Chúng ta không chỉ cố gắng làm cho phụ nữ "bằng" được như đàn ông, mà có rất nhiều thứ đàn ông cần phải học và thay đổi để "bằng" được phụ nữ.

>> Người Việt thật vui tính!

Quá trình "đóng khung" Phụ nữ Việt

Trong suốt hai nghìn năm qua, Nho giáo liên tục được truyền bá và gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa người Việt. Hệ tư tưởng này đã dần dần tạo ra các thiết chế nhà nước và các khuôn mẫu xã hội để nhốt người Phụ nữ Việt lại, và gắn nhãn cho họ thông qua các giá trị được gọi là "Tam tòng, Tứ đức". Những giá trị ấy đến tận ngày nay vẫn còn được sử dụng thường xuyên trong các cuộc thi Hoa hậu hay người đẹp.

Nho giáo, đi liền với cái được gọi là "phụ quyền" hay "gia trưởng" đã góp phần triệt tiêu các kháng cự của người phụ nữ trong quá khứ, khiến họ dần dần chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Từ đó, rất nhiều Phụ nữ Việt trở thành vừa là "nạn nhân" lại vừa là "thủ phạm" của quá trình tạm gọi là "đóng khung" phụ nữ này.

Có thể thấy rõ điều này vẫn còn hiện hữu trong xã hội của chúng ta ngày nay. Chẳng hạn, khi một người Phụ nữ vốn từng bị mẹ chồng hành hạ, bắt phải sinh được trai, về sau lại bê nguyên mô hình đó áp dụng cho con dâu mình và lấy làm tự hào vì đã làm tròn bổn phận với gia đình nhà chồng.

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có Nho giáo mới khiến cho Phụ nữ giảm hay mất đi các Quyền của mình trong xã hội ngày trước. Nếu xét rộng ra trên bình diện thế giới, có thể thấy là bất cứ ở nơi đâu một khi quá trình tư hữu về tài sản xảy ra, nơi nam giới sở hữu được nhiều tài sản hơn thì ở đó chế độ gia trưởng bắt đầu bén rễ và khẳng định vị thế của người đàn ông trong xã hội.

Dần dần, nhiều người mặc nhiên chấp nhận rằng nam giới nên làm những việc được cho là lớn lao, còn phụ nữ thì nên ở nhà và làm tốt nữ công gia chánh? Đặc biệt nó đã tạo ra một cách hiểu rất đơn giản là do thiên chức của chúng ta khác nhau, nên người nào cũng nên làm tốt thiên chức của người đó. Nhưng bản chất của vấn đề đó chính là "mất cân bằng về Quyền và Quyền lực" giữa Nữ và Nam trong rất nhiều lĩnh vực đời sống mà cụ thể là tạo thu nhập, phân công lao động và sở hữu tài sản.

{keywords}
Ảnh minh họa

Những định kiến về bình đẳng giới

Trên thế giới hiện này, người ta vẫn chủ yếu dựa vào 4 tiêu chí chính để đánh giá mức độ Bình đẳng giới, đó là (1) Tham gia vào các hoạt động và cơ hội kinh tếi; (2) Giáo dục tại các cấp học; (3) Sức khỏe và tuổi thọ; và (4) Phụ nữ tham chính. Dựa trên các tiêu chí này, Việt Nam chúng ta trong mấy năm qua luôn nằm trong nhóm giữa về chỉ số Bình đẳng giới  trên thế giới (năm 2013, xếp hạng thứ 73 trên tổng số 136 nước được khảo sát).

Xét trên tổng thể thì đây không phải là vị trí quá quan ngại. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, bên cạnh một số thành quả tích cực, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc một số vấn đề mà tôi tạm gọi là "định kiến" trong nghiên cứu về giới tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, quan điểm cho rằng bàn về giới là nói về Phụ nữ, trong khi đây là vấn đề của cả hai giới Nam và Nữ. Đặc biệt rất nhiều người làm về giới có suy nghĩ rằng các bất cập liên quan đến giới chỉ có thể được giải quyết khi người Phụ nữ được tạo quyền và giành được nhiều lợi thế hơn trong "cuộc chiến" đòi hỏi các Quyền từ Nam giới.

Tuy nhiên, thực tế, giải quyết vấn đề này chỉ là tìm ra các nguyên nhân gây nên "khoảng cách" giữa Nam và Nữ trong mỗi cộng đồng nhất định và tìm cách loại bỏ nó bằng các phương pháp khác nhau mà thôi.

Thứ hai, khi nói về giới, người ta thường nghĩ ngay đến lỗi là của Đàn ông. Và để chứng minh cho luận điểm này, người ta thường xây dựng hình ảnh người đàn ông Việt theo mô-típ gia trưởng, bảo thủ, hung hãn, nghiện ngập, bạo lực, v.v... Trong thực tế, ở đâu đó có thể có những vấn đề này xảy ra, nhưng nó thực sự không đại diện cho hình ảnh đàn ông Việt.

Thứ ba, nhiều người vẫn quan niệm bình đẳng giới nghĩa là phải đạt được sự "bằng nhau" trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, và trong cuộc chiến này, Phụ nữ luôn bị yếu thế nên họ cần được bảo vệ và tăng cường nhận thức về giới.

Trong thực tế, nếu so với các đặc tính gắn với đàn ông như cơ bắp, mạnh mẽ, hung hãn, gây gổ hay áp đặt, v.v... thì  các đặc điểm chung gắn liền với nữ giới như: hiền hậu, quan tâm, nhẹ nhàng, mềm mại hay trung hậu, đảm đang, v.v... mang nhiều nhân tố tính tích cực hơn và đây là những đức tính cần cho một xã hội văn minh mà chúng ta đang hướng tới. Như vậy, chúng ta không chỉ cố gắng làm cho phụ nữ "bằng" được như đàn ông, mà có rất nhiều thứ đàn ông cần phải học và thay đổi để "bằng" được phụ nữ.

Thứ tư, chúng ta luôn nói về bình đẳng giới trong khi trong cách nghĩ của rất nhiều người làm về giới, trong đó có các Quan chức vẫn còn tồn tại khái niệm "chỉ tiêu" và "cơ cấu" cho phụ nữ tham chính. Chỉ khi chúng ta cho rằng Phụ nữ kém hơn Nam giới trong lĩnh vực chính trị thì chúng ta mới phải "tạo cơ hội" hoặc "ưu tiên" họ như vậy.

Khi mà trường học vẫn còn dạy con trẻ những đức tính cao cả của phụ nữ, cổ xúy cho đức sự hy sinh vì chồng con, đồng thời định vị đàn ông với trách nhiệm mà anh ta phải gánh vác cho gia đình và xã hội, thì khi ấy chúng ta vẫn ở trong khối bùng nhùng của cuộc đấu tranh vì Quyền Phụ nữ.

Trên tất cả, có một tiêu chí vô cùng quan trọng mà các nhà nghiên cứu thế giới có vẻ đã quên hoặc lờ đi khi phân tích về bình quyền Nam Nữ. Đó chính là Tình yêu, bởi vì nếu không có tình yêu thì cuộc sống gia đình cũng chẳng thể tốt đẹp được, cho dù bạn có đạt được sự bình đẳng đến đâu đi nữa.

Trần Văn Tuấn