Phải chăng cơ chế xin- cho đã khiến cho chính quyền địa phương lẫn người dân chỉ biết trông chờ vào sự “thương hại”?

Như một sự tình cờ, hàng loạt câu chuyện gây ồn ào nổi lên trong suốt tuần qua lại gắn với những hành vi liên quan đến "xin -  cho". Khiến không ít người đặt ra câu hỏi, phải chăng, có một bộ phận người Việt đang ngày càng đánh mất đi tinh thần dấn thân "xắn tay áo hành động" hết sức, hết mình. Thay vào đó là phát sinh tâm lý trông chờ, mong đợi những tác động từ bên ngoài? 

Mong chờ?

Thời bao cấp, cơ chế xin- cho bao phủ mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Xã xin huyện, huyện xin tỉnh, tỉnh xin Trung ương. Và dĩ nhiên, nơi xin phải quỵ lụy nơi cho để xin được và xin nhiều hơn. Vì thế dân gian mới có bài vè: “Bộ về thì tỉnh giết trâu/ Tỉnh lên bộ hỏi đi đâu chú mày?/ Tỉnh về thì huyện giết cầy/ Huyện lên tỉnh hỏi chú mày đi đâu?...”.

{keywords}

Cũng chính vì tư duy và quan niệm như vậy nên đã hình thành tính ỷ lại trong xã hội. Người ta mong chờ vào sự ban phát từ phía trên, và đẩy trách nhiệm xã hội cho Nhà nước.

Tưởng rằng những việc như thế chỉ có trong thời bao cấp. Thế nhưng nó vẫn còn hiện hữu ở thời điểm này, khi mà đất nước đã đổi mới và ngày một phát triển. Không chỉ những địa phương nghèo, người nghèo mong muốn được hỗ trợ, mà cả địa phương không khó khăn lẫn người giàu cũng thích được sự “thương hại”.

Chẳng hạn trong dịp tết cổ truyền vừa qua, tỉnh Phú Yên đã đề nghị Trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân. Mặc dù đây là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế đạt 10,67% (năm 2013) và sản lượng lương thực đứng đầu khu vực Nam Trung bộ. Nhưng trong số 676 tấn gạo được hỗ trợ, tỉnh này chỉ cấp phát cho người nghèo được 232 tấn(!?).

Hay một vụ việc lùm xùm gần đây liên quan đến một nghệ sỹ có tên tuổi trong làng điện ảnh làm phim thua lỗ, có nguy cơ mất nhà và không còn chỗ ở. Nghệ sỹ này đã kêu ca, than thở với báo chí và viện dẫn những lý do dẫn đến thua lỗ trong lúc cơ thể có nhiều bệnh tật.

Vụ việc trở nên vô cùng “phản cảm” khi sự kêu gọi giúp đỡ là để nghệ sỹ kia có được 10,2 tỷ trả tiền vay cho ngân hàng và giữ lại ngôi biệt thự đã đem đi thế chấp.

Cũng thời gian này, báo chí đưa tin về vụ tự tử của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng L'Wren Scott (Hoa Kỳ) có liên quan đến nợ nần do thua lỗ trong kinh doanh. Có lẽ không ai trong chúng ta muốn thấy nhà thiết kế này chọn một kết cục đáng thương như thế. Nhưng có lẽ, lòng tự trọng của họ không muốn nhận một sự thương hại từ những chủ nợ và những người hâm mộ?

Và mới đây, câu chuyện cô trò Sam Lang vượt sông suối mùa lũ đến trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, kịp thời của Bộ GTVT. Với việc Bộ này quyết định đầu tư xây dựng một cây cầu trị giá 3,5 tỷ đồng tại nơi đó.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT Điện Biên, cả tỉnh hiện có tới 51 điểm qua sông suối cần xây dựng cầu treo dân sinh. Và một tỉnh có tới 98% ngân sách phải trông chờ vào Trung ương thì việc đầu tư xây cầu là bất khả kháng.

Chả lẽ chính quyền và nhân dân tỉnh này mãi ngồi chờ sự “thương hại” của Trung ương? Trong khi còn hàng nghìn, hàng vạn địa phương của các tỉnh thành khác cũng đang khó khăn, và cũng đang trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.

Chả lẽ họ không huy động được sức dân và nguyên vật liệu tại chỗ của địa phương để làm những cây cầu? Để làm bớt đi những hiểm nguy rình rập đối với con em của họ. Thực sự họ không thể cố gắng vượt qua khó khăn, hay họ thích được “thương hại”?

Còn đó những tấm lòng

Mặc dù xã hội vẫn còn rất nhiều điều khiến những người có lương tri thấy chua xót và đau đáu. Nhưng vẫn còn đó những tấm gương vượt khó, vượt khổ, không ỷ lại vào lòng thương hại của xã hội.

Như cô giáo đã nghỉ hưu Bùi Thị Một đã dùng những đồng lương hưu ít ỏi của mình và vận động đồng nghiệp, người dân xây cầu qua sông Côn (xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam). Hay như 03 cụ ông đã ngoài 60 tuổi ở huyện Châu Thành (An Giang) huy động được hàng chục tỷ đồng để xóa cầu khỉ cho dân, có những thời điểm họ phải cầm cả sổ đỏ nhà đất để có vốn làm cầu.

Hay như anh Coor Dếnh ở xã Tà Pơ (Nam Giang, Quảng Nam) đã bỏ tiền xây cầu qua suối để giúp hàng trăm hộ dân đã thoát cảnh bị cô lập trong mùa mưa lũ. Hoặc ông lái đò Chu Văn Thi đã bỏ tiền xây cầu qua sông Kỳ Cùng cho hơn 2.000 người dân xã Nhạc Kỳ (Văn Lãng, Lạng Sơn) đi lại,…

Còn hàng nghìn, hàng vạn người tốt việc tốt trong xã hội mà trong nội dung một bài viết không thể kể ra hết được. Họ thầm lặng cống hiến cho xã hội, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn vượt lên chính mình. Họ kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi những khó khăn của địa phương khi chưa có được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhưng vẫn còn đó những quan chức quan liêu và xa rời đời sống khó khăn của người dân. Họ chỉ biết kiếm tiền để tạo nên sự giàu có của bản thân, lo giữ cho vững chiếc mũ ô sa mà quên đi những người dân còn nghèo khổ. Và ít nhất, trách nhiệm của người làm quan là phải chăm lo được đời sống của dân, giải quyết những khó khăn của dân.

Chúng ta lâu nay vẫn nói về sự vô cảm, sự thiếu trách nhiệm trong xã hội. Phải chăng mặt trái của sự phát triển là sự vô tâm đối với xã hội, với cộng đồng? Phải chăng sự khốn khó của một thời bao cấp đã khiến con người trở nên ích kỷ, thiếu trách nhiệm với xã hội? Phải chăng cơ chế xin-cho đã khiến cho chính quyền địa phương lẫn người dân chỉ biết trông chờ vào sự “thương hại”?

Trịnh Xuân Báu