Cơ chế nữa là phải trao quyền cho cộng đồng, cộng đồng sẽ là người quyết. Làm được như vậy mới tạo được sự dân chủ, mới giám sát được, đặc biệt là huy động được sự tham gia của người dân.

LTS: Xung quanh những vấn đề nổi bật trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) hiện nay, Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH).

{keywords}
Ông Ngô Trường Thi

Chính sách chồng chéo

- Thưa ông, thời gian qua VN phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế với nhiều tác động gay gắt. Song theo các  thông tin đưa ra, nguồn lực XĐGN vẫn tăng và số hộ nghèo giảm nhanh trên toàn quốc?

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng hoặc cắt giảm 1 số chương trình, dự án, nhưng riêng chương trình giảm nghèo là không cắt giảm, thậm chí còn bố trí tăng hơn năm trước. Năm 2013, một số chính sách mới như chính sách hỗ trợ y tế cho hộ cận nghèo, chính sách ưu đãi tín dụng với hộ nghèo vẫn được ban hành.

Còn về tốc độ giảm nghèo, hiện có rất nhiều con số, cách đánh giá từ Bộ LĐTBXH, Tổng cục thống kê, các đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, v.v... Mức độ giảm có thể tùy cách đánh giá do cách thu thập dữ liệu khác nhau, nhưng dù đo bằng cách nào, tất cả đều thống nhất đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của VN đều giảm theo từng năm.

- Có một thực trạng được chỉ ra từ lâu là các chính sách XĐGN quá nhiều, chồng chéo. Điều này dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?

Hiện nay có khoảng 70 văn bản chính sách trực tiếp về XĐGN, ngoài ra số chính sách liên quan còn rất nhiều.

Qua đánh giá, về cơ bản các chính sách đầy đủ, và ở mức độ nào đó đã tác động hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là nhóm chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Tuy nhiên, còn lại một số chính sách hiện đang có vấn đề, không mang lại hiệu quả rõ nét mà đang tạo ra sự ỉ lại. Ví dụ, chính sách hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng vật nuôi, vì mức hỗ trợ quá thấp, rồi mục tiêu của chính sách bị "bẻ quặt" khi về các gia đình họ không dùng vào mục đích được hỗ trợ.

Thứ 2 là đánh giá hiệu quả của các chính sách rất khó. Nhiều chính sách dẫn đến sự chồng chéo. Chẳng hạn, riêng về chính sách dạy nghề có dạy nghề cho nông thôn, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, nông dân, v.v... dẫn đến ở cùng 1 địa bàn các chính sách đó đều triển khai, thậm chí một đối tượng có thể được hưởng mấy chính sách, gây trùng đối tượng.

Tình trạng nhiều chính sách, chương trình dẫn đến quản lý cồng kềnh, gây lãng phí, trùng lắp, nguồn lực phân tán, không đáp ứng được nhu cầu thực sự của các hộ. Ví dụ, đối tượng hỗ trợ cần 1 triệu, nhưng chính sách chỉ cho hỗ trợ đến 100 nghìn thì sẽ không giải quyết được gì cả.

Tóm lại, chính sách XĐGN của chúng ta còn ở tình trạng chắp vá, thiếu tính định hướng, chiến lược, thấy thiếu cái gì thì lại bổ sung, hoặc có chính sách tồn tại lâu lắm rồi mà không có cập nhật, thay đổi. Nói chung không khác gì ngôi nhà chúng ta "cơi nới", mỗi lúc làm một chút cái này cái kia.

Không có bộ máy chuyên trách cho XĐGN

- Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết nào để công tác XĐGN thực sự đem lại hiệu quả?

Thứ nhất, việc sắp xếp lại chính sách cần làm sớm, và phải chỉ rõ từng nhóm chính sách chúng ta sẽ thiết kế lại như thế nào. Ví dụ, chính sách tín dụng hiện chúng ta có 18 chương trình, riêng đối với hộ nghèo có tới 7-8 chương trình. Điều này nảy sinh tình trạng khi người dân vay để sản xuất thì mức tối đa quy định là 30 triệu, nhưng nhu cầu người ta cao hơn thì không vay được. Trong khi đó tất cả các chương trình cộng vào có khi còn gấp mấy lần.

Chúng ta cần chuyển sang hướng cho vay không theo chương trình nữa mà theo đối tượng, chẳng hạn quy định hạn mức tín dụng với một hộ là 100 triệu đồng, và hộ đó có quyền chọn ưu tiên theo nhu cầu gia đình, cái nào cần thiết trước thì họ làm trước. Làm như vậy cũng giúp giảm các thủ tục, chứ với 18 chương trình tín dụng thì bắt buộc phát sinh thủ tục, chi phí bộ máy cồng kềnh.

Như vậy cần phải sắp xếp lại chính sách theo hướng có phân loại đối tượng tác động. Đối tượng bảo trợ xã hội như người già, người tàn tật, trẻ em chưa đến tuổi lao động, v.v...  là thuộc đối tượng mà nhà nước phải trợ cấp. Còn đối tượng người còn sức lao động ở độ tuổi lao động thì sẽ hỗ trợ có điều kiện, giảm dần hỗ trợ cho không, gắn với cho vay có hoàn trả và có thời hạn hỗ trợ, chẳng hạn 3-5 năm. Nguồn lực hỗ trợ phải đủ độ. Có chính sách hỗ trợ khuyến khích với hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Hộ thoát nghèo cũng phải hỗ trợ để họ không tái nghèo nữa.

