Công việc của nhà báo không phải để chấp nhận rằng tất cả những điều lãnh đạo của họ nói đều là sự thật, hay đáng tôn trọng. Phải luôn đặt câu hỏi.

LTS: Năm 1969, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, nhà báo Seymour Hersh đã đưa ra ánh sáng vụ thảm sát ở Mỹ Lai (16/3/1968) vốn làm thay đổi dư luận Mỹ chống lại cuộc chiến Việt Nam. Seymour Hersh được trao giải Pulitzer cho loạt phóng sự này. Sau đó, ông về làm cho tờ The New York Times và dẫn đầu toán ký giả của báo này điều tra vụ Watergate vốn dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon.

Seymour Hersh cũng đã đưa ra ánh sáng nhiều chuyện khác: máy bay KAL 007 bị Liên Xô bắn rơi; Israel bí mật sản xuất vũ khí nguyên tử, thất bại của Hoa Kỳ trong việc săn tìm Osama bin Laden ở Afghanistan, cảnh lính Mỹ ngược đãi tù nhân trong nhà tù Abu Ghraib..

Trung thành với phương châm làm báo "thể hiện lòng trung thành của mình là đặt câu hỏi" Seymour Hersh luôn làm giới chức Mỹ đau đầu.

Công luận tôn vinh ông là "anh hùng trong giới báo chí", đồng nghiệp coi ông là "ông trùm phóng sự điều tra" là nhà báo tầm cỡ nhất thế giới, còn quan chức chính phủ Mỹ gọi ông là "kẻ khủng bố".

Tuần Việt Nam trao đổi cùng nhà báo Seymour Hersh.

{keywords}

Nhà báo Seymour Hersh. Ảnh: The Politic

Người luôn bị những bữa tiệc từ chối

Tính cả vụ Mỹ Lai, ông đã khiến Chính phủ Mỹ đau đầu khi lật tẩy nhiều vụ việc. Có khó khăn không khi chọn lựa trở thành một nhà báo chân chính, nhưng có thể nguy hiểm ở thế đối đầu với Chính quyền?

Đó là điều tôi tin tưởng về chức năng của báo chí, và của một nhà báo,  là để giữ được sự đứng đắn và trung thực ở mức độ cao nhất có thể cho những người trong cơ quan công quyền, và ràng buộc trách nhiệm của họ với những hành động mà họ đã làm; đặc biệt với những người có đủ quyền lực để yêu cầu những người đàn ông/đàn bà vào các cuộc chiến tranh.

Tất nhiên với tư cách một nhà báo tôi không đủ quyền lực để bắt buộc các nhân viên công quyền hành động đúng đắn, nhưng thực tế đôi khi những nhà báo có nhiều quyền lực hơn là chúng ta vẫn nghĩ, hoặc muốn. Chẳng hài hước khi bạn luôn là người không được mời đến các bữa tiệc, đến Nhà Trắng, chấp nhận thôi!

Nhiều câu hỏi từng được đặt ra: Tại sao những người lính Mỹ có thể làm những việc kinh khủng thế với những người phụ nữ và trẻ em vô tội ở Mỹ Lai. Đó không phải là cách con người nên đối xử với nhau. Ông có lời giải thích nào thuyết phục không?

Việc  những người đồng bào Mỹ của tôi đã làm là khủng khiếp, và tất cả họ đáng bị trừng phạt vì những hành động đó; nhưng đối tượng đáng trừng phạt nhất là những cấp trên của họ. Chúng ta đều biết rằng chiến tranh là địa ngục , và không có gì đáng sợ hơn việc một cậu bé 19 tuổi được đặt một khẩu súng trường vào tay, khi mà cậu ta không hề biết môi trường văn hóa ở nơi mà cậu ta bỗng nhiên bị ném vào.

