-Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên coi vấn đề có thêm nhiều phụ nữ vào cương vị lãnh đạo là quan trọng không? Cần làm như vậy cho “phải phép” hay mang lại lợi ích cho quá trình phát triển của đất nước?

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ trong bình đẳng giới như tỉ lệ đi học của trẻ em gái và tỉ lệ của lao động nữ trong lực lượng lao động rất cao. Cuối năm 2013 chúng ta có một tin vui là một nghiên cứu của Grant Thornton, cho thấy phụ nữ Việt Nam ngày càng nắm nhiều vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp.

{keywords}
Bà Victoria Kwakwa. Ảnh: baotintuc.vn

Tỉ lệ nữ trong hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam là 30% trong khi tỉ lệ trung bình toàn cầu là 19%. Tỉ lệ đảng viên nữ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tăng từ 25% năm 2005 lên 30% năm 2010. Tuy vậy, đa số các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền và đời sống chính trị vẫn là nam giới. Xét chung về vai trò của phụ nữ trên các cương vị lãnh đạo thì còn nhiều việc cần làm.  

Tỉ lệ nữ trong Quốc hội giảm dần trong thập niên vừa qua. Trong số 9 người đứng đầu các ủy ban của Quốc hội, chỉ có 1 là nữ. Số phụ nữ trong các cơ quan quan trọng nhất của Đảng như Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Ban bí thư còn rất thấp (chỉ có 2 nữ trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị). Về phía chính quyền, tuy tỉ lệ nữ công chức lớn, nhưng tỉ lệ lãnh đạo nữ lại khá thấp và ở cấp thấp: tỉ lệ lãnh đạo nữ cấp phòng là 11%, cấp sở là 5% và cấp bộ là 3% (UNDP, 2012).

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên coi vấn đề có thêm nhiều phụ nữ vào cương vị lãnh đạo là quan trọng không? Cần làm như vậy cho “phải phép” hay liệu việc nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền và đời sống chính trị thực sự mang lại lợi ích cho quá trình phát triển của đất nước?

Lãnh đạo nữ có vai trò quan trọng vì muốn thành công cần phải có lãnh đạo giỏi. Lãnh đạo cần được lựa chọn từ tất cả các người tài trong nước - cả nam và nữ. Khoảng một nửa dân số Việt Nam là nữ, vì vậy nếu chỉ giới hạn dành các vị trí lãnh đạo cho nam giới thì Việt Nam đang hạn chế nguồn lãnh đạo tiềm năng  của chính mình. Mở rộng cơ hội cho phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo sẽ tăng cường được năng lực lãnh đạo phục vụ sự phát triển của đất nước.

Phụ nữ có nhiều quan điểm khác với nam giới trong các vấn đề khác nhau. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và  quá trình hoạch định chính sách sẽ giúp thể hiện nhiều quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề khác nhau khi ra quyết định, khi đó các quyết định và chính sách cũng mang tính toàn diện hơn và phù hợp hơn, đặc biệt là với những chính sách có ảnh hưởng tới phụ nữ.

Mặc dù các vấn đề nêu trên đều có vẻ rất thú vị, nhưng dường như vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam. Bước đi đầu tiên để tích cực tăng cường vai trò của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo là xây dựng sự đồng thuận cao hơn về tầm quan trọng của vấn đề này như là một chủ đề phát triển. Trách nhiệm này không chỉ của Chính phủ mà còn của các bậc phụ huynh và giáo viên, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các nữ lãnh đạo xuất sắc thông qua việc khuyến khích các em học sinh, nữ cũng như nam, nhận thức được tiềm năng lãnh đạo của các em và tạo cơ hội cho các em thực hiện hoài bão của mình.

Doanh nghiệp, Chính phủ và Đảng đều có thể đóng góp được nhiều hơn. Cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, chẳng hạn như chú ý nhiều hơn đến các vấn đề quan trọng như hỗ trợ trông con, đào tạo, kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tích cực tìm kiếm các nữ lãnh đạo tiềm năng sớm để bồi dưỡng và phát triển cũng là một vấn đề không kém quan trọng. Có lẽ chính phủ nên xem xét lập một chương trình đặc biệt dành cho lãnh đạo nữ trong các cơ quan chính quyền.

Trong lúc chúng ta hòa cùng thế giới kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, hãy cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực để nâng cao nhận thức và khuyến khích các trao đổi và thảo luận dựa trên bằng chứng về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Đất nước Việt Nam cần các lãnh đạo tốt – cả nam và nữ.

  • Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)