thoái và có dính dáng đến tham nhũng. Dĩ nhiên, họ có thể giải thích đó là tiền của người thân, nhưng đặt trong bối cảnh xã hội mà "một người làm quan, cả họ được nhờ", lý do đó chỉ gây thêm nghi vấn.
Những câu hỏi về đạo đức
Lối sống là một lựa chọn cá nhân, nhưng bất cứ người có văn hoá nào cũng cần quan tâm đến những chuẩn mực đạo đức. "Đạo đức" ở đây có thể hiểu là những giá trị văn hoá thể hiện sự quân bình giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Thử tưởng tượng trong một xóm nghèo, với những căn nhà tranh vách lá, mà bạn xây một dinh thự nguy nga tráng lệ, thì bức tranh đồng quê hẳn chẳng những không hài hòa mà có khi còn lố bịch.
Còn nhớ vài năm trước, ở Mĩ có hai vợ chồng người Việt bị giết chết, chỉ vì họ tậu một chiếc xe hiệu Hummer rất đắt tiền. Kẻ sát nhân (là người Mĩ) sau này thú nhận là chỉ đơn giản vì ghét kiểu "chơi nổi" của hai vợ chồng người Việt (khu họ sống đa số dân là người lao động). Tiêu tiền không đúng hoàn cảnh có khi cũng nguy hiểm.
Giữa "bức tranh" đói nghèo đó, lại có những người chi ra hàng triệu USD cho một căn biệt thự hay hàng trăm ngàn USD cho những xa xỉ phẩm chỉ để ... trang trí. Người ta không thể không đặt câu hỏi chủ những căn biệt thự khổng lồ đó đã chia sẻ gì để giảm cái nghèo của đồng bào.
Thực tế, số tiền chi cho những ngôi biệt thự tráng lệ, hay những chiếc ôtô siêu sang, hay những cái ví 10 ngàn USD... có thể được san sẻ. Tương lai của xã hội phụ thuộc vào cách chúng ta chăm sóc nỗi khổ của các thành viên kém may mắn hơn trong xã hội. Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố tổng thống J. F. Kennedy, đại ý rằng nếu một xã hội không thể giúp gì cho đa số người nghèo thì xã hội đó cũng chẳng giúp gì cho thiểu số những người giàu có.
Nhiều người nghĩ họ làm ra tiền một cách chính đáng thì họ có quyền hay lựa chọn để tiêu tiền, chẳng liên quan gì đến người ngoài mà phải "xía" vào. Nhưng thực ra, sự giàu có của họ có liên quan đến xã hội. Những định chế của xã hội đóng góp vào sự giàu có của họ, và quan trọng hơn là giúp họ giữ được gia sản. Do đó, có thể lí giải rằng người giàu nợ xã hội.
Đạo đức sống còn có ý nghĩa trên bình diện lớn hơn. Thử hỏi nếu một người ăn xin mà xây nhà bạc tỉ thì chắc là rất phản cảm, và sẽ làm cho nhiều người cho tiền tức giận (hoặc chê cười).
Việt Nam hiện vẫn là một nước vay nợ. Ấy thế mà trong đất nước đó lại có những quan chức xây dinh thự như là lâu đài, những dinh thự mà chính quan chức ở các nước cấp viện trợ còn không thể nào có được. Năm ngoái Thuỵ Điển tuyên bố ngưng viện trợ cho Việt Nam, và một trong những lí do họ viện dẫn là vì tình trạng tham nhũng.
Mới đây, Đức giáo hoàng Francis đã bãi nhiệm một giám mục người Đức vì ông này có một cuộc sống được xem là xa hoa. Ông xây một lâu đài lên đến 42 triệu USD với khu vườn 1 triệu USD! Ông xài vé máy bay hạng nhất để đi thăm người nghèo bên Ấn Độ! Dĩ nhiên, người ủng hộ ông thì nói đó là lựa chọn cá nhân của ông, không vi phạm pháp luật, nhưng Giáo hoàng Francis thì nghĩ khác: ông giám mục đã vi phạm luật lương tâm của một tu sĩ (đó là sống có đạo đức và giản dị).
Đạo đức là những qui định của cá nhân, cộng đồng về cái đúng và cái sai đối với lương tâm, vốn không chịu sự chi phối của pháp luật. Những người giàu (chính đáng) chọn lối sống xa xỉ hay ở biệt thự "khủng" không vi phạm luật pháp. Nhưng nếu đạo đức là những chuẩn mực văn hoá của lương tâm thì có lẽ họ có vấn đề.
Lựa chọn sống của họ có thể không có vấn đề gì nếu nó không lệch pha với trình độ phát triển kinh tế nước nhà, và môi trường xã hội lành mạnh. Nhưng trong một xã hội còn có quá nhiều người nghèo, và nền kinh tế còn lệ thuộc, thì sự lựa chọn đó đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức và văn hoá.
Nguyễn Văn Tuấn
Các bài cùng tác giả:
'Việt Nam không nhất thiết phải học theo ai'
"VN nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì". Hàn Quốc và bài học 40 năm cho Việt Nam
Sự phát triển của giáo dục đại học Hàn Quốc trong thời gian 40 năm qua rất đáng làm bài học đế Việt Nam tham khảo. Khi Phó Thủ tướng phải lên tiếng chuyện tên trường
Thiếu nhất quán trong cách viết tên tiếng Anh của trường ĐH sẽ gây lẫn lộn cho đồng nghiệp quốc tế, và thể hiện sự thiếu tôn trọng "thương hiệu" của trường. |