Sự thiếu minh bạch về chính cá nhân các “đầy tớ”, dẫn đến những thông tin bán tín bán nghi về tài sản, bất động sản.

Biệt thự quan chức và những kẽ hở

Có mấy cặp đôi mở Luật Hôn nhân gia đình?

Nếu làm một thống kê điều tra về sự am hiểu Hiến pháp- Luật pháp của VN hỏi có bao nhiêu % người dân nắm rõ những quyền- nghĩa vụ- trách nhiệm công dân của mình? Mà điều này không chỉ ở nhân dân mà còn ở ngay chính những… “đầy tớ” của nhân dân.

Trước khi kết hôn, hỏi có mấy cặp đôi nào mở Luật Hôn nhân gia đình để xem, để hiểu biết khi là vợ chồng hay làm cha mẹ thì có quyền- nghĩa vụ- trách nhiệm như thế nào với cuộc hôn nhân của bản thân mình và với gia đình, con cái, của cải vật chất…?

{keywords}
Ảnh: Dân trí

Ở Việt Nam cho đến nay, vẫn chưa có thói quen với sự có mặt của một luật sư tham gia vào một cuộc hôn nhân có giá thú. Và vì thế, khi cuộc hôn nhân có vấn đề, thì đôi bên thường xảy ra những tranh chấp mà ngay cả  khi ra tòa cũng khó xử cho công bằng theo pháp luật.

Ở nhiều quốc gia văn minh, thượng tôn pháp luật, trẻ lên ba đã biết cái “quyền” của mình, như không bị ngược đãi, không bị xúc phạm, được quyền chăm sóc, vui chơi. Nhưng ở Việt Nam thì sao, nhìn trong chương trình giáo dục, phần giáo dục Luật gần như bỏ trống, chỉ có vài bài “giáo dục công dân” sơ sài về đạo đức, hay lướt qua khái niệm Việt Nam có Hiến pháp, có những bộ luật…, nhưng hỏi có mấy học sinh nắm được chính xác ở lứa tuổi các em, hành vi nào là phạm luật, hành vi nào là bị cấm…

Hay các em chỉ hành động theo sự giáo dục “truyền miệng” trong gia đình, qua các bản “nội quy”nhà trường cấm không làm cái này, cấm hành vi nọ. Đôi khi những điều cấm đó có khi lại là vi phạm quyền của trẻ vị thành niên, quyền tự do nhân thân…

Còn người dân ở các tỉnh thành xa Trung ương, hay vùng sâu vùng xa, trình độ văn hóa thấp, thì kiến thức hiểu biết về luật như một thứ “xa xỉ” khó nắm bắt. Người dân ở những vùng này gần như chỉ sống theo “đạo đức truyền thống”, theo một mặc định những hành vi nên hay không nên bằng kinh nghiệm sống. Và vì thế khi xảy ra những vụ việc gì thì họ hành xử gần như theo bản năng, theo thói quen, theo luật tục. Có biết luật thế nào mà điều chỉnh hành vi cho đúng luật?

Rất phổ biến ở các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng rơi vào những người dân thiếu hiểu biết luật. Và khi đưa ra tòa án thì cái điệp khúc “thiếu hiểu biết luật” thường xuyên được nói ra trong phiên tòa.

Việc thiếu hiểu biết về luật không chỉ ở nhân dân mà còn ở các “đầy tớ”, nhất là các “đầy tớ” ở các tỉnh, huyện, xã, làng…. Trong khi chính họ lý ra phải hiểu biết về luật rõ ràng, nghiêm minh để phục vụ nhân dân, điều chính những hành vi của nhân dân cho đúng luật, thì họ lại vì sự thiếu hiểu biết luật mà đẩy vụ việc từ nhỏ hóa to, từ to thành nghiêm trọng.