Còn những người nắm chức quyền, là những người - về lý thuyết - là lớn tuổi và khôn ngoan hơn tiếp tục phải chịu trách nhiệm lớn lao về thất bại ở Việt Nam. Họ là những 'cha đẻ' của những vụ việc vô cùng tệ hại ở Mỹ Lai và nhiều nơi khác ở Việt Nam. Khi những người lính trẻ cưỡng hiếp, giết hại người dân Mỹ Lai đều dưới sự chấp thuận của những cấp trên trực tiếp - những người chẳng có bất kỳ hành động gì để ngăn chặn cuộc sát hại.

Điều xấu hổ của đất nước tôi là ông Tổng thống và ban bệ của ông ấy đã không đòi hỏi tất cả những sĩ quan trong vụ này phải bị truy tố, kể cả những cấp cao hơn, bao gồm cả Tổng thống Mỹ và những quan chức trong chính phủ của ông ấy vì đã không có những phản ứng thích hợp khi họ là người tiến hành chiến tranh, và là nguyên nhân của những cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.

Báo chí Việt Nam cho rằng: 'Cuộc thảm sát Mỹ Lai đã 'dội bom' công luận, làm thay đổi quan điểm thế giới về chiến tranh Việt Nam và kích hoạt phong trào phản chiến'. Điều này đúng không thưa ông? Trước khi vụ thảm sát bị đưa ra công luận, người Mỹ nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh Việt Nam?

Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không biết người Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến. Tôi chỉ biết rằng rất nhiều người phản đối cuộc chiến nhưng hai Tổng thống Johnson và Nixon vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh bằng mọi giá, cho đến khi phía quan điểm đối lập thắng.

Tôi đồng ý vụ thảm sát Mỹ Lai đã làm cho người Mỹ căm ghét chiến tranh, nhưng tôi nghĩ thời điểm quan trọng nhất là khi Calley (William Calley - viên sĩ quan trực tiếp chỉ huy trung đội thực hiện vụ thảm sát Mỹ Lai - PV) và những đồng đội của anh ta bị tòa án buộc tội giết người hàng loạt.

Sau đó, dù rất khó khăn cho Tổng thống Nixon tiếp tục cuộc chiến, nhưng ông ta vẫn làm.  Đó là một thất bại lớn của nền dân chủ.

Ông có thể nói điều gì về William Calley. Cảm giác của ông thế nào khi phỏng vấn ông ta lần đầu tiên? Sự kiện Mỹ Lai đã tác động đến cuộc đời William Calley và những lính Mỹ  tham gia vụ thảm sát như thế nào?

Điều đầu tiên tôi nghĩ là William Calley không nên là một sĩ quan quân đội, không nên phải lãnh đạo người khác trong một tình huống sống chết. Nhưng ông ta đã là một trong những sĩ quan quân đội trong chiến tranh và đã hành động thật nhục nhã.

Thật kinh khủng, những điều này lại xảy ra khá thường xuyên trong tất cả các cuộc chiến tranh. Những người đàn ông/đàn bà được đào tạo sơ sài và thực hiện máy móc mệnh lệnh cấp trên. Chiến tranh thường là bi kịch hơn là chủ nghĩa anh hùng hay những tung hô cao quý.

Tất nhiên thi thoảng nó cũng mang những điều tốt cho nhân loại, khi những người lính hy sinh bản thân họ cho những người khác, cho những lý tưởng cao quý;  nhưng đáng tiếc là chiến tranh thường là dấu hiệu của sự yếu đuối và thất bại của lãnh đạo.

{keywords}
Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thám sát Mỹ Lai tai khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: VOV

Làm báo không phải để chấp nhận mọi điều sếp nói đều thật

"Cách tôi thể hiện lòng trung thành của mình là đặt câu hỏi, chứ không phải chấp nhận bất kỳ điều gì liên quan đến sự trung thành. Nếu chúng ta không làm điều đó thì có nghĩa chúng ta quên lời hứa trung thành. Do vậy, chịu đựng mà không phản đối những gì thấp kém hơn, ngay cả khi nhân danh an ninh quốc gia, là điều sai trái". Khi nhắc tên ông, người ta cũng thường nhắc đến quan điểm làm báo này, ông đã bao giờ rơi vào thế phải đi ngược lại chuẩn mực nghề nghiệp của mình?

Tôi mong rằng tôi không bao giờ đi chệch niềm tin đó. Công việc của nhà báo không phải để chấp nhận rằng tất cả những điều lãnh đạo của họ nói đều là sự thật, hay đáng tôn trọng; mà phải luôn đặt câu hỏi.

Tôi hiểu rằng tôi sống trong chế độ dân chủ nơi những ý kiến như của tôi có giá trị và được tôn trọng. Tôi cũng hiểu rằng ở một số quốc gia khác những ý kiến như vậy là không thể và nguy hiểm, nhưng chúng ta nên luôn nghĩ rằng một thế giới hoàn hảo nên tồn tại.

Mỹ được coi là 'ông lớn' trên thế giới. Các nước nhỏ và những khu vực không ổn định luôn mong Mỹ giúp đỡ gìn giữ hòa bình và sự ổn định. Tuy nhiên, nhiều người vô tội chết trên các con đường có dấu chân lính Mỹ, ở Việt Nam, Irag, Afghanistan.. Ông nghĩ sao?

Đất nước tôi đã phạm sai lầm khủng khiếp sau Thế chiến 2, vốn được coi là cuộc chiến tranh chính nghĩa, hay là cuộc chiến chính nghĩa cuối cùng. Chúng tôi đã sai khi tấn công Irag, Afghanistan, Libya...

Bạn không thể chống lại một cuộc thánh chiến được phát động cùng súng đạn. Bạn phải cố hiệu tại sao những ý tưởng điên rồ tồn tại và được phổ biến. Đáng buồn nhất là suy nghĩ rằng những người không theo hoặc chia sẻ niềm tin hay tập quán tôn giáo với bạn là kém cỏi hơn, muốn là có thể trừng phạt hoặc tiêu diệt họ. Nhưng chúng ta sống trong thế giới mà sự điên cuồng đó dường như đang được lan tỏa, có thể nhìn thấy điều này ở những chiến binh ở Syria, thậm chí ở ngay vài đơn vị quân đội Syria.

Tôi tin rằng đó là hậu quả của thất nghiệp, tuyệt vọng, mất phương hướng; và Al qaeda đã tận dụng điều này để chiêu dụ họ làm chiến binh.

Công luận gọi ông " anh hùng"; Richard Perle (*)  gọi ông "kẻ khủng bố", ông gọi bản thân là gì?

Bạn biết câu trả lời của tôi. Tôi chỉ làm công việc của mình. Tôi nghĩ tất cả các nhà báo đều dành trọn sự nghiệp của mình để chinh phục lý tưởng của họ.

*Bài phóng sự ngày 17.3.2003 của Hersh lật tẩy những quan hệ làm ăn của Richard Perle, chủ tịch Ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, với quỹ tư nhân quản lý đầu tư của Saudi Arabia trong các công ty an ninh, và một công ty Anh chuyên bán phần mềm theo dõi cho FBI và CIA, đã khiến Perle phải mau chóng từ chức.

Hoàng Hường (thực hiện)

Mời độc giả đọc loạt bài về vụ thảm sát Mỹ Lai được thực hiện năm 2011, nhân dịp người chụp những bức ảnh khủng khiếp về vụ thảm sát - cùng loạt phóng sự của Seymour Hersh - nhiếp ảnh gia Ron Haeberle về thăm lại hiện trường xưa.

Kỳ 1: Thảm sát Mỹ Lai: nhìn lại ký ức kinh hoàng

Kỳ 2: Buổi sáng định mệnh qua hồi ức Ron Haeberle

Kỳ 3: Sát nhân, anh hùng Mỹ và những người sống sót

Kỳ 4: 'Người chết sống lại' và cuộc hội ngộ đẫm nước mắt

Kỳ 5: Mỹ Lai: Từ bức ảnh tranh cãi đến... hành hung nhà báo

Kỳ 6: Ron Haeberle và người dân Sơn Mỹ 'phán quyết' về bức ảnh