Mục tiêu CPH còn bỏ lửng phần vốn thu về. Các tập đoàn, tổng công ty CPH xong lấy hàng ngàn tỷ làm gì cho có hiệu quả chưa đề cập tới.

Như phân tích trong bài đầu tiên, những mâu thuẫn, trục trặc xuất hiện trong quá trình CPH đã khiến cho quá trình này chững lại, thậm chí bị lợi dụng. Đây có thể xem là "bài học" đắt giá để khắc phục, sữa chữa trong lần này. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn đáng phải quan tâm giải quyết, xử lý mà ít được đề cập là nguồn vốn từ CPH đang ở đâu, được sử dụng thế nào?

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Trần Du Lịch.

Thoái vốn từ CPH rồi gửi ngân hàng lấy lãi

Vậy là nguồn vốn rút ra từ CPH DNNN lâu nay không được đưa vào ngân sách Nhà nước?

Không! Ngân sách Nhà nước hàng năm Quốc hội thông qua không có nguồn vốn này. Theo pháp luật của ta hiện nay, Chính phủ là nơi giữ. Chính phủ điều hành bằng các Nghị định. Ta chưa có Luật kinh doanh vốn Nhà nước. Toàn bộ hoạt động của khu vực DNNN không nằm trong ngân sách Quốc hội thông qua.

Vậy thì thực tế nguồn vốn này đang được sử dụng ra sao, thưa ông?

Đáng lý ra nguồn lực này phải được sử dụng để đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết mà tư nhân không làm được, nhưng lại không làm như thế. Bây giờ làm gì cũng phải đi vay, trong khi nguồn vốn CPH rất lớn thì phân tán khắp nơi. Có nơi gởi ngân hàng lấy lãi, có nơi dùng vào việc này việc nọ.

Những cái cần Chính phủ chỉ đạo phải đầu tư thì đi vay. Đây là vấn đề lớn bức xúc nhất mà tôi gọi là sử dụng nguồn lực vốn kém hiệu quả chứ không phải như người ta thường nói là DN này lỗ, DN kia lỗ đâu...

Tức là, một dòng vốn lớn của Nhà nước bị chia cắt vì lợi ích cục bộ ở từng tập đoàn, tổng công ty, ở từng ngành, từng địa phương khác nhau. 

{keywords}

Đầu tư của Nhà nước đều từ ngân sách hoặc phát hành trái phiếu, hoặc vay. Ảnh thanhtra

NN vẫn phải rót ngân sách

Có lúc dư luận cho rằng ông Trần Du Lịch đề nghị bán Vinamilk lấy tiền đầu tư cho bô- xit. Có phải ý của ông cũng nằm trong hướng này, thay vì vay vốn đầu tư thì nên lấy vốn CPH từ chỗ không cần chuyển qua?

- Người ta hiểu nhầm khi tôi phát biểu trước Quốc hội, nói tôi bảo bán Vinamilk lấy tiền đầu tư cho bô - xít. Vấn đề không phải như vậy.

Tôi nói nếu như Tập đoàn than khoáng sản (KTV) đầu tư vào khai thác, chế biến bô - xít ở Tây Nguyên là đúng thì tại sao không lấy vốn ở chỗ khác đầu tư vào mà phải đi vay 15.000 tỷ đồng và phải trả lãi cho dự án 1.800 tỷ đồng? Trong khi đó một lượng lớn vốn của Nhà nước đang gởi ngân hàng lấy lãi. Quản lý như vậy làm sao có hiệu quả được?

Hoặc đầu tư xây dựng khu công nghệ cao ở TP.HCM. Nhà nước phải đầu tư là đúng. Nhưng tại sao không dùng tiền thoái vốn từ chỗ khác mà cứ phải lấy từ ngân sách để đầu tư? Có thể bán vài cái khách sạn đưa vào là khỏi phải lấy từ ngân sách ra.

Những dự án như khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, cảng, bệnh viện.. cũng vậy? Sao không lấy tiền thoái vốn từ bia, thuốc lá, may mặc, da giày thay vì ngân sách?

Hãy nhìn khắp cả nước này, đầu tư của Nhà nước đều từ ngân sách hoặc phát hành trái phiếu, hoặc vay.

Vì sao tình trạng này kéo dài lâu như vậy, theo ông?

- Tôi cho rằng, chúng ta đã để lợi ích cục bộ chi phối quá lâu.

Như vậy, mục tiêu CPH phải tính đến quản lý và sử dụng nguồn vốn thoái thu về, phải không?

- Rõ ràng phải như vậy! Mục tiêu của CPH hiện nay còn bỏ lửng phần này. Một tập đoàn hay tổng công ty lấy hàng ngàn tỷ để làm gì? Có mục đích chưa? CPH đâu phải chỉ vì DNNN hoạt động không hiệu quả thì CP cho có hiệu quả.

Cần khắc phục kiểu làm nửa vời

Vậy có phải cách thức CPH hiện nay chưa đề cập đến việc quản lý nguồn vốn thoái thu về?

- Anh cứ hình dung thế này, một tập đoàn nước ngoài nắm hàng ngàn DN vốn của họ còn lớn hơn vốn chủ sỡ hữu Nhà nước mình đang có.

Họ quản lý thế nào, đầu tư ra sao?

Đầu tiên họ phải nắm toàn bộ nguồn vốn đó để tính toán xem cần đầu tư chỗ nào. Chỗ nào không cần đầu tư nữa phải rút vốn về. Đó là bài toán tổng thể mà các tính toán, chọn lựa đều phải nằm trong tổng thể đó. Còn ta không làm như vậy mà làm từng cái.

