Về mặt kinh tế, không thể không mừng khi ở cái xứ nghèo khó như nước mình đã có những người có điều kiện để chứng tỏ một đẳng cấp mới của sự xa hoa cho nơi ở.

Trong vài năm qua, ở Việt Nam phần nào xuất hiện cái gọi là trào lưu kiến trúc theo kiểu “lâu đài” và “chuẩn Pháp” với hình thức mang phong cách kiến trúc kiểu cổ điển châu Âu một cách khá rõ nét, được xây dựng ở nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và một số địa phương khác.

{keywords}
Lâu đài Tổng Hải Sơn ở Phú Lý. Ảnh: Một thế giới

  Những công trình này phần nào thu hút sự chú ý của những người trong nghề cũng như sự hiếu kỳ của người ngoài nghề.

Các ý kiến của mọi người thì cũng nhiều chiều, một phần không nhỏ ngưỡng mộ sự xa hoa và giàu có của gia chủ, phần khác thì bỉ bôi như thói trưởng giả học làm sang kiểu mới. Với những người làm nghề kiến trúc thì có lẽ các ý kiến mang sự phê phán nặng nề nhiều hơn là lời khen ngợi.

{keywords}

Tuy nhiên, nếu nhìn vào quá khứ thì ở Việt Nam, những trào lưu kiến trúc như thế này cũng không phải là lần đầu, với những công trình xây dựng trong thời Pháp thuộc, mang sự pha trộn giữa kiến trúc cổ điển châu Âu và những nét cấu trúc và trang trí bản xứ.

Đọc lại những câu chuyện xung quanh căn nhà của cô Tư Hồng, của những căn nhà cự phú được tả trong hồi ký Chiều chiều của cụ Tô Hoài và nhiều người khác thì chỉ cần thoáng qua cũng thấy rõ cái mỉa mai của người mình ở thời đó cho những công trình kiểu ấy. Tây nó làm thì khen, chứ ta mà làm, kiểu gì cũng bị xơi cái tiếng là trọc phú học đòi, ấy mới lạ. Nói thì là vậy nhưng qua thời gian, mọi thứ quan niệm cũng có thể thay đổi, lời chê bai rồi cũng nhạt nhòa, nhất là ở xứ mình vốn là nơi dễ dung thông tiếp nhận. Trong danh sách mấy trăm nhà biệt thự cổ mà UBND thành phố Hà Nội mới ra quy chế bảo tồn giữ gìn có khi cũng có ối những căn nhà bị bỉ bôi điều tiếng ngày xưa, thời gian mà.

{keywords}

Quay trở lại những công trình “lâu đài” mới xây gần đây, cá nhân mình, với tất cả sự nghiêm túc, hoàn toàn không thấy có vấn đề gì về thẩm mỹ cũng như quan niệm, việc xây mới hoàn toàn một công trình kiến trúc châu Âu thế kỷ 17, 18 vào thế kỷ 21 cũng không khác gì việc xây mới chùa Bái Đính hay biết bao đình chùa miếu mạo như những năm vừa qua. Miễn sao là chúng đẹp và được đặt ở đúng chỗ. Thêm nữa, về mặt kinh tế, không thể không đáng mừng khi ở cái xứ nghèo khó như nước mình đã có những người có điều kiện để chứng tỏ một đẳng cấp mới của sự xa hoa cho nơi ở.

Những tòa nhà được gọi là “lâu đài” và “chuẩn Pháp” này có thể thấy chúng mang “hình ảnh” của kiến trúc Baroque một cách khá rõ nét.

Về mặt tinh thần, những chủ nhân tỉ phú của nó cũng có nhiều sự đồng điệu với thời kỳ Baroque ở châu Âu, với những thành quả của đầu tiên của thương mại và khai thác thuộc địa, họ cần có một địa vị mới trong xã hội với sự xa hoa và chứng tỏ quyền lực không giới hạn, kiến trúc cũng chỉ là vật mang cái vỏ của khát vọng đó.

{keywords}

  Do vậy, việc người giàu xứ mình tìm đến phong cách Baroque cũng là chuyện hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Tỉ phú trên thế giới cũng vậy thôi, ngoài những người là nghệ sỹ, nhà phát triển công nghệ thì nhà của đa phần tỉ phú nếu không phải là Baroque thì cũng là Rococo hoặc Neo Classic. Đó là sự sang trọng và xa hoa đã được lịch sử thẩm định, cộng thêm sự hấp dẫn của tính độc bản, cầu kỳ và những vật liệu đắt tiền. Kiến trúc hiện đại dù đẹp đến đâu đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ một sản phẩm hoàn toàn công nghiệp, ví như chuyện một chiếc Mercedes thì vẫn chỉ là cái ô tô, còn Rolls Royce thì người ta gọi nó là Rolls Royce. Kiến trúc, xét với tâm lý người sử dụng thì cũng vậy thôi.

