Liệu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel có thể rút ra những bài học nào trong việc ứng phó TQ sau khủng hoảng Ukraina?

>> Rủi ro của Putin tại Đông Ukraina gấp bội Crưm

>> Vũ khí Trung Quốc "nhiễu loạn" khu vực Đông Nam Á

>> Crưm và một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác

Liêu Ninh, tàu sân bay mới của Trung Quốc, có thể tự hào vì vị thế của nó trong hạm đội đang phát triển của nước này. Nhưng nói cho cùng, nó chỉ là con tàu từng thuộc về Ukraina, được TQ tân trang lại.

Trước khi trở thành vị khách nước ngoài đầu tiên thăm Liêu Ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Chuck Hagel - đã tận dụng chuyến thăm châu Á mới đây để rút ra mối liên hệ rộng hơn rất nhiều giữa Crưm và tham vọng hàng hải của Trung Quốc.

"Anh không thể đi vòng quanh rồi vẽ lại các đường biên giới, xâm phạm sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia bằng vũ lực, cưỡng ép và hăm dọa - bất kể đó là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay những quốc gia lớn ở châu Âu. Vì vậy, tôi muốn nói chuyện với những người bạn Trung Quốc của chúng ta về điều đó," Hagel phát biểu ở Tokyo.

Tác động của cuộc khủng hoảng Ukraina được cảm nhận rất rõ ở bên ngoài châu Âu. Một trong những tác dụng phụ quan trọng nhất sẽ là những bài học mà Trung Quốc rút ra được, dù đó có là kết luận: có thể dễ dàng gạt nguyên trạng ở châu Á sang một bên mà không để lại hệ quả gì.

Châu Á hiện có sự kết hợp của mạng lưới sản xuất tinh vi nhất của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 và những dấu hiệu mạnh mẽ của giai đoạn cuối thế kỷ 19: chủ nghĩa dân tộc dâng cao, hải quân phát triển và những tranh chấp lãnh thổ có hại.

{keywords}

Chuck Hagel là vị khách nước ngoài đầu tiên thăm Liêu Ninh. Ảnh: Sina

Trên khắp khu vực dấy lên mối lo ngại rằng hành động mới nhất của Nga ở Crưm - vẽ lại đường biên giới - sẽ khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các hòn đảo. Và một tuần công du châu Á của Bộ trưởng Hagel là để trấn an nỗi lo sợ này.

Ở mức độ nào đó, có vẻ gượng ép khi vạch ra mối liên hệ quá gần gũi giữa Ukraina và các tranh chấp vùng ở châu Á. Crưm ở trong những hoàn cảnh độc nhất, cho một nhà lãnh đạo cơ hội có thể mặc sức khai thác. Với căn cứ hải quân ở Sevastopol, Nga đã đặt sẵn các lực lượng ở Crưm. Và sự bất ổn định chính trị ở Kiev cũng như sự ủng hộ của người Crưm (bất kể người ta nghĩ gì về cuