Việt Nam chiếm 60% sản lượng hồ tiêu trên thế giới nhưng không hề chủ động được giá mà để cho Singapore thao túng, điều khiển.

"Nắm người có tóc"

Lâu nay các doanh nghiệp thường phàn nàn là nông dân hay "bội tín", "phản kèo" nên không thể liên kết được?

Trong nền sản xuất hàng hóa lớn, một ông nông dân có 10 - 15 ha đất dứt khoát sẽ không dám bẻ kèo, "bội tín" như ông chỉ có vài công đất. Giả sử có ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, nhận giống và vật tư rồi không bán sản phẩm, không lẽ doanh nghiệp đi kiện ông nông dân chỉ có vài công ruộng à? Còn ông nông dân có 10 - 15 ha nếu "bội tín" với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, vụ sau không mua nữa thì thiệt hại sẽ rất là lớn. Phải "nắm người có tóc". Kinh nghiệm này ở Công ty bảo vệ thực vật An Giang áp dụng, họ chỉ ký hợp đồng sản xuất với những hộ nông dân có ít nhất 3 ha đất trở lên,

Trở lại câu chuyện "dưa hấu Tân Thanh", nếu chúng ta có doanh nghiệp lớn thì sẽ không có tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu như vậy. Ta chẳng có ai có kinh nghiệm buôn bán chính ngạch với Trung Quốc, chẳng ai nghiên cứu thị trường, mùa vụ của Trung Quốc. Ở Vân Nam và Quảng Đông họ cũng trồng được dưa hấu. Muốn tiêu thụ được phải đưa vào sâu nội địa, lên vùng phía Bắc và tránh thời điểm thu hoạch của họ. Ai làm việc này?

Cũng giống Việt Nam chiếm 60% sản lượng hồ tiêu trên thế giới nhưng không hề chủ động được giá mà để cho Singapore thao túng, điều khiển.

{keywords}

Lao động nông nghiệp chiếm tới 58 - 60% và 70% dân cư Việt Nam sống bằng nông nghiệp.

Thưa ông, xây dựng nền sản xuất mới từ nông dân lớn và doanh nghiệp lớn ắt sẽ có nhiều nông dân dôi dư ra từ quá trình tích tụ ruộng đất. Vậy họ sẽ ở đâu sau khi tổ chức lại nền sản xuất mới?

Lâu nay nhiều ông cứ vin vào đấy để ngăn cản hoặc không cho tích tụ ruộng đất, "đất không đẻ ra mà người thì ngày càng nhiều". Như vậy là ngăn cản quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp kéo dài.

Chúng ta phải tạo ra các trung tâm công nghiệp và đô thị rải ra ở các vùng sinh thái để thu hút lao động, tạo ra dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân chứ không phải tạo ra các siêu đô thị như hiện nay.

Không có nước nào mà tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới 58 - 60% lực lượng lao động xã hội và 70% dân cư sống bằng nông nghiệp mà có thể gọi là nước công nghiệp được.

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, vừa giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp, vừa gia tăng khả năng thu hút lao động dôi dư để phát triển kinh tế nông thôn.

Đô thị hóa nông thôn tạo ra những đô thị nhỏ rộng khắp các vùng nông nghiệp trong cả nước, tạo ra các cơ sở kinh tế. Nhờ đó, hạn chế tối đa quá trình tự phát tạo ra các siêu đô thị lớn với đầy rẫy những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

Sai lầm của chúng ta lâu nay là chạy đua xây dựng các khu công nghiệp chỉ có các nhà máy mà không hề có khu dân cư. Người ta đến đó làm vì nghèo đói ở quê nhà, sống trong những khu ổ chuột, cuộc sống tạm bợ. Con cái đẻ ra không nuôi nổi phải gởi về quê, hoặc cho đi. Như vậy không tạo ra kết cấu kinh tế - xã hội và gia đình vững chắc. Khi gặp sự cố như khủng hoảng, doanh nghiệp đóng cửa thì lại chạy về nông thôn như là nơi trú ẩn dù biết là đói nghèo.

Đó là sai lầm về chiến lược phát triển nói chung.

Xây dựng nền sản xuất mới, như ông nói, là xây dựng được nông dân lớn, doanh nghiệp lớn và Nhà nước. Ngoài phát triển và kiến tạo, Nhà nước còn những trách nhiệm nào nữa?

Nhà nước cần phải xây dựng chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, trên từng tiểu vùng nông nghiệp, vùng sinh thái căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa trên so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia và của từng vùng, không theo đơn vị hành chính.

Trên cơ sở đó xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng từ thủy lợi, giao thông, kho tàng, bến cảng, các cơ sở hậu cần...trên phạm vi cả nước; xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu đô thị nhỏ ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái; thiết lập chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

{keywords}
PGS. TS. Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến

 

Xóa bỏ mô hình Tổng công ty lương thực?

Ông đã xác định từ đầu là "xây dựng lại" chứ không phải "tái cấu trúc", có nghĩa là phải thiết lập các yêu tố mới. Vậy các yếu tố cũ đang tồn tại cần xử lý ra sao?

Cần phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh không theo luật doanh nghiệp hiện nay như Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong đó tổng công ty hay các thành viên, tổ chức nào cũng có đầy đủ quyền tự do kinh doanh.

Mặt khác,  cần xóa bỏ các hình thức có tên gọi bất thường như công ty cổ phần (hay trách nhiệm hữu hạn một thành viên) – tổng công ty X” (Ví dụ như công ty cổ phần – tổng công ty xây dựng thủy lợi 4), hoặc công ty cổ phần (hay trách nhiệm hữu hạn) một thành viên – tập đoàn (ví dụ như công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên – Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Tập đoàn là một thực thể kinh tế không có tư cách pháp nhân nhưng lại tồn tại với tư cách là cấp trên của các doanh nghiệp thành viên, do vậy cũng cần xóa bỏ đi.

Hệ thống các loại hiệp hội doanh nghiệp đang tồn tại như cách tay nối dài của các cơ quan quản lý Nhà nước như hiệp hội lương thực Việt Nam, VFA cần phải xóa bỏ sớm. Chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển của Nhà nước chỉ theo ngành hàng và vùng sinh thái chứ tuyệt đối không theo chủ thể kinh doanh.

Các tổ chức kinh doanh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, hợp tác xã và trang trại đều phải bình đẳng trong kinh doanh, cùng hưởng các ưu đãi của Nhà nước nếu cùng ngành hàng trong cùng một vùng nông nghiệp sinh thái... Nhà nước cần tạo ra khung pháp lý đảm bảo cho việc cạnh tranh lành mạnh.

Để làm được những điều ông vừa nói phải cần một bộ máy năng động. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề nhân sự thế nào, thưa ông?

Những chuyện xảy ra như thời gian vừa qua thật đáng tiếc. Dưa hấu nông dân làm ra phải đổ bỏ ê hề mà cho rằng tại "trúng mùa" thì chết người ta. Nhưng điều này cũng có lý do.

Ông Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã nói một câu rất hay. Tôi cho rằng hay nhất trong cuộc đời làm Bộ trưởng của ông ấy là "bằng giả chỉ có thể chui vào cơ quan Nhà nước"! Có một tình trạng mà không chỉ riêng ở Bộ NN - PTNT mà có tất tần tật ở các cơ quan công quyền là những người khả năng kém chui vào.

Những người có năng lực thì thứ nhất là thành lập doanh nghiệp riêng; Thứ hai, đi làm cho nước ngoài. Thứ ba, làm thuê cho DN trong nước; cuối cùng để chui vào bộ máy nhà nước thì phải hối lộ nên họ phải tìm cách "thu hồi vốn", trở thành quan tham. Làm sao họ lo cho những điều chúng ta đang bàn với nhau?

Với bộ máy quan liêu như vậy, cùng chế độ tiền lương như hiện nay và cơ chế tuyển dụng như thế thì khó có người giỏi vào.

Nói chung, bộ máy công quyền đang rất cần phải "xem lại".

Xin cảm ơn ông!

Vài nét về PGS.TS.Vũ Trọng Khải

-          Sinh tháng 4/1945, là con út của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta, người đã sát cánh với bác Hồ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Vũ Trọng Khánh

-          Tốt nghiệp Đại học kinh tế kế hoạch khóa 1963 - 1967, khoa kinh tế nông nghiệp  (Nay là Đại học kinh tế quốc dân)

-          1967 - 1982: Cán bộ nghiên cứu chính sách của Bộ NN

-          1982 - 2006: Giảng dạy và làm Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT2 tại TP.HCM

Duy Chiến (thực hiện)