Ở đây cả nước và muối đều quý. Có người kể với tôi rằng, ngày xưa một cân muối tương đương với một cân vàng ròng.

LTS: Bài viết dưới đây của tác giả Khắc Giang kể lại những trải nghiệm trên cuộc hành trình qua sa mạc Sahara cát cháy.

"Thượng đế đưa những người Ngài yêu quý đến sa mạc. Đó là sự cứu rỗi cho những tâm hồn lưu lạc, mong mỏi tìm kiếm vườn Địa đàng mới..." ( Paul E. Miller).

Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, trải dài qua lãnh thổ của 11 quốc gia vùng Bắc Phi. Nằm ở phía Tây nam Ma-rốc, Sahara cách tương đối xa khu phía Bắc phồn thịnh.

"Trước đây chẳng ai để ý đến vùng đất cằn cỗi này, chỉ khi nhiều khách du lịch đến thì cuộc sống mới thay da đổi thịt được một chút," Anh tài xế Mohamed nói với tôi.

Chặng đường từ Marrakech tới Merzouga, thành phố ngoại biên của Sahara, đi gần hết một nửa phía nam của Ma-rốc. Xe phải vượt qua Atlas, dãy núi huyền thoại và là một trong những điểm hiếm hoi có tuyết phủ trắng của châu Phi, rồi đi xuyên một vùng bình nguyên cằn cỗi, thi thoảng được điểm xuyết bởi một vài ốc đảo nhỏ.

{keywords} 

Phong cảnh thay đổi từ những đồng ruộng phì nhiêu, đèo cao phủ tuyết, rồi xuống đến nơi hoang mạc khô khan không có chút bóng râm nào. Sự hiện diện của con người vì thế cũng thưa thớt dần.

Trên đường đi, chúng tôi có ghé qua làng Aït Benhaddou, nơi từng là điểm dừng chân của những lữ hành phương Nam đi lên phương Bắc. Aït Benhaddou  nằm trong một ốc đảo, bên cạnh dòng suối nhỏ. Bao bọc xung quanh là những vùng đồi trọc cằn cỗi trải dài cho đến tận chân núi Atlas.

Ngôi làng xinh xắn này từng có vài trăm hộ gia đình, bây giờ chỉ còn hơn chục hộ. Một nửa dân làng trước đây là người Do Thái, sống rất hòa bình với những người láng giềng Hồi giáo. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, họ chuyển về Israel định cư, để lại tòa điện thờ Do Thái bỏ hoang.

"Không có lữ hành nữa, nước thì thiếu hơn, nên những ai ở lại chỉ có bán đồ thủ công cho khách du lịch," một người dân địa phương nói với tôi khi đang mải miết vẽ tranh dưới trời nắng gắt.

{keywords} 

Ở đây cả nước và muối đều quý. Có người kể với tôi rằng, ngày xưa những kẻ lữ hành đổi một cân muối lấy được một cân vàng ròng. Đứng trên điểm cao nhất của ốc đảo nhìn xuống xung quanh, mới hiểu được hết cuộc sống khắc nghiệt nơi đây.

Toàn bộ dân làng là người Hồi giáo. Bởi cuộc chiến với thiên nhiên quá không cân sức, người ta cần tìm đến sự trợ giúp từ thánh Allah chăng?

Kho báu từ sa mạc

Nhắc đến Sahara, chúng ta thường liên tưởng đến những đụn cát dài bất tận. Nhưng có lẽ cái tên sa mạc (bãi cát) dễ gây ra hiểu nhầm. Vùng đất này không chỉ có cát, mà còn cả những dải đất khô cằn cỗi kéo dài đến sốt ruột, khi chiếc xe khách đi sâu vào trong Sahara không thấy điểm dừng.

Nhưng phía dưới sự cằn cỗi đó là kho báu thực sự: nhiều loại quặng quý, khoáng chất với trữ lượng khổng lồ được phát hiện ở Sahara. Mỏ phốt-pho ở Tây Sahara chiếm 10% trữ lượng xuất khẩu của Ma-rốc.

{keywords} 

Milton Friedman, một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, từng nói vui rằng nếu đặt chính phủ ở giữa sa mạc Sahara, trong vòng năm năm sa mạc sẽ thiếu cát. Và chính ra cát cũng đẻ ra tiền: hàng năm Ma-rốc xuất khẩu tới gần một triệu tấn cát ra nước ngoài, chủ yếu cho các hòn đảo dành cho nhà giàu như Hoàng Yến (Canary Island) ở Tây Ban Nha.

Thế nên Sahara không hẳn là vùng "chó ăn đá, gà ăn sỏi," mà là miếng bánh màu mỡ bị nhiều thế lực tranh giành. Vùng Tây Sahara trước kia là một nước độc lập. Quân đội hoàng gia Ma-rốc xâm lược và sát nhập Tây Sahara vào năm 1975, động thái khiến cho Liên minh Châu Phi (AU), vẫn đang tẩy chay quốc gia này.

Hiện giờ, phong trào đòi tự chủ của Tây Sahara vẫn đang diễn ra. Trên đường đến sa mạc, thi thoảng lại xuất hiện dòng chữ xếp bằng đá trên triền đồi bằng tiếng Ả rập, viết "Sahara của chúng ta!"

{keywords} 

Xe khách đến bến vào lúc xế chiều, vẫn kịp để tôi cưỡi lạc đà đi qua những bãi cát dài trong hoàng hôn, tới trại lữ hành nằm phía sâu bên trong Erg Chebbi, một trong hai đụn cát lớn nhất của Ma-rốc (Erg theo tiếng Ả rập là biển cát).

Đó là một trải nghiệm thú vị, tuy đối với người Việt có lẽ cưỡi trâu sẽ thoải mái hơn loài vật hơi quá khổ và lại gầy như lạc đà. Và đi trên cát là một cuộc tra tấn thể lực thực sự, bởi như Cao Bá Quát từng than vãn, "đi một bước như lùi một bước."

Đêm Sahara

Sau một bữa tối đơn giản kiểu du mục, chúng tôi đốt lửa trại và reo hò cùng nhịp trống và lời ca của người Berber. Lửa tàn, âm thanh tắt dần, chúng tôi không ai bảo ai cùng im lặng để lắng nghe tiếng thở của thiên nhiên.

{keywords} 

Đêm sa mạc yên tĩnh đến kì lạ. Ở đây không hề có sóng điện thoại, không có internet, không có tiếng ồn ào của xe cộ, con người như được trả về tự nhiên với những gì hoang sơ nhất vốn có. Chỉ có bóng những đụn cát trải dài dưới ánh sáng mờ ảo của trăng sao.

Trời càng về khuya càng lạnh, nhưng tôi và một số người bạn vẫn quyết định ôm chăn nằm ngủ dưới "màn trời chiếu đất." Chúng tôi hầu như suốt đêm không ngủ, tròn mắt nhìn hết góc này góc kia của bầu trời đầy sao quyến rũ đến lạ lùng.

{keywords} 

Muốn hiểu thêm về sự sống thì hãy đến sa mạc. Chỉ ở đây mới cảm nhận được hết giá trị của màu xanh và của nước, những thứ cuộc sống thị thành bận rộn làm cho loài người quên mất. Tôi bị ám ảnh bởi những cây cầu bắc qua các dòng sông không có lấy một giọt nước.

Con người cũng sẽ hiểu hơn sức mạnh khủng khiếp của thời gian và sự đổi thay. Hơn chục nghìn năm về trước, sa mạc lớn nhất thế giới này từng là một khu rừng nhiệt đới.

{keywords} 

Nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, tác giả của cuốn "Hoàng tử bé," nói rằng ông rất thích sa mạc. Bởi nơi đó ông có thể ngồi trên những đụn cát dài với khoảng không bất tận, không nhìn và không nghe thấy gì cả. Nhưng chính từ sự im lặng đó, một điều khác lạ sẽ trỗi dậy và đập rộn ràng trong trái tim của ông. Không một ai bước ra khỏi Sahara mà vẫn là một người như cũ.

Khắc Giang (bài và ảnh)

*Cập nhật lần cuối lúc 11h, 15/04/2014.