"Báo cáo đề án Việt Nam vận động xin đăng cai ASIAD, nếu đúng quy trình, Uỷ ban Olympic sẽ phải: xây dựng đề án, phản biện, lập hội đồng kiểm tra độc lập".
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh chia sẻ quanh câu chuyện đăng cai Asiad sắp tới.
Thưa ông, trong buổi điểu trần tại Ủy ban VH Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng QH vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có nêu ra những điểm có lợi của chúng ta khi tổ chức ASIAD. Ông đánh giá sao về cái lợi đó so với những khó khăn hiện tại mà ta đang phải đối mặt?
Tất cả những cái lợi đó đều đúng. Nước nào tổ chức cũng có những cái lợi như vậy.
Khi Olympic Bắc Kinh kết thúc, Trung Quốc đã khẳng định những cái được của họ: tổ chức thành công Olympic, VĐV đạt thành tích tốt và cả thế giới biết về Trung Quốc. Nếu chúng ta làm và tổ chức tốt, đương nhiên sẽ tăng uy tín của đất nước. Nhưng vấn đề là tất cả những nước tổ chức ASIAD hay Olympic đều có điểm chung là một nền kinh tế vững vàng để đảm bảo cho việc tổ chức. Đó lại là thứ mà ta không có trong thời điểm này.
Tôi là người làm thể thao, cũng rất mong muốn Việt Nam đăng cai ASIAD. Khi chưa nghỉ hưu, tôi đã xây dựng một chiến lược với dự kiến chúng ta sẽ dự kiến đăng cai ASIAD vào những năm 2020. Nghĩa là ít nhất chúng ta sẽ có 15 năm để chuẩn bị.
Nhưng chiến lược này đến năm 2012 mới được thông qua và chúng ta lập tức nhận đăng cai ASIAD 18. Đó là khoảng thời gian quá ngắn.
Nếu chúng ta chậm lại thì có lẽ tình hình sẽ bớt khó khăn hơn nhiều.
Thưa ông, điều dư luận quan tâm nhất hiện nay vẫn là kinh phí để tổ chức. Tại sao từ lúc vận động đăng cai, vấn đề này lại chưa được bàn thấu đáo?
Việc đăng cai ASIAD là chủ trương của Uỷ ban Olympic Việt Nam chứ không phải của cả ngành thể thao như nhiều người nhầm tưởng, vì có rất nhiều nhà quản lý trong của ngành thể thao đã không đồng tình từ khi nó còn là chủ trương.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đăng cai ASIAD là chủ trương của Uỷ ban Olympic Việt Nam chứ không phải của cả ngành thể thao. Ảnh" Thể thao văn hóa |
Vậy khúc mắc chính là ở đâu, thưa ông?
Có hai khúc mắc sau: nền kinh tế thế giới khi đó dự báo đang đi vào khủng hoảng và khó có khả năng cải thiện nhanh. Như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến công việc tổ chức.
Là người chuyên làm về thể thao thành tích cao, tôi thấy chúng ta cần có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị lực lượng vận động viên vì thi đấu trên đấu trường châu lục thì trình độ vận động viên của chúng ta vừa ít về số lượng, vừa chưa ổn định về chất lượng. Có một số vận động viên của chúng ta có thành tích cao tại các kỳ ASIAD, nhưng không ổn định, và số lượng đó cũng rất ít. Nếu tổ chức ASIAD ở nước ta, chắc chắn rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chắc chắn sẽ yêu cầu một thành tích nhất định với cương vị chủ nhà chứ không thể chỉ mang về vài ba huy chương vàng như mọi lần. Với công tác chuẩn bị như thế này, kỳ vọng lọt Top 10 nước là điều cực khó.
Phải nhớ là năm 2003, chúng ta tổ chức Seagames 22 thì 10 năm trước đó, tức là năm 1993, Tổng cục Thể dục Thể thao khi được thành lập trở lại đã chuẩn bị một chương trình đào tạo VĐV.
Đến năm 1998 thì Chính phủ đã cho phép thực hiện Chương trình Quốc gia về Thể thao, do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kí. Khi đã có dự kiến thi những môn nào ở Seagames, Tổng cục TDTT đã làm việc với tất cả các tỉnh thành trong cả nước để chọn lọc và đào tạo những VĐV ưu tú. Việc có thời gian chuẩn bị lực lượng VĐV là yếu tố rất quan trọng khi chúng ta giữ cương vị chủ nhà.
Với những yếu tố đó, tôi đã đề nghị chúng ta nên đăng cai chậm lại một chu kỳ. Khi những người vận động đăng cai dự kiến kinh phí là 150 triệu USD, tôi là người đầu tiên đã phát biểu: với kinh nghiệm tham gia các sự kiện thể thao lớn, tôi tin con số đó không đủ để đảm bảo tổ chức một kỳ ASIAD.
Nếu nói rằng 150 triệu USD đó chỉ dành riêng cho công tác tổ chức thì tôi thấy còn có thể. Việc tổ chức truyền thông, quảng cáo, tuyên truyền, trung tâm báo chí, huấn luyện tình nguyện viên, huấn luyện cán bộ... hay việc khánh tiết, lễ tân, đón các quan chức nước ngoài, đón các trọng tài quốc tế mà chúng ta phải chịu chi phí cả ăn ở lẫn vé máy bay và cả tiền làm việc cũng đã ngốn hết số tiền 150 triệu USD đó rồi. Seagames 22, chúng tôi mời 850 quan chức và trọng tài quốc tế đến. ASIAD 2019, chắc chắn con số phải lớn hơn rất nhiều.
Nhưng để đăng cai ASIAD, chúng ta còn phải xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV và tất cả các chi phí trang thiết bị phục vụ, trong đó khâu nâng cấp trang thiết bị và xây mới công trình thi đấu để đáp ứng yêu cầu thi đấu ASIAD là tốn kém nhất vì có nhiều môn thể thao chúng ta không có như đua ngựa, Hockey trên cỏ, đua xe đạp lòng chảo...Mà nâng cấp tất cả các công trình chúng ta xây trong 10 năm qua vốn đã xuống cấp để đáp ứng yêu cầu của phía tổ chức (OCA) thì rất tốn kém.
Đơn cử, trường bắn của chúng ta xây dựng từ năm 1982 được coi là rất hiện đại lúc bấy giờ, nhưng hiện nay không thể đủ khả năng tổ chức ASIAD nữa. Chúng ta buộc phải xây trường bắn khác với giá vài trăm tỷ đồng. Với những kinh nghiệm như thế, rõ ràng việc đăng cai ASIAD sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn hơn rất nhiều.
Vì lúc đầu, Ủy ban Olympic khi báo cáo với chính phủ đã không làm rõ vấn đề đó nên kinh phí dự kiến chỉ là 150 triệu USD. Chính vì nhìn con số đó, Chính phủ mới đồng ý. Nhưng thực tế sẽ không phải như vậy.
Nhưng tại sao chúng ta lại có những tính toán sai lầm về chi phí ngay từ lúc đầu như thế, bởi những chuyên gia của ngành thể thao chắc chắn phải hiểu điều đó hơn ai hết?
Lúc bấy giờ một số cá nhân của Uỷ ban Olympic Việt Nam tiến hành việc vận động đăng cai ASIAD đã không tổ chức chuyên gia phản biện. Lần phản biện vừa qua là do Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đưa ra bàn bạc thể thao thành tích cao để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5, thì vấn đề ASIAD mới nổi lên, chiếm trọn sự quan tâm của dư luận, chứ không phải do Bộ Văn hoá và Uỷ ban Olympic chủ động thực hiện.
Trước áp lực đó mới dẫn đến yêu cầu Bộ Văn hoá phải chuẩn bị lại giải trình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đề án sau này do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trình bay hôm 18/3 đã kỹ lưỡng và cầu thị hơn rất nhiều. Và khi trình bày trước Chính phủ, ông Hoàng Tuấn Anh cũng phải đưa ra một phương án kỹ lưỡng nhất, tiết kiệm tối đa nhất, hạn chế tối đa xây mới và nâng cấp để đảm bảo kinh phí thấp nhất. Có thể Bộ VH-TT&DL sẽ tính đến phương án xây dựng với quy mô nhỏ hơn hoặc đàm phán để giảm bớt môn thi để phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Ảnh: Thể thao văn hóa |
Phương án đó liệu có được OCA chấp thuận không, vì ở ASEAN, chúng ta đã quá quen với cách hành xử của "thể thao vùng trũng", nước chủ nhà có quyền bỏ hay chọn môn thi tuỳ tiện, nhưng với một sân chơi lớn hơn và chuyên nghiệp hơn, cách ứng xử đó liệu có được OCA chấp thuận?
Đó chính là vấn đề. Nếu chúng ta muốn cắt giảm môn thi hay điều kiện thi đấu sẽ bắt buộc phải thảo luận với OCA. Còn việc chúng ta đã thảo luận hay chưa thì tôi không biết. Việc giảm chi phí là vẫn có thể làm được, nhưng nó sẽ rất khó khăn cho công tác tổ chức. 36 môn thi đã được ấn định, chúng ta định giảm cái gì đều phải thoả thuận lại với OCA cả. Chuyện này có lẽ rất khó khăn. Ví dụ nếu không xây sân lòng chảo thì không tổ chức được môn đua xe đạp lòng chảo. Mà môn này là môn thi truyền thống bắt buộc.
Với việc không lượng sức mình trong việc vận động đăng cai ASIAD và thiếu tinh thần cầu thị, có phải chúng ta đang tự đẩy mình vào thế khó, tiến không được, thoái cũng không xong?
Đúng thế. Báo cáo đề án Việt Nam vận động xin đăng cai ASIAD là một báo cáo mang đậm tư duy chủ quan của một vài người chứ không phải của cả ngành thể thao. Nếu đúng quy trình, Uỷ ban Olympic sẽ phải: xây dựng đề án, phản biện, lập hội đồng kiểm tra độc lập.
