Những hành vi phạm tội rồi sẽ bị trừng trị thích đáng. Còn thể diện quốc gia thì lấy gì mà "bồi thường"?

Đã từ lâu, tiếp viên hàng không được xem là hình ảnh đại diện cho quốc gia và bóng dáng những nam thanh nữ tú sải bước trên phi trường nội địa hay quốc tế luôn là niềm ao ước của rất nhiều bạn trẻ. Khi hành khách chọn chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam, người mà họ tiếp xúc là tiếp viên. Phong thái, chất lượng phục vụ sẽ phản ánh  phần nào hình ảnh của người dân bản địa trước bạn bè quốc tế.

Vậy nhưng, hàng loạt câu chuyện xảy ra gần đây cho thấy hình ảnh "đại diện quốc gia" đang mai một dần.

{keywords}
Hình ảnh rất đẹp của các tiếp viên hàng không

Tận dụng lợi thế không phải soi chiếu hành lý, từ một nghề rất thanh cao, nhiều tiếp viên VNA đã tự biến mình thành con buôn, cửu vạn trên những cung đường buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ đồ ăn cắp...

Những vụ việc liên quan đến tiếp viên VNA được phát hiện cho thấy dường như tiếp viên chỉ là nghề phụ, đi buôn mới là nghề chính. Có những phi vụ với sự tham gia của cả một đường dây như năm 2011, hơn 30 tiếp viên VNA đã tham gia vận chuyển 980 thiết bị điện tử, tương đương hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 34.600 USD từ Australia vào TP.HCM.

Vừa rồi, chuyện tiếp viên VNA Nguyễn Bích Ngọc bị bắt ở Nhật Bản, với những lời khai được truyền thông trong nước trích dẫn như được một cơ phó gợi ý và cho phép, nhiều đồng nghiệp khác của cô cũng mang hàng xách tay từ Nhật về Việt Nam để có thêm thu nhập... không còn làm công luận ngạc nhiên nữa, mà chỉ như giọt nước làm tràn ly (nhưng có lẽ cái ly đó cũng đã tràn từ lâu rồi).

Thông thường, không nhiều thì ít, có lẽ ai cũng tồn tại trong mình một chút lòng tham. Lòng tham đó có thể được chế ngự bằng tự trọng, phẩm giá, bằng những quy định ngặt nghèo của pháp luật, song cũng có thể dễ dàng bùng phát khi nhận thấy mọi ràng buộc quá lỏng lẻo. So với thu nhập trung bình trong xã hội, lương của tiếp viên hàng không thuộc diện tương đối cao, lại được làm việc trong môi trường có nhiều cơ hội "tăng gia".

Nhưng buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ đồ ăn cắp... là đã đi quá xa của giới hạn "làm thêm". Đó không còn là "phi thương bất phú" nữa, đó là tội phạm.

Có điều gì khuất tất không khi mà từ năm 2002 đến nay, nhiều vụ việc liên quan đến tiếp viên VNA bị phát giác như vậy, nhưng rồi chẳng mấy người bị truy tố trước vành móng ngựa và thông tin để rộng đường công luận.

Con phố Nguyễn Sơn (Gia Lâm, Hà Nội), nơi có đại bản doanh VNA vẫn được nhắc tới là một địa điểm cung cấp hàng xách tay với đủ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mọi người đều biết đó là thiên đường trốn thuế và nguồn cung hàng chủ yếu là từ tiếp viên VNA. Ở đó chắc chắn cũng có công an khu vực, quản lý trị trường..., nhưng có lẽ chưa bao giờ và chưa một ai bị xử lý cả.

{keywords}

Nguyễn Sơn là con phố nổi tiếng về hàng xách tay. Ảnh: Bizlive.vn

Là người Việt Nam có tự trọng, chúng ta không khỏi cảm thấy đau lòng khi thông tin tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan... đã có những cảnh cáo bằng tiếng Anh hoặc tiếng bản địa và tiếng Việt về tình trạng ăn cắp, vứt rác bừa bãi, lãng phí, lấy dư đồ ăn...

Còn sự "rêu rao" nào đáng hổ thẹn hơn thế?

Có thể, những cá nhân nhỏ lẻ, tự do kia, họ tùy tiện hành động, tùy tiện tham lam, họ không nghĩ được mình đại diện cho ai và mình đang mang trọng trách gì khi đi ra thế giới.

Còn những tiếp viên của hãng hàng không quốc gia, được trả lương cao, được đào tạo cơ bản, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, luôn được hiểu và tự hiểu là những người mang trọng trách đại diện và quảng bá cho hình ảnh, văn hóa của Việt Nam.

Nhưng lên truyền thông quốc tế miễn phí bằng những cách "bất hảo" như thế này chắc chắn không phải là điều mà chúng ta mong muốn.

Ở nhiều nước, công dân được giáo dục về lòng tự tôn dân tộc từ bé. Còn Việt Nam, bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn cứ loay hoay đổi mới giáo dục, và trẻ em vẫn cứ miệt mài với vòng xoáy học chính và học thêm. Nhưng dường như chưa có lớp học, cấp học nào dạy về lòng tự tôn dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa này cả. Để rồi nhiều người sẵn sàng xem thể diện quốc gia nhỏ hơn lợi ích của bản thân mình.

Chẳng phải vô cớ mà đồng phục của nữ tiếp viên VNA là Áo dài và logo cùa hãng là biểu tượng Hoa sen. Bởi áo dài vẫn được mặc định là quốc phục của dân tộc, "thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó".

Còn "Hoa sen một hình tượng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc. Đó là những phẩm chất quý giá của Hoa sen và là lý do để Vietnam Airlines lựa chọn Hoa sen làm biểu tượng mới của mình. Màu vàng của Hoa sen tượng trưng cho chất lượng và sự hoàn hảo, sang trọng" (Theo Vietnamairlines.com).

Nhưng làm sao để gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn như Hoa sen có lẽ vẫn là một câu hỏi khó dành cho những người có trách nhiệm.

Những hành vi phạm tội rồi sẽ bị trừng trị thích đáng. Còn thể diện quốc gia thì lấy gì mà "bồi thường"?

Nga Lê

VNA đã từng chịu tai tiếng với rất nhiều vụ nhân viên của hãng tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu.

Gần nhất là vào rạng sáng 22.9.2013, trên chuyến bay VN106, một tiếp viên phó của VNA bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện, khi bay từ Paris (Pháp) về sân bay quốc tế Nội Bài. Người vi phạm là Bùi Ngọc Tuấn (sinh năm 1977), được tuyển dụng vào đoàn tiếp viên VNA từ năm 2005.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, VNA đã đình chỉ bay đối với Bùi Ngọc Tuấn để làm rõ vi phạm. Vụ việc đã được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ để điều tra và xử lý.

Năm 2011, tiếp viên VNA vận chuyển hàng điện tử và ngoại tệ số lượng lớn từ Úc vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) qua đường hàng không, với tổng số 980 thiết bị, tương đương 6,3 tỉ đồng và hơn 34,6 ngàn USD. Cơ quan điều tra đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu. Người mẫu Vĩnh Thụy cũng bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu này.

Vào tháng 6.2010, cơ quan chức năng Úc cũng bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ) của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad từ nước này về Việt Nam.

Năm 2009, cảnh sát Nhật Bản đã triệt phá một đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, sau đó có yêu cầu thẩm vấn một vài nhân viên phi hành đoàn của VNA bị tình nghi liên quan. Ông Đặng Xuân Hợp, cơ phó Boeing 777, đã bị tạm giữ ngay khi vừa đáp xuống sân bay Narita. Tuy nhiên sau thời gian xét xử, ông Hợp được đặc cách điều tra và trả tự do. Một năm sau, ông được bay trở lại và không loại trừ nhận công tác trên các đường bay đến Nhật Bản.

Tháng 10.2003, hai tiếp viên Phạm Thị V. và Nguyễn Thị Kim C. đã bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ gồm 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe. Tổng trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng.

Năm 2002, hải quan và công an phát hiện trong các xe chứa thức ăn thừa trên chuyến bay mang ký hiệu VN534 của VNA từ Dubai về Nội Bài giấu 397 chiếc điện thoại di động và gần 7kg vàng trang sức các loại. Hàng loạt tiếp viên dính líu đến vụ việc bị bắt giam, trong đó có cả tiếp viên trưởng lẫn tiếp viên phó. Tiền công mà tiếp viên nhận được khi tham gia là 10 USD/chiếc.

Cũng trong năm này, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã xử phạt tiếp viên Trần Hữu Quốc vì mang 6 điện thoại di động hiệu Nokia, 6 bộ sạc pin không khai báo hải quan, trên chuyến bay từ Đài Loan đến TP.HCM.

(Theo Một Thế giới)