{keywords}

Quay trở lại chủ đề kiến trúc, để phân tích sơ qua những công trình này một cách công bằng hơn là cảm nhận và sở thích chủ quan, mình xin tạm liệt kê những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Baroque (theo kiến thức nhỏ bé của mình):

{keywords}

Về tổng thể, công trình kiến trúc đặt ở trung tâm với các đường hướng tâm mạnh mẽ, mang tính chất tôn vinh chủ thể. Có thể thấy rõ đặc trưng này ở lâu đài Versailles – Pháp

{keywords}

...hay cung điện Hoàng gia La Granja – Tây Ban Nha (hình). Tùy quy mô khác nhau nhưng kiến trúc Baroque mang đặc điểm này hết sức đặc trưng.

{keywords}

Mặt đứng công trình phức tạp và cầu kỳ, sử dụng mạnh mẽ sự tương phản ánh sáng tạo ra bởi các cấu trúc mặt đứng.

{keywords}

Các diện mặt bằng, không gian lớn và rất phức tạp, kiến trúc kết hợp mạnh mẽ với điêu khắc, hội họa, tranh trần cho các không gian chính rất phổ biến. Sử dụng các vật liệu, chi tiết đắt tiền. Ảnh: Nhà thờ St Francis Xavier

{keywords}

Với sự giao thoa qua hoạt động thương mại và các thuộc địa, việc sử dụng các vật liệu, chi tiết trang trí du nhập từ bên ngoài đã có từ thời kỳ đầu của Baroque. Nói điều này để lý giải cho các công trình đang phân tích ở trên nếu có sử dụng các chi tiết trang trí bản địa cho công trình thì cũng không có gì khác biệt. Ảnh: trang trí tại thư viện của tu viện Admont (Áo)

{keywords}

Một đặc điểm nổi bật là nghệ thuật sử dụng ánh sáng giáp tiếp. Ánh sáng phản xạ qua nhiều lớp, tạo hiệu quả thị giác độc đáo. Ảnh: Tại tu viện Admont (Áo)

{keywords}

 

Với các đặc trưng nêu trên, các công trình mới xây ở Việt Nam, dẫu phần nào đó mang chút “hình ảnh” của kiến trúc Baroque, nhưng nếu phân tích kỹ thì cũng còn xa xôi lắm. Về tổng thể, là những công trình xây chen trong đô thị, với vài trăm m2 hoặc thậm chí là 3000m2 như ở Hà Nam thì cũng quá ư là khiêm tốn, không thể có cái gọi là vườn Baroque một cách thực sự, dù cho có trồng những cây vài trăm triệu hay vài tỉ trong chậu đi chăng nữa (ảnh), trong khi tổng thể, vườn là những cấu thành không thể thiếu được làm nên sự sang trọng, quý tộc của kiến trúc Baroque. Có lẽ các đại gia nên lên Ba Vì lập chiến khu, ít cũng phải vài chục hecta mới có thể hoành tráng lên được.

{keywords}

Về công trình: Cũng như vậy, là quá bé nhỏ, với quy mô vài trăm m2 mỗi tầng thì để có những không gian lớn đặc trưng của kiến trúc Baroque là không thể. Cấu trúc mặt bằng và không gian thuần túy công năng, dấu vết Baroque chỉ nhận ra được qua các chi tiết trang trí dày đặc của nội thất và mặt đứng công trình. Ảnh: Chi tiết trang trí ở mặt tiền lâu đài ở Phủ Lý, Hà Nam

{keywords}

Với sự sao chép đơn giản của hình thức bên ngoài và cấu trúc mặt bằng quá đơn giản nên yếu tố nổi bật của kiến trúc Baroque là nghệ thuật sử dụng ánh sáng giáp tiếp hoàn toàn thiếu vắng, các không gian trở thành khối tối tăm nặng nề dày đặc các chi tiết trang trí. Ảnh: Nội thất của lâu đài ở Phủ Lý.

{keywords}

Việc sử dụng điêu khắc và các diện, chi tiết trang trí với mong muốn mang đặc trưng Baroque mà thiếu tiết chế và nền tảng thẩm mỹ là một sự ngộ nhận nguy hiểm. Có lẽ dùng ý của anh Phó Đức Tùng là thấu đáo nhất trong trường hợp này: Một cung điện cực kỳ xa hoa thì lại càng là tác phẩm của sự tinh giản; nếu không tinh giản, chắt lọc thì nó không thành một cung điện, mà sẽ là một đống rác.

Còn một điều cuối cùng, thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật, các cụ nhà mình đã dạy một câu rất thấm thía: “Y phục xứng kỳ đức”, với chủ nhân của ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Baroque của thế kỷ 21 này thì có lẽ cũng không nhất thiết phải đội tóc giả và nhảy điệu Rigaudon trong phòng khiêu vũ.

Tuy nhiên, để mặc quần đùi hoa, gác chân lên chiếc ghế Đồng Kỵ mà xơi miếng thịt chó cho nó Baroque thì cũng khó, có lẽ cũng vất vả ngang với việc ngồi trên Rolls Royce mà cầm điếu cày cho đúng phong cách Rococo vậy.

  • Nghiêm Toàn/ Theo Soi

Tiêu đề bài báo do Tuần Việt Nam đặt