Như Hồng Kông, từ năm 2010, họ đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên đăng cai ASIAD vào năm 2023 hay không, với chi phí dự tính là 1,9 tỷ USD. Họ lập hẳn ra một trang web riêng để xin ý kiến để cho mọi người đều góp ý kiến một cách cụ thể.
Nếu như Uỷ ban Olympic thực hiện đúng quy trình, xin kiến phản biện kỹ lưỡng và lắng nghe những ý kiến đó thì có thể chúng ta đã tính được những cái khó hiện nay. Thật đáng tiếc vì tất cả những ý kiến phản biện nếu có lúc đó đều chỉ là thông qua báo chí và không chính thống nên Uỷ ban Olympic có thể để ngoài tai nếu muốn.
Lịch sử đã chứng minh chưa có một thành phố, quốc gia nào tiềm lực tài chính yếu lại đứng ra đăng cai tổ chức. Và phải thẳng thắn thừa nhận rằng khó mà kỳ vọng tìm được những nhà tài trợ đầu tư tiền vào ASIAD. Seagames 22, chúng ta chi khoảng 5.000 tỷ, nhưng chỉ nhận được tài trợ 70 tỷ, mà chủ yếu là hiện vật: nước uống, đồ ăn nhanh, in băng-rôn quảng cáo.
Ở Asia Indoor Gamess 2009 là khoảng 30 tỷ tài trợ. Khoản tiền thu được từ các đoàn thể thao tham gia ASIAD sắp tới vào là 30 USD/ ngày/ người. Với con số khoảng 10.000 VĐV, số tiền chúng ta thu hồi được là 6 triệu USD, ngoài ra sẽ có thêm tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình. Nhưng tiền bản quyền truyền hình và quảng cáo thường chỉ đáng kể với những giải đấu bóng đá lớn. Còn với ASIAD, chắc chắn chẳng đáng bao nhiêu. Số tiền chúng ta thu về sẽ như muốn bỏ bể với số tiền chúng ta bỏ ra đăng cai.
Để đẩy sự việc đi xa như vậy, theo ông, chúng ta cần hành xử thế nào?
Khi cần giải quyết một vấn đề với quá nhiều khó khăn như việc đăng cai ASIAD này, thì cách tạm dừng là cách ít khó khăn hơn cả. Nếu tiếp tục làm, khó khăn sẽ là vô kể.
Những người không làm thể thao chắc chắn sẽ nghiêng về phương án không tổ chức ASIAD nữa. Còn người gắn bó với thể thao như tôi sẽ đề nghị làm.
Có thể chị sẽ thấy như vậy là mâu thuẫn với những gì tôi vừa nói. Nhưng nhờ đó thể thao Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển. Thêm vào đó cũng sẽ rất khó để chúng ta đưa ra lý do bỏ quyền đăng cai ASIAD, khi mà chỉ mới 1 năm trước đó, chúng ta đã đồng ý nhận làm. Nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.
Phương án làm trong điều kiện cho phép mà vẫn đảm bảo yêu cầu của OCA là lý tưởng nhất, dù nó là một bài toàn rất khó, nhưng không phải không làm được. Tất nhiên, với điều kiện chúng ta phải minh bạch, kỹ lưỡng; và tất nhiên cũng không phải với 150 triệu USD mà chắc chắn phải là một số tiền lớn hơn.
Quyết định cuối cùng vẫn là ở Chính phủ và Quốc hội. Việc này còn chờ xem đề án mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đủ sức thuyết phục hay không.
Nói chung, nếu xét riêng về góc độ kinh tế, chúng ta nên thôi. Trong một gia đình kinh tế eo hẹp, việc nuôi các con ăn học còn phải tính toán chi ly, thì dĩ nhiên gia đình đó không thể xây nhà ngay được. Nếu thế chúng ta sẽ phải chấp nhận uy tín và danh dự của đất nước ít nhiều bị tổn hại.
Trong trường hợp chúng ta vẫn đăng cai ASIAD như dự kiến, thì có một băn khoăn đặt ra, đó là tuy Bộ VH-TT&DL khẳng định chắc chắn sẽ chỉ chi tiêu trong con số 150 triệu USD dự kiến ban đầu. Nhưng thực tế các nước khác tổ chức ASIAD đều vượt mấy lần kinh phí dự tính. Nếu chuyện tương tự diễn ra với chúng ta khi tổ chức ASIAD 18 thì sao?
Lúc đó sẽ phải có người đứng ra chịu trách nhiệm, từ người xin đăng cai đến người đứng ra xây dựng đề án và tổ chức thực hiện.
Tốt nhất chúng ta không nên để mọi chuyện đổ vỡ, mà hãy có một biện pháp kiểm soát tốt, quan trọng nhất là công khai, minh bạch cả quá trình nếu thực hiện đề án này. Bằng không thì chúng ta nên rút lui ngay từ lúc này.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: "Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa. Trình độ VĐV, HLV và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm". |
Lan Hương (thực hiện)