Thứ 2 là cơ chế cũng cần thay đổi, chuyển từ xây dựng giao kế hoạch hàng năm sang giao kế hoạch trung hạn, tức là từ 3-5 năm. Như vậy địa phương mới chủ động được là họ có khoản vốn bao nhiêu, rồi căn cứ trên nhu cầu để sắp xếp thứ tự ưu tiên, chỗ nào thiếu thì phải huy động, lồng ghép ở đâu.

Cơ chế nữa là phải trao quyền cho cộng đồng, cộng đồng sẽ là người quyết. Làm được như vậy mới tạo được sự dân chủ, mới giám sát được, đặc biệt là huy động được sự tham gia của người dân.

Thứ 3 về xác định đối tượng: tiến tới không đánh giá XĐGN hàng năm như hiện nay, mà chuyển sang đánh giá 5 năm, đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ có đánh giá. Như vậy để cho đối tượng có sự ổn định hưởng chính sách 2-3 năm, thoát nghèo thực sự, thay vì hàng năm "bắt" người ta thoát, rồi năm sau người ta lại quay trở lại tái nghèo. Việc đánh giá chúng tôi đề nghị do bộ KHĐT tiến hành, theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, chuyển từ hướng đo lường nghèo dựa trên chuẩn nghèo như hiện nay chuyển sang đo lường nghèo đa chiều, dựa trên các nhu cầu tối thiểu khi đó nhìn nhận nghèo sẽ tổng thể hơn.

Thứ 4 là về bộ máy. Hiện nay trong công tác XĐGN, bộ LĐTBXH hay ngành lao động nói chung được giao là cơ quan thường trực về chương trình giảm nghèo làm nhiệm vụ điều phối, tham mưu cho ban chỉ đạo các cấp, tổ chức hoạt động về truyền thông, nâng cao năng lực, đặc biệt là rà soát đánh giá. Nhưng bộ máy XĐGN hiện nay đều là kiêm nhiệm, từ Trung ương đến địa phương. Toàn bộ chi lương là do ngành Lao động phải trả, chỉ có một khoản rất ít được bố trí kinh phí cho hoạt động của ban chỉ đạo các cấp.

Ở đây, cũng phải nói lại thông tin kinh phí sự nghiệp chiếm đến 63% nguồn lực XĐGN, tương đương 77 sân vận động có sự nhầm lẫn khái niệm. Nguồn lực XĐGN chia ra các khoản chi sự nghiệp và chi cho đầu tư phát triển. Nhưng bản chất chi sự nghiệp này là chi thường xuyên để thực hiện các chính sách như bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo, hỗ trợ nhà ở, cấp bù cho vốn vay ưu đãi ngân hàng, hỗ trợ đào tạo nghề chuyển giao kỹ thuật, v.v...

Còn kinh phí chi sự nghiệp để thực hiện chương trình giảm nghèo theo phê duyệt của Quốc hội chỉ có chiếm khoảng 4% trong tổng chi chương trình trong cả nước, để thực hiện hoạt động truyền thông giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo, và giám sát đánh giá; Tuy nhiên, khoản chi này hang năm chỉ được bố trí 2%, và năm 2014 thì chưa đến 1%.  Và nguyên tắc là không bao giờ được bố trí kinh phí về quản lý trong kinh phí bố trí chương trình, dự án.

Việc không có bộ máy chuyên trách làm nảy sinh vấn đề là không có người đứng ra tổ chức thực hiện chính sách cũng như tham mưu cho các cấp, tính trách nhiệm không cao, mặt khác nhiều hoạt động như điều tra, rà soát hộ nghèo hang năm không được bố trí kinh phí thực hiện, dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. Hay nói cách khác, muốn có sản phẩm tốt phải có người và có tiền thực hiện.

Làm công việc gì cũng cần sự chuyên nghiệp, giai đoạn tới cần phải coi công tác XĐGN như một nghề. Còn vẫn coi đó chỉ là phong trào thì không thể tạo ra hiệu quả cần thiết.

-Vậy còn vai trò của cộng đồng trong XĐGN, họ có thể tham gia như thế nào, thưa ông?

Cách thức triển khai chương trình giảm nghèo hiện nay của chúng ta đang theo hướng nhà nước hóa. Đánh giá của các tổ chức NGO cho rằng cách làm đó sẽ không thực sự hiệu quả và sự tham gia của cộng đồng bị hạn chế, không huy động được nguồn lực thêm, không gắn với các nhu cầu của người dân và không quản lý, giám sát được.

Chẳng hạn, trong xây dựng cơ sở hạ tầng có những công trình đơn giản như đường bê tông, mương thủy lợi... thì có thể tạo cơ chế để giao cộng đồng làm. Cộng đồng tự làm và tự giám sát sẽ không xảy ra thất thoát. Chứ như hiện nay, thực hiện cơ chế đấu thầu thì ngay trong chi phí gián tiếp theo qui định đã mất khoảng 10%, chưa kể những khoản thất thoát khác.

Muốn tăng cường tham gia của cộng đồng thì phải mở từ cơ chế, để cộng đồng có thể trở thành một chủ thể đứng ra tổ chức thực hiện các mô hình sinh kế, tự đứng ra tổ chức chuyển giao kỹ thuật, thực hiện các công trình hạ tầng đơn giản, qui mô nhỏ, nếu được như vậy sẽ phát huy được dân chủ cơ sở, huy động được sự tham gia của người dân về cả nguồn lực, đồng thời sẽ minh bạch hơn về nguồn vốn và tăng cường vai trò giám sát của người dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

-Xin cảm ơn ông về những thông tin đã chia sẻ.

Hòa Trần (thực hiện)