Đó là chuyện tham nhũng, đút lót của khu vực công. Còn khu vực tư thì sao khi mà cả hai cùng ở trong một cơ chế kinh tế còn không ít khuyết tật, một môi trường kinh doanh lắm ngõ ngách...

Hồi trung tuần tháng 3, trong một hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành do Bộ Tư pháp tổ chức nhằm tổng kết 12 năm thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh mới như tội thông đồng trong đấu thầu, trục lợi bảo hiểm, biển thủ tài sản trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài... được bàn đến như động thái chuẩn bị cho việc sửa đổi bộ luật này.

Đây là những nội dung thuộc phạm trù "làm giàu bất hợp pháp" đã được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, trong đó Việt Nam là một thành viên.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trong phần thảo luận, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng "hiện nay luật pháp của chúng ta chưa làm rõ thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp thì làm sao xử lý tội danh này". Sự mù mờ như vậy dường như bàng bạc trong nhiều tội danh, tương tự như có thời các nhà làm luật đã bàn nhiều đến khái niệm "quà biếu vượt mức tình cảm" nhưng cũng không nghĩ ra được thế nào là vượt mức, bởi tình cảm là thứ... phi vật chất, làm sao mà cân đo đong đếm.

Chưa đầy một tuần lễ sau ngày hội nghị trực tuyến của các quan chức ngành tư pháp thì xuất hiện thông tin về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thừa nhận đã hối lộ 80 triệu yen cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được trúng thầu một dự án ở Hà Nội. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  (GTVT) Đinh La Thăng cho biết: "Sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai".

Đừng tưởng nhóm lợi ích chỉ có trong khu vực công, các nhóm này trong các doanh nghiệp tư nhân nhiều lúc có những quyết định rất táo bạo khi giao công trình cho những công ty vệ tinh của họ.

Tiếp đó, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt Nguyễn Văn Hiếu bị tạm ngưng chức 15 ngày để xác minh. Nhưng ông Hiếu cam đoan "không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào của JTC". Còn cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, người khi ấy đặc trách quản lý ngành đường sắt, thì giật mình nói: "Không biết bọn này đi đêm với nhau lúc nào".

Đúng là luật lệ chúng ta có không ít điểm mù mờ.

Nhưng đó là chuyện tham nhũng, đút lót của khu vực công. Còn khu vực tư thì sao khi mà cả hai cùng ở trong một cơ chế kinh tế còn không ít khuyết tật, một môi trường kinh doanh lắm ngõ ngách mà luật pháp chưa tiếp cận được và nhất là cùng bơi trong một dòng chảy đút lót và tham nhũng thuộc loại có tầm cỡ?

T.A.N, giám đốc một công ty tư nhân làm dịch vụ giám định ngành xây dựng, nói rằng anh đã nhiều lần nhận được những hợp đồng rất hời và sau đó được yêu cầu lại quả cho lãnh đạo của một số công ty cổ phần, nói chính xác là cho một nhóm lợi ích nào đó trong công ty này. Đừng tưởng nhóm lợi ích chỉ có trong khu vực công, các nhóm này trong các doanh nghiệp tư nhân nhiều lúc có những quyết định rất táo bạo khi giao công trình cho những công ty vệ tinh của họ. Để rồi những khoản tiền thối lại sẽ vào túi một nhóm người không chỉ làm đội giá thành của công trình, làm mất lợi thế cạnh tranh mà còn gây thiệt thòi cho những cổ đông đã tin cậy giao quyền hành cho họ.

Cứ xem câu chuyện sau đây là một giả định vào thời điểm bốn năm về trước. Ông chủ một ngân hàng cho công ty bất động sản người nhà đi mua một miếng đất giá thật chỉ 2 triệu đồng/mét vuông. Công ty đem hồ sơ đến ngân hàng xin vay, do được chỉ đạo từ trên kèm theo vài chứng từ, miếng đất ấy được định giá 4 triệu đồng/mét vuông. Ngân hàng cho vay 70% trị giá tức 2,8 triệu đồng, thế là công ty bất động sản ấy đã kiếm được 800.000 đồng trên mỗi mét vuông đất. Giá đất tiếp tục lên nhanh thì không sao, nhưng nếu tình hình địa ốc diễn ra như những năm gần đây thì nguy to, công ty người nhà ông chủ đã ôm được một khoản tiền đáng kể nhưng ngân hàng thu nợ cách nào đây và thiệt hại cho cổ đông và nền kinh tế thì không lường được.

Nhiều công ty cổ phần hiện nay tổ chức nhiều công ty con như sân sau của một số người có quyền chi phối để nhận thực hiện các hợp đồng phụ và họ thường thò tay xuống để kiếm ăn.

Thực tế cho thấy những thủ thuật tung hứng đồng tiền như vậy không xảy ra ở các doanh nghiệp gia đình hoặc các công ty cổ phần ít cổ đông nơi đồng tiền nối liền khúc ruột của người chủ và việc kiểm soát dòng tiền dễ dàng nhờ quy mô kinh doanh nhỏ.

Suy cho cùng thì đây cũng là chuyện "lợi riêng, ích chung". Đành rằng trong kinh doanh không có lợi riêng thì khó có động lực, nhưng lợi riêng và ích chung phải luôn được cân bằng hợp lý và minh bạch. Ích chung sẽ bị " khấu hao" bởi lợi riêng nếu không được kiểm soát.

Cứ như thế này thì môi trường kinh doanh sẽ ngày càng vẩn đục, khu vực tư doanh đang cần một sự minh bạch để làm ăn hiệu quả và trưởng thành lại đang đi vào vết xe của khu vực quốc doanh.

Gia Minh (theo TBKTSG)