"Tôi cho rằng tối thiểu cũng phải là 5 năm để chọn kỹ hơn, chứ thời gian
ít quá thì cán bộ chưa kịp thử thách. Hoặc thậm chí vì quỹ thời gian ít
nên có khi “ngại” hành động vì lo không có thời gian để sửa sai, ông Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nói.
- Ông Vũ Oanh: Việc luân chuyển cán bộ về địa phương là rất tốt, cần thiết phải làm và tôi rất hoan nghênh chủ trương này. Trước đây cũng đã khai thác cán bộ trưởng thành từ địa phương là nguồn rất quan trọng để xây dựng đôi ngũ lãnh đạo nòng cốt, giữ những vị trí quan trọng. Khi có thời gian dài công tác tại địa phương, cán bộ sẽ phát triển toàn diện vì công tác quản lý, điều hành ở địa phương là toàn diện nhất. Chính vì thế nguồn cán bộ trưởng thành lên từ địa phương là rất quý.
Thế hệ của tôi có một lớp rất đông cán bộ trưởng thành từ địa phương lên, sau này giữ vị trí trọng trách và đã phát huy năng lực cũng như cống hiến nhiều cho đất nước. Vì thế, tôi rất thấm thía bài học kinh nghiệm từ quá trình công tác ở địa phương để phục vụ cho công tác sau này.
Thế hệ cán bộ thời của ông trưởng thành ở địa phương trong suốt quá trình dài, còn hiện này việc luân chuyển cán bộ có nhiều trường hợp chỉ khoảng 2-3 năm liệu có đủ thời gian rèn luyện, tích lũy được nhiều kinh nghiệm?
- Hiện chúng ta có 2 nguồn cán bộ đáp ứng công việc ở trung ương là từ những cán bộ hoàn toàn trưởng thành từ địa phương và lớp cán bộ được cử về địa phương rèn luyện. Nhưng tôi cho rằng tốt nhất là chọn lọc, bồi dưỡng được lớp cán bộ trưởng thành từ địa phương lên vì họ được trải qua cả quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến và chứng minh được năng lực của mình, đặc biệt là tích lũy kinh nghiệm, kiến thức toàn diện. Tìm chọn những cán bộ đã có thành tích rõ rệt.
Còn những cán bộ được lựa chọn ở trung ương rồi luân chuyển về địa phương để rèn luyện, tích góp kinh nghiệm sau một thời gian nếu đạt được thành tích thì sẽ rút về để giao nhiệm vụ mới ở trung ương. Nhưng có điều với thời gian luân chuyển chỉ 2-3 năm thì e không đủ thời gian để họ cọ xát, phát huy năng lực, có khi chẳng ăn thua gì đâu. Tôi cho rằng tối thiểu cũng phải là 5 năm để chọn kỹ hơn, chứ thời gian ít quá thì cán bộ chưa kịp thử thách. Hoặc thậm chí vì quỹ thời gian ít nên có khi “ngại” hành động vì lo không có thời gian để sửa sai.
Danh sách 44 cán bộ luân chuyển đợt 1 hầu hết giữ vị trí đứng đầu cấp cục, vụ là rất đúng hướng. Chúng ta nên chọn lọc, bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận thật sớm, công tác tổ chức cán bộ cần có chiều sâu mà cụ thể là chọn những cán bộ tuổi đời còn trẻ rồi đưa qua nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là đưa về địa phương nhiều năm để thử thách, trui rèn nhằm tạo ra lớp cán bộ có chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu vừa được luân chuyển về giữ chức Phó Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bà là 1 trong 3 cán bộ nữ được luân chuyển đợt 1.
Vậy theo ông là cần mạnh dạn chọn lớp cán bộ trẻ và tạo điều kiện để họ phát huy, trưởng thành ở địa phương và đây cũng là môi trường để sàng lọc cán bộ?
- Hiện nay có nhiều cán bộ lãnh đạo giữ vị trí cao mà tuổi còn rất trẻ nhưng theo tôi để những lớp cán bộ lãnh đạo sau này trẻ và có năng lực hơn nữa thì cần chọn lọc, bồi dưỡng cán bộ từ rất sớm. Thời kháng chiến, cán bộ tuổi từ 20-30 đã làm được nhiều việc lắm. Thời nay cũng vậy, cán bộ tuổi dưới 30 là đã có nhiều kiến thức và bản lĩnh nếu được kinh qua địa phương nhiều năm thì sẽ phát huy rất tốt sau này.
Chúng ta không sợ chọn lọc, bồi dưỡng sai. Cứ mạnh dạn chọn rồi đưa về địa phương thử thách, phát huy. Nếu ai không đáp ứng được yêu cầu, không thật sự chứng minh được năng lực thì không bố trí vị trí cao hơn, chỉ bố trí công việc phù hợp.
Một vấn đề quan trọng khi cán bộ về thử thách tại địa phương là các anh chị em phải được giao việc, được làm việc, cọ xát, công tác thật sự và biết chịu trách nhiệm, chứ không phải là đi “tráng men” rồi về.
Một số ý kiến cho rằng cần công khai đầy đủ danh sách 44 cán bộ luân chuyển đợt 1 để nhân dân nắm rõ bởi nhân dân là “cơ quan” giám sát, là tai mắt và thước đo đánh giá chính xác nhất năng lực, phẩm chất của cán bộ?
- Tôi cũng cho rằng cần công bố công khai danh sách cán bộ luân chuyển và lý lịch họ. Có gì phải giữ bí mật đâu.
Tôi được biết hầu hết anh em đi luân chuyển đợt này tuổi đời còn rất trẻ, vị trí hiện tại cũng chưa cao nên việc xuống địa phương mà phát huy, cống hiến được thì sẽ rất có lợi cho dân, cho nước sau này. Chính địa phương, nhân dân sẽ chọn lựa được người cán bộ có phẩm chất, có trình độ. Môi trường công tác ở địa phương đòi hỏi người cán bộ phải bộc lộ được khả năng toàn diện và giữ phẩm chất đạo đức.
Văn phòng Trung ương Đảng vừa ban hành Công văn số 7314-CV/VPTW về chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định luân chuyển đợt 1 gồm 44 thành viên. Trong đó có 25 phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 19 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có 2 ủy viên Trung ương Đảng, 19 thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có 3 cán bộ nữ. Toàn bộ số cán bộ luân chuyển đợt này đều trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở trung ương, trong đó có 22 cán bộ được quy hoạch chức danh ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. |
- Thế Dũng/ Theo Người lao động