Đó là cuộc đua tranh giành ảnh hưởng mở rộng của 5 trung tâm quyền lực... Dĩ nhiên, sẽ luôn có sự va chạm, giao thoa quyền lợi từ "sân sau" của cường quốc.

LTS: Diễn biến nóng bỏng trên bán đảo Crưm những ngày qua khiến cả thế giới căng thẳng, hồi hộp. Cái tên Crưm xa xôi bên bờ biển Đen xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Báo chí phương Tây đã đưa dự đoán về nguy cơ "chiến tranh lạnh" lần thứ 2 sắp xảy ra. 

Để trả lời cho câu hỏi "sự kiện Crưm" sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới ra sao,  Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Dung, nguyên phó trưởng khoa Kinh tế ngoại thương - Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại thương.

"Nga như người khổng lồ bị nhốt"

Từng có thời gian học tập và nghiên cứu ở Nga, bà có thể lý giải nguyên nhân sâu xa vì sao các động thái của Nga trong câu chuyện  Crưm diễn ra rất nhất quán và quyết liệt?

Cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế thế giới trong thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 từ dầu thô, khí đốt đã hình thành nên sự cạnh tranh, mâu thuẫn kinh tế, tài chính, thương mại gay gắt trên toàn cầu. Từ đây đã hình thành nên một "trật tự" mới từ 2 cực Liên Xô và Mỹ thành có 5 cực là Mỹ, Nga, liên minh châu Âu (EU), Nhật và Trung Quốc. Trong đó Mỹ là trung tâm.

Mỗi cực đều có quyền lực và đều ra sức hình thành khu vực ảnh hưởng "sân sau". Cực nào có "sân sau" tốt hơn thì sẽ mạnh hơn. Thực sự đó là cuộc đua tranh giành ảnh hưởng mở rộng của 5 trung tâm quyền lực. Cuộc chạy đua đầy cạnh tranh quyết liệt này không ngừng nghỉ mà luôn vận động, lúc thì âm thầm, lặng lẽ; lúc thì bùng nổ dữ dội. Dĩ nhiên, sẽ luôn có sự va chạm, giao thoa quyền lợi từ "sân sau" của cường quốc.

Mỹ có sân sau là khu vực Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương; EU là châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương; Nhật là châu Á - Thái Bình Dương; Trung Quốc cũng là châu Á - Thái Bình Dương. Có thể nói vùng châu Á - Thái Bình Dương có vai trò ngày càng quan trọng, là điểm nóng vì là nơi hội tụ "sân sau" của 5 cực quyền lực, đan chéo cài nhau các lợi ích của các cường quốc.

Giống như thời chiến tranh lạnh, giữa các cực quyền lực luôn mâu thuẫn, va chạm quyền lợi và vùng ảnh hưởng nên trật tự thế giới cũng luôn xáo trộn, thay đổi.

Nước Nga xuất thân từ Liên bang Xô Viết trước đây, vốn là một trong hai siêu cường của thời kỳ chiến tranh Lạnh, đang hồi sinh sau một thời gian dài bị suy sụp, khủng hoảng. Nước Nga đang đứng lên, vươn ra.

Trong cuộc đua của nước Nga thì Crưm có vị trí chiến lược toàn cầu. Hãy nhìn lên bản đồ để thấy vị trí yết hầu của Crưm để thấy con đường vươn ra thế giới của nước Nga. Nếu không có Crưm hoặc Ukraina, nước Nga chẳng khác gì người khổng lồ bị nhốt ngay trong ngôi vào nhà của mình, khó mà "làm ăn" được.

Trong thương mại toàn cầu thì dịch vụ hàng hải vẫn là lý tưởng nhất, rẻ nhất, cạnh tranh nhất. Nga là quốc gia có trữ lượng dầu thô hàng đầu thế giới, cần phải có đường hàng hải ra thế giới. Đồng thời như trong bài diễn văn của tổng thống Putin đã nói rất rõ ràng, người Nga không thể tưởng tượng được một ngày nào đó binh lính NATO đóng ở Sevastopol! Điều này cũng giống như nước Mỹ không thể ngồi yên khi Liên Xô đưa tên lửa vào Cu Ba năm 1962, gây nên cuộc khủng hoảng toàn thế giới, suýt nữa gây nên cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngoài ra, Crưm là khu du lịch nghỉ mát tuyệt vời. Nếu bạn đã dừng chân tại Crưm sẽ thấy đây là thiên đường của thế giới. Khí hậu quanh năm ấm áp, không bị ô nhiễm. Trong nền văn hóa Nga đầy những câu chuyện cổ tích, huyền thoại về Crưm. Tất cả các triều đại trước đây đều hướng đến xây dựng Crưm thành khu nghỉ mát cao cấp.

Tới đây, sau khi đã có được Crưm, liệu Nga có cần mở rộng thêm ở khu vực phía Đông của Ukraina như lo ngại của Kiev và các nước phương Tây hay không?

Tôi nghĩ người Nga đủ khôn ngoan để không làm điều đó. Có được Crưm thì toàn bộ Ukraina đã bị "nằm trong tay" Nga rồi. Crưm không chỉ là yết hầu với Nga mà là yết hầu quan trọng hơn với Ukraina. Ukraina muốn đi ra Địa Trung Hải cũng cần đi qua Crưm.

Quan sát diễn biến vừa qua, chúng ta sẽ thấy điều đó. Ngay khi người dân Crưm bỏ phiếu gia nhập Nga, tổng thống và Duma quốc gia Nga đồng ý, quyền thủ tướng Ukraina phải gửi thư cho miền Đông ở Ukraina cam kết không gia nhập NATO, không bỏ tiếng Nga, không vì EU mà loại trừ quan hệ với Nga đấy.

Có điều, giai đoạn trước mắt nước Nga sẽ phải gánh vác trọng trách kiến thiết lại Crưm hoang tàn bấy lâu nay trong tay Ukraina. Nhưng về chiến lược, đó là thắng lợi lớn nhất, có giá trị nhất của cực quyền lực Nga ngay những thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

{keywords}
Những người thân Nga tụ tập bên ngoài tòa thị chính Crưm.

Mỹ và EU có chấp nhận 'sự đã rồi'?

Hiện nay, dù kết quả cuộc bỏ phiếu sáp nhập đã được công bố, nhưng Mỹ và EU vẫn quyết không để yên cho Crưm về Nga. Theo bà, nếu hai 'ông lớn' cùng hợp tác gây áp lực dữ dội, liệu Nga có chịu nổi hay không?

Crưm về Nga là số phận của thành phố này đã an bài. Dù có thế nào thì nước Nga của ông Putin cũng không thay đổi. Tôi nghĩ thế giới phương Tây và Mỹ cũng đã hiểu và cũng đã an bài như vậy. Bằng chứng là những lời kêu gọi, đe dọa đều không nhắc đến Crưm mà chỉ dọa là "nếu Nga mở rộng xâm lược Ukraina" thôi.

Về chính trị, họ sẽ không thể nói thẳng ra vì thể diện và vì các quan hệ nội tại, áp lực từ bên trong, nhưng cuối cùng thì cũng đành chấp nhận. Hồi chiến tranh với Gruzia năm 2008 cũng vậy. Cuối cùng thì Mỹ và phương Tây cũng đành chấp nhận.

Thực ra điều này không có gì là bất thường. Cuộc cạnh tranh của các trung tâm quyền lực thế giới luôn có lúc này lúc khác. Bản thân nước Nga có vũ khí hạt nhân đủ sức tiêu diệt nhiều trái đất này đã phải ngậm đắng nuốt cay khi Mỹ và phương Tây tấn công Iraq, ném bom tàn phá Liên bang Nam Tư, bắt nhà nước này phải thả cho Kosovo độc lập.

Thậm chí, các ông Sadam Hussein của Iraq bị treo cổ. Ông Milosevich của Nam Tư vì bảo tòan lãnh thổ, bị bắt đi tù và chết tức tưởi trong nhà tù thì sao? Hoặc trường hợp Lybia, lá phiếu trắng của Nga tại Hội đồng bảo an đâu phải để cho phương Tây ném bom tiêu diệt Nhà nước Lybia và giết chết ông Kadafi?

Nhưng nước Nga vẫn không làm gì hơn được. Tiếng nói phản đối của họ lúc ấy bị tiếng bom đạn át đi và trật tự mới hình thành đã xóa bỏ quyền lợi của Nga.

Và một thực tế mà chẳng ai muốn, nhất là các nước nhỏ càng không muốn, là dù có hệ thống luật pháp quốc tế và tổ chức Liên hiệp quốc, nhưng trong cuộc chơi của "các ông lớn" thì ai mạnh sẽ thắng!

(Còn nữa)

Duy Chiến (Thực hiện)