Khi nhân dân chưa để luật trở thành một kiến thức phổ thông, phổ biến sâu rộng, được hiểu biết rõ ràng, thì xem như nhân dân đã tự mình tước mất đi một phần quan trọng vai trò làm chủ của mình. Nếu như nhân dân hiểu biết luật, thì “đầy tớ” nào dám nhũng nhiễu, hành nhân dân?

Vẫn rất… mập mờ

Công khai và minh bạch là một trong những điều kiện để phát huy dân chủ, là một yếu tố quyết định vai trò làm chủ của nhân dân, ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất, những hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của các “đầy tớ”. Có công khai, minh bạch thì người dân mới có điều kiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tham gia trong mọi khâu từ xây dựng luật đến triển khai thực tiễn.

Nhưng việc công khai và minh bạch hiện tại vẫn rất… mập mờ. Có những quyết sách về các dự án quốc kế dân sinh mà thông tin còn thiếu minh bạch, khiến người dân khó hiểu, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận với chính quyền.

Vấn đề niềm tin giảm sút và gần như xuống tới… đáy cũng bởi một phần sự thiếu công khai và minh bạch, dẫn đến việc cấu kết hình thành những “nhóm lợi ích”, tạo điều kiện cho sự thoái hóa biến chất, suy thoái đạo đức của các “đầy tớ”, gây thiệt hại ngân sách quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, làm cho đất nước bị tụt hậu, nghèo đói…

Những kiểu đổ lỗi để lấp liếm, không dũng cảm tự nhận khuyết điểm của các “đầy tớ”, hay sự quan liêu không sâu sát thực tế, minh bạch sự việc, giải quyết sự việc cũng làm cho niềm tin bị lung lay, nghi ngờ, dẫn đến không việc gì có thể gọi là hoàn chỉnh từ việc nhỏ đến việc lớn.

Minh bạch không chỉ là những vấn đề thuộc về Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mà nhân dân cũng muốn ngay chính bản thân “đầy tớ” cũng phải minh bạch cá nhân mình về tư cách- đạo đức- tài sản. Tại sao nhân dân mất niềm tin, bởi có nhiều sự thiếu minh bạch về chính cá nhân các “đầy tớ”, dẫn đến những thông tin bán tín bán nghi về tài sản, bất động sản…, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân họ, ảnh hưởng uy tín của cơ quan công quyền.

Ở nhiều quốc gia văn minh, các lãnh đạo nhà nước, chính phủ hay các nghị sĩ đều công khai tài sản, lương, và thuế. Đối với họ đó không phải bí mật vì họ cũng bình đẳng như mọi công dân khác ở vị trí công dân. Còn ở VN, đây vẫn là vấn đề “tế nhị” chưa minh bạch. Vì thế, nhân dân vẫn trông chờ vào sự minh bạch để có thể phát huy quyền “làm chủ” của mình.

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền trong một thể chế chính trị hiện đại luôn song hành.

Dân chủ rộng rãi là cần thiết, bởi không có ai có thể nói mình bao quát được tất cả mọi việc một cách chuẩn xác, đầy đủ, rộng rãi, mà cần phải có nhân dân giúp việc. Cũng như không ai có thể nói tôi thông minh tuyệt đỉnh để có thể đưa ra những quyết sách của quốc gia hay nghĩ thay làm thay nhân dân.

Phản biện xã hội chính là mở rộng dân chủ, để nhân dân tham gia ý kiến, để giúp cho những quyết sách của Nhà nước, Chính phủ nhân văn hơn, có tính khả thi, phục vụ chính những lợi ích thiết thực của nhân dân, của quốc gia một cách hiệu quả, làm cho dân giàu nước mạnh. Dân và chính quyền tin tưởng lẫn nhau.

Dân chủ chỉ có thể thực hiện tốt khi nhân dân làm chủ, Nhà nước mạnh mẽ, pháp luật nghiêm minh, bộ máy công quyền Nhà nước tinh gọn, đội ngũ công chức liêm chính và chuyên nghiệp trong nghiệp vụ.

Minh Châu