Mục tiêu CPH còn bỏ lửng phần vốn thu về. Các tập đoàn, tổng công ty CPH xong lấy hàng ngàn tỷ làm gì cho có hiệu quả chưa đề cập tới.

Quan điểm từ trước đến nay của tôi là Nhà nước phải nắm lại toàn bộ nguồn này. Để Bộ Tài chính quản lý như lâu nay là không đủ. Sau đó trên định hướng phát triển DNNN theo mục tiêu không phải chỉ xử lý những đơn vị đang tồn tại mà trong nhiều lĩnh vực cần thiết Nhà nước vẫn phải đầu tư mới hoàn toàn.

Theo ông đâu là mô hình quản lý vốn Nhà nước phù hợp, có hiệu quả để phục vụ tốt yêu cầu thể hiện vai trò chủ động, tiên phong kiến tạo của Nhà nước?

- Từ lâu tôi đã đề nghị phải có cơ quan cấp Bộ để quản lý nguồn vốn này và tách hoàn toàn không để Bộ nào đại diện chủ sỡ hữu nữa hết. Chỉ tập trung vào một cơ quan thôi.

Sau đó sẽ có đạo luật chi phối và tiến tới dần dần như các nước là các tập đoàn lớn của Nhà nước như điện lực, dầu khí phải hoạt động theo luật. Sau khi sắp xếp xong tiến tới cơ chế đó thì không còn cơ quan quản lý nữa.

Ta cần có lộ trình ngay từ bây giờ.

Nguy cơ "trở lại ngày xưa"

Tại sao ngay từ bây giờ không đặt vấn đề xử lý ngay việc vô lý tới mức bức thiết là quản lý vốn thoái thu từ CPH?

- Quốc hội mới yêu cầu lấy một phần cổ tức đưa vào ngân sách thôi. Tôi gọi đây mới là "tiền lẻ". Phải lấy "tiền chẵn", tức tiền bán CP mới có ý nghĩa.

Và cũng không nên lấy cào bằng thế này. Với ông DN này lợi nhuận phải tái đầu tư, Nhà nước không lấy xu nào mà còn cấp thêm. Nhưng với ông DN kia, Nhà nước không cần tái đầu tư nữa, lợi nhuận Nhà nước lấy về hết chứ không phải chỉ nộp một chút là xong như hiện nay.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Bởi không khéo chúng ta lại quay trở lại như thu quốc doanh 25 năm trước. Nhà nước không cần biết DN làm ăn lời lỗ ra sao, đơn vị phải nộp 2% cái đã. Giống như thu tô vậy.

Tôi cũng cảnh báo thêm nếu không làm rõ những ràng buộc thì nguy cơ  "trở lại ngày xưa" là lớn. Ví dụ như Nhà nước đã bỏ cơ chế Bộ chủ quản mấy năm nay nhằm tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý SX - KD, các tập đoàn, tổng công ty giao về Chính phủ. Nhưng nay lại giao ngược trở lại cho các Bộ, gọi khác đi là "đại diện chủ sở hữu" nhưng bản chất vẫn là Bộ chủ quản như xưa đấy!

Trở lại mục tiêu CPH lần này, có ý kiến cho rằng dù Nhà nước đã mạnh dạn "đẩy" ra CPH nhiều "ông lớn", nhưng thực tế vẫn có thể "đẩy" mạnh  hơn thế nữa. Ông thấy thế nào?

- Tôi đã phát biểu trước Quốc hội năm ngoái, có 4 công ty Nhà nước trên sàn, nếu tính theo giá thị trường Nhà nước bán CP của nó lấy ngay mấy trăm ngàn tỷ. Có mấy trăm ngàn tỷ đó Nhà nước không phải phát hành trái phiếu nữa.

Mục tiêu phát triển kinh tế của nước ta đang còn rất lớn, cần nguồn vốn đầu tư rất nhiều. Nhà nước còn phải đi vay bên cạnh phát hành trái phiếu. Bởi vậy, CPH DNNN mà không sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thoái thu là rất vô lý. Và khi đã xác định và yêu cầu sử dụng có hiệu quả thì việc CPH có thể làm mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi ví dụ ở các ngân hàng thương mại, Nhà nước chỉ cần giữ 65% là đủ quyền quyết định.Mạnh dạn bán 35% đi. Nguồn tiền thu về rất lớn. Hãy hình dung chỉ riêng ngân hàng đầu tư (BIDV) nếu bán 35% thì thu về bao nhiêu?

Thế nhưng hiện nay 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đang được CPH, đưa lên sàn nhưng Nhà nước vẫn giữ 97%, chỉ bán 3% thì ý nghĩa gì? Tôi chả hiểu thế nào nữa!

Có ý kiến lo ngại, sẽ không có nhà đầu tư đủ sức mua khi Nhà nước ồ ạt CPH?

- Cái này thì không lo. Vốn thị trường hiện nay có thể đáp ứng được phần thoái vốn của Nhà nước.

Hiện nay đầu tư mới, thành lập DN mới không phải dễ dàng có hiệu quả. Mua DN đang có, gia cố sửa sang lại để phát triển thì tốt hơn nhiều. Nhiều DN củ Nhà nước đã có thương hiệu hoàn toàn, đâu phải xây dựng dễ đâu.

Vấn đề là các DN CPH phải công khai minh bạch hết một cách đàng hoàng để các nhà đầu tư hướng đến

Xin cảm ơn ông!

Duy Chiến 

Cùng tác giả: