Bốn mươi năm qua, mỗi dịp tháng 2, tháng 3 về, biển Đông cùng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn luôn là nơi hướng về, lay động tâm thức bao công dân Việt.

>> Không xa đâu, Trường Sa ơi...

>> 'Vòng tròn bất tử' không bao giờ bị lãng quên

Như bao anh hùng, nghĩa sĩ tiền nhân của dân tộc đã tiếp nối nhau anh dũng chiến đấu, hy sinh từ thuở sơ khai dựng nước, giữ nước qua các triều đại tới ngày hôm nay, những người lính đã đổ máu, hy sinh trong các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa đều là anh hùng trong lòng muôn dân Việt.

{keywords}

Hình ảnh quyết chiến của những người lính Hải quân VN chống quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ biển đảo. (Bức tranh tường trong khu công viên tại Vùng 4 Hải quân VN trên bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).  Ảnh: Phan Sông Ngân

Các bậc sinh thành, thân nhân của những anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu ấy đều luôn được Tổ quốc, dân tộc và đồng bào ghi ân… Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách, hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”.

Tuy vậy, cho đến nay, vẫn còn có những mong ước của những người đã hy sinh vì Tổ quốc hay nguyện vọng chính đáng của các bậc thân nhân anh hùng, liệt sĩ vẫn còn chưa thể được thực hiện, đáp đền tròn vẹn. Đó là một thực tế do nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh và điều kiện của đất nước trong nhiều năm qua.  

Một trong những mong ước luôn luôn quay quắt trong lòng nhiều bậc cha mẹ, vợ con, thân nhân những người lính, anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh nơi vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là được ra tận vùng biển, đảo mà con em, chồng, cha anh của họ đã hy sinh, với xác thân đến giờ vẫn còn nằm lại trong trong lòng sóng nước biển đảo của Tổ quốc suốt mấy chục năm qua… Nguyện vọng ấy là vô cùng chính đáng và nhiều phóng viên báo chí đã được người dân nhắn gởi và báo chí cũng đã có nhiều thông tin.

Có nhiều người vợ, người mẹ, người cha… đã mòn mỏi ước mong, âm thầm cầu nguyện điều ấy suốt mấy chục năm dài sau khi chồng con đã hy sinh. Thế nhưng cuối cùng nhiều người đành mang theo nguyện vọng thiêng liêng ấy mà từ giã cuộc đời. Bởi thời gian, tuổi tác, bệnh tật… đã không thể cho họ tiếp tục đợi chờ.

{keywords}

Chị Đỗ Thị Hà (vợ trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, hy sinh tại Gạc Ma năm 1988): “26 năm qua, mẹ con em mong được ra thắp nén nhang, thả một vòng hoa tưởng nhớ nơi anh Doanh cùng đồng đội  hy sinh, nhưng đến giờ vẫn chưa một lần thực hiện được”. Ảnh: Phan Sông Ngân  

Còn trong những năm qua, dù đã có rất nhiều chuyến tàu biển ra Trường Sa thăm viếng, được tổ chức bởi các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thế nhưng phần đông các bậc cha mẹ, vợ con của những liệt sĩ Trường Sa ở các nơi không thể tham gia vì nhiều lý do. Trong đó có nguyên nhân, khó khăn nhất là bởi tuổi tác, sức khỏe của những người già, phụ nữ không thể đủ sức khỏe để theo được những con tàu biển vượt sóng ra tới Trường Sa…

Vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động VN đã phát động thực hiện chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” cùng kế hoạch xây đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma ở ngay tại đất liền. Đó là một điều an ủi, động viên rất lớn với thân nhân những người đã hy sinh.

Song, hiện nay có rất nhiều người mẹ, người cha, thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã tuổi cao, bóng xế hoặc sức khỏe đã yếu. Vì vậy, e rằng họ cũng khó đủ sức đợi chờ cho đến ngày chương trình hoàn thành, đền tưởng niệm được xây xong. Thế nhưng những người ruột thịt ấy của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn đau đáu, thiết tha mong ước được ra viếng thăm, thắp cho hương hồn con em mình một nén nhang tại nơi biển đảo Trường Sa.

 Khi tham gia cuộc cứu nạn quốc tế trên biển Đông để tìm kiếm chiếc máy bay hành khách Boeing 777-2.000 của Malayssia Việt Nam đã tạo được sự quan tâm của thế giới. Một điều đáng chú ý đó là sự nhanh chóng, tích cực, nhiệt tình tổ chức quân đội, cảnh sát biển, các lực lượng chuyên nghiệp cùng huy động nhiều máy bay, tàu chiến, tàu biển với số lượng dẫn đầu các nước cùng tìm kiếm.

Qua đó cho thấy điều kiện, khả năng, phương tiện của nước ta hiện nay đã được tăng cường, hiện đại hơn rất nhiều so với trước đây. Chính vì vậy, nhiều người mong muốn trong khi chúng ta còn chưa có điều kiện để có thể tìm kiếm được thi thể những anh hùng, liệt sĩ của Tổ quốc đã hy sinh ở Gạc Ma-Trường Sa, nhà nước và quân đội có thể quan tâm, tạo điều kiện tổ chức vài chuyến máy bay dành cho thân nhân các anh hùng, liệt sĩ được ra thăm viếng Trường Sa như nguyện vọng vô cùng thiêng liêng mà họ vẫn luôn thiết tha đợi chờ.

Đó không chỉ là một cách “đền ơn, đáp nghĩa” thực tế, kịp thời đối những người đã tuổi cao, sức yếu… mà còn sẽ là thể hiện được đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, góp phần động viên, giáo dục thực tiễn rất nhiều cho thế hệ trẻ trong cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Phan Sông Ngân