Một số chuyên gia cho rằng nếu tiến hành trừng phạt kinh tế với Nga, Mỹ và EU cũng chịu thiệt hại không nhỏ.

>> Khủng hoảng Ukraina: 'Bóng ma' trở lại

>> Ukraina: Kế 'giữ thể diện' cho Nga và phương Tây

>> Ukraina: Phương Tây có 'động binh' đáp trả Putin?

Ủy ban về các vấn đề nước ngoài Thượng viện Mỹ đã thông qua áp dụng dự luật cấm vận đối với các quan chức Nga do quan điểm của Nga về Crưm. Trước đó Hạ viện Mỹ cũng ủng hộ việc áp dụng cấm vận thị thực và kinh tế đối với Nga, sau khi ủng hộ một nghị quyết và thậm chí còn kêu gọi loại Nga ra khỏi nhóm G-8.

Những biện pháp tương tự cũng được Liên minh châu Âu EU thông qua, trong đó đe dọa cả biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga. Lệnh cấm vận đối với các quan chức Nga cũng có thể được Liên minh châu Âu xem xét.

Liên minh châu Âu ngày 17/3, tức sau ngày trưng cầu dân ý ở Crưm, sẽ quyết định áp dụng lệnh cấm vận ở mức hai. Theo đó, EU không chỉ hạn chế những quan chức Nga chịu trách nhiệm về việc mất ổn định tình hình ở Ukraina vào châu Âu, đóng băng tài khoản ngân hàng của họ, mà còn từ chối tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga.

Nếu Nga tiếp tục từ chối tham gia đàm phán, EU sẽ tiến hành lệnh cấm vận mức ba, mà sẽ "liên quan đến hợp tác kinh tế".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những biện pháp kinh tế, chứ không phải biện pháp chính trị, sẽ giáng vào phương Tây chẳng kém gì vào Nga.

{keywords}

Tổng thống Putin: "Đó là sự thiệt hại có đi có lại".

Cây gậy hai đầu

Bản thân phương Tây không muốn có một cuộc chiến cấm vận với Nga, điều này đã được nhiều chính trị gia và giới truyền thông chỉ ra.

Về phía Nga, tổng thống Putin đã tuyên bố: "Tất nhiên là có thể áp dụng biện pháp nào đó gây thiệt hại cho nhau, nhưng đó là sự thiệt hại có đi có lại".

Matxcơva đã đưa thông điệp rõ ràng là sự đáp trả sẽ ngay lập tức được đưa ra. Cụ thể Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) trước đó đã không loại trừ khả năng thông qua một dự luật cho phép tịch thu tài sản, tài khoản và cổ phiếu của các công ty ngoại quốc từ những nước áp dụng cấm vận với Nga.

Trước đó, các đại diện của giới kinh doanh Đức đã phản đối lệnh cấm vận có thể áp dụng chống Nga. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu BGA của Đức, Anton Boerner gần đây tuyên bố "lò xo cấm vận" đối với Nga có thể dẫn đến những hậu quả khó lường và sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào nhiều công ty Đức.

Tờ Deutsche Welle của Đức viết: "Nga có thể từ chối một số hợp đồng lớn với các công ty châu Âu, thí dụ, từ chối mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp". Còn ông Alekxei Pushkov, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga nhận định: "Lệnh cấm vận sẽ thiệt hai cho cả hai bên. Pháp đang chờ 1,3 tỷ USD từ việc bán 2 tàu đổ bộ Mistral cho Nga".

Cũng theo tờ Deutsche Welle, lệnh cấm vận còn có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho cả đôi bên trong lĩnh vực năng lượng và tài chính. Bởi, khoản nợ của các công ty và ngân hàng Nga, kể cả của một số tập đoàn nhà nước lớn đối với các nhà cho vay tín dụng nước ngoài, theo số liệu của Reuters, là trên 650 tỷ USD. Nếu "chiến tranh cấm vận" xảy ra, các công ty và ngân hàng Nga đình chỉ hoặc thậm chí chấm dứt các trách nhiệm nợ, thì các ngân hàng Mỹ, châu Âu và Nhật Bản và các công ty đầu tư sẽ gánh tổn thất nặng nề.

Các chuyên gia cũng nhận định, lệnh cấm vận thậm chí còn gây thiệt hại cho các nước Bantich, vốn xưa nay vẫn chống Nga kịch liệt. Bộ trưởng Giao thông vận tải Latvia, Andriis Matis gần đây tuyên bố nếu EU áp dụng lệnh cấm vận với Nga, Latvia sẽ tổn thất lớn, vì 60% lượng hàng hóa vận tải Latvia xuất phát từ Nga.

Còn với Mỹ, đại diện của các công ty lớn nước này đã cảnh báo Nhà Trắng, trừng phạt kinh tế Nga sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào các lợi ích của chính Mỹ. Những tập đoàn lớn của Mỹ như PepsiCo, General Electric, Boeing... tuyên bố, hoạt động ở Nga là một nhân tố trung tâm trong chiến lược toàn cầu của họ, trong đó họ đầu tư không ít vốn.

Tờ Washington Post phân tích: "Trong giai đoạn này, giới kinh doanh có cảm giác sẽ không có chuyện áp dụng cấm vận kinh tế rộng rãi đối với Nga. Bởi ít nhất các đồng minh của Mỹ ở châu Âu sẽ phản đối". Lợi ích kinh tế của châu Âu ở Nga lớn hơn nhiều so với của Mỹ, bao trùm từ việc mua "khí đốt và dầu mỏ Nga cho đến các ngân hàng Tây Âu đầu tư dưới dạng cho vay tín dụng và đầu tư vào Nga khoảng 200 tỷ USD".

Hãng Bloomberg thì lý giải: "Nga hiện giờ gắn kết mạnh mẽ hơn nhiều về tài chính với phương Tây hơn thời kỳ Liên Xô, nếu như diễn ra sự lệ thuộc, thì đó là sự lệ thuộc lẫn nhau".

Góc nhìn từ Nga

Theo Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Nga Mikhail Remizov, "Cộng đồng phương Tây cũng không thống nhất về vấn đề áp dụng cấm vận chống Nga ngay giữa các đối tác châu Âu - Đại Tây dương, cũng như ngay trong nội bộ các nước này... Vấn đề áp dụng cấm vận còn phải được cân nhắc, thảo luận lâu dài và chắc chắn "trừng phạt" chỉ mang tính chất ngoại giao".

Nhà phân tích chính trị Sergei Mikheev, cũng nhận định, cấm vận chống Nga trước hết sẽ bất lợi đối với châu Âu. "Vấn đề không phải chỉ là cung cấp dầu mỏ và khí đốt, mà là còn hàng nghìn quan hệ (kể cả đầu tư) mà Nga xây dựng với châu Âu, trong đó có Đức".

Theo Sergei Mikheev, "Cần phải nhận thấy rằng EU hiện nay không phải trong tình trạng kinh tế tốt nhất, châu Âu vừa mới ra khỏi khủng hoảng nặng nề và châu Âu rõ ràng là không muốn khủng hoảng mới nữa".

Lập trường của châu Âu không thống nhất. Nếu như các chính trị gia cho rằng lệnh cấm vận là cần thiết, tuy các nhà lãnh đạo châu Âu có kiềm chế hơn người Mỹ, nhưng giới kinh doanh kiên quyết phản đối.

Trưởng Bộ môn Chính trị học ứng dụng, Trường Đại học tổng hợp tài chính trực thuộc chính phủ Nga, Konstantin Simonov đánh giá, thật nực cười khi cho rằng ở châu Âu sắp từ chối dầu mỏ và khí đốt Nga, và năng lượng sẽ được cung cấp từ Mỹ. Trong khi hiện lượng dầu mỏ Mỹ nhập khẩu còn nhiều hơn Nga khai thác hàng năm.

Simonov phân tích, tất nhiên phương Tây có thể áp dụng cấm vận như buộc các quỹ đầu tư rút tiền ra khỏi Nga và bán các cổ phiếu của các công ty Nga, cấm các công ty nước ngoài hoạt động tại Nga và cuối cùng là hạn chế việc chuyển tiền ra khỏi Nga. Nhưng điều đó sẽ giáng đòn nghiêm trọng vào các ngân hàng, kể cả các ngân hàng Mỹ, vì rất nhiều ngân hàng Nga có tài khoản tín phiếu trong các ngân hàng Mỹ.

Nga nắm một số lượng lớn tài sản trên sàn chứng khoán Mỹ, nếu áp dụng cấm vận, số tài sản này sẽ phát sinh vấn đề. Nếu Mỹ bằng cách nào đó hạn chế, thì không loại trừ khả năng kịch bản rút đầu tư đã được thực hiện trên lãnh thổ Nga. Ngoài ra, các công ty phương Tây từ lâu đã hoạt động ở Nga và cảm thấy yên ổn, cảm thấy không cần phải hạn chế.

Minh chứng là, sau những câu chuyện về cấm vận trong tuần qua rộ lên, tất cả các công ty năng lượng như Exxon (Mỹ), BP (Anh), Total (Pháp) đều tuyên bố họ sẽ không rời nước Nga và phản đối cấm vận.

Ngoài ra tình hình kinh tế thế giới hiện cũng không thuận lợi đến mức các chính trị gia có thể mạnh bạo phá vỡ hiện trạng kinh doanh mới được thiết lập lại. "Cho nên, ở châu Âu nhiều chính trị gia vẫn đang hoài nghi bất cứ một cuộc tấn công trực diện vào nước Nga" - Simonov nhấn mạnh.

Lê Thắng (Theo Newru.com)