Ở VN ngày nay xuất hiện hàng loạt nhân tài, đại gia, giám đốc giỏi ở tuổi đời 35 thậm chí dưới 30.

Từ xưa đến nay người ta thường nói nhiều về việc thế hệ trẻ cần phải học hỏi rất nhiều ở các thế hệ đi trước, thế hệ già, điều này đã đúng và vẫn đúng. Nhưng trong thời đại ngày nay, cần đặt ra một vấn đề không nhỏ đó là nhiều điều thế hệ đi trước, thế hệ đàn anh cũng nên học hỏi ở thế hệ trẻ hôm nay.

Thực tiễn đã cho chúng ta nhiều bài học, không phải lúc nào thời gian và tuổi tác cũng tỷ lệ thuận với kiến thức, kinh nghiệm và thành công. Vấn đề đặt ra không phải là sống bao lâu, mà là sống như thế nào và sống trong môi trường nào. Có nhiều lĩnh vực mà chỉ càn sống và công tác 1 vài năm, tốc độ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và thành công sẽ bằng hàng chục năm công tác ở các lĩnh vực khác.

Vì thế mới xuất hiện hàng loạt nhân tài, đại gia, giám đốc giỏi ở tuổi đời 35 thậm chí dưới 30; Không ít những cán bộ trẻ dám chia tay cơ quan nhà nước, để lại sự tiếc nuối, thậm chí bức xúc cho cha mẹ, gia đình để ra lập công ty riêng. Và chỉ sau chưa đủ 1 chu kỳ đại hội, họ đã làm cho cả gia đình, dòng họ, quê hương phải kính nể, phải nhận thức lại là họ đã tự chủ, tự tin chọn đúng con đường mình thích và có ích cho dân để làm giàu cho bản thân, gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Trở thành người sớm có danh, thương hiệu mạnh, niềm kiêu hãnh của quốc gia.

{keywords}

Thế hệ trẻ là tương lai đất nước

Tôi xin nêu vài trường hợp để chứng minh, trong hàng trăm cán bộ trẻ đáng trân trọng của dân tộc ta mà tôi được biết.

Chủ tịch công ty CP MISA Lữ Thành Long, con trai cả của ông Lữ Văn Thành- Viện phó Viện kỹ thuật nhiệt đới VN; thời đó cho con ăn học, tốt nghiệp ngành tin học Đại học Bách Khoa và xin được 1 chỗ đứng trong Viện CNTT trực thuộc trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, nay là Viện Hàn Lâm KHXH VN là một cố gắng rất lớn của cha mẹ.

Nhưng sau 1 năm công tác, với tuổi đời 23, Lữ Thành Long đã rời cơ quan nhà nước ra ngoài lập công ty riêng. Nhà khoa học Lữ Văn Thành 1 thời là Viện phó cho cố Viện sỹ Vũ Đình Cự trăn trở mấy năm trời. Thời gian trôi đi, băn khoăn của người cha vơi dần và niềm tự hào với con mình tiến tới. Vì chưa đến 5 năm, Lữ Thành Long đã làm được bao việc mà trước đó ông không hình dung nổi: xây dựng MISA trở thành thương hiệu quốc gia và quốc tế, nuôi sống 600 người với thu nhập đủ chi phí cho 1 gia đình bậc trung. Hằng năm nộp ngân sách và chăm lo chính sách XH từ thiện nhân đạo hàng tỷ đồng. Doanh thu hàng năm trên 10 triệu đô la.

Chủ tịch HĐQT Garena: Phùng Đắc Quang sinh năm 1980 trong 1 gia đình viên chức, mẹ là bác sỹ, cha là thầy thuốc ưu tú. Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại giao được vào làm việc tại vụ HTQT- Bộ LĐTB và XH với thâm niên biên chế nhà nước 5 năm, ở tuổi đời 28 anh từ giã cơ quan nhà nước ra lập công ty riêng cùng nhiều bạn học thời phổ thông và đại học. Cũng chỉ sau vài ba năm, anh đã xây dựng được một DN mạnh có thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực CNND số (Garena). Tạo việc làm cho hơn 600 lao động ở cả 3 miền Bắc Trung Nam. Doanh thu hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng, nộp ngân sách và thực hiện chính sách từ thiện nhân đạo hàng chục tỷ đồng.

Còn đó, hàng chục, hàng trăm những con người đã dựng danh từ 2 bàn tay trắng, với khát vọng làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế. Làm chủ ở nước ngoài về làm giàu cho quê hương đất nước như Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT; Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup; Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch ngân hàng quốc tế VIB; Nguyễn Cảnh Sơn - Chủ tịch HĐQT tập đoàn EuroWindow; Lê Thanh Thản - TGĐ tập đoàn Mường Thanh; Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT Cafe Trung Nguyên; Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Lê Hồng Minh - Chủ tịch, TGĐ VNG; Thái Hương - Chủ tịch HĐQT sữa TH; Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT sữa Vinamilk; Nguyễn Hà Đông thần tượng quốc tế về CNTT; Mai Thanh Bình - TGĐ Garena... đều là những người thành danh với thương hiệu xuyên quốc gia vươn ra quốc tế khi tuổi đời hầu hết đều dưới 35. Ở đây tôi chưa có đủ điều kiện kể đến những người thành đạt trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn học, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ, DNNN, đối ngoại và ANQP.

Qua lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta nhận ra nhiều điều, trong đó có 2 điều quan trọng nhất là: Lòng dân và thế hệ trẻ VN không hề thờ ơ với chính trị như gần đây nhiều người cao tuổi thường trăn trở, băn khoăn.

Dẫu biết rằng, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng; Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa không thể không so sánh để hiểu thêm người và biết rõ mình hơn. Lâu lắm rồi chúng ta thường có 1 cách làm đã trở thành "truyền thống" là luôn so mình với chính mình, so hôm nay với hôm qua để rồi thấy nhích lên 1 tý là vui vẻ đến hồn nhiên. Nhưng nếu chúng ta hãy dũng cảm tự so mình với thế giới, thậm chí với các nước cùng chung bán đảo Đông Dương xem ta đang ở đâu và ta phải làm gì để không thua em, kém bạn, sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mong muốn, thì chúng ta sẽ thấy mình có lỗi với truyền thống cha ông, tiềm năng đất nước và lợi thế của dân tộc quá nhiều.

Xét về mặt tư duy chúng ta khác thế hệ trẻ và thế giới tiến bộ chỉ có 1 điều: Với thế hệ trẻ thành đạt của VN, cũng như các nước tiên tiến trên thế giới là ngay khi thành công họ luôn mổ xẻ xem có cách nào làm để thành công cao hơn nữa không? Còn tư duy của chúng ta thường là luôn kiếm tìm các nguyên nhân khách quan để bào chữa cho những điều chưa thành công của mình.

Tôi nói những lời này là muốn chuyển 1 thông điệp đến Đảng, Nhà nước, các thế hệ đàn anh, thế hệ đi trước, để chúng ta cùng quan tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ hôm nay, cổ vũ, động viên, uốn nắn, định hướng, học tập họ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ được cống hiến nhiều hơn không chỉ trong làm giàu mà cả trong tư vấn đầu tư, quản lý nhà nước để các thế hệ VN đoàn kết hợp lực, tiến công xây dựng một nước VN hùng cường, với phương châm hành động: "Khơi trong, hút ngoài, đổi mới, hội nhập, phát triển" thì nhất định trong tương lai không xa, VN sẽ là một nước giàu mạnh, văn minh của khu vực và thế giới./.

Lê Doãn Hợp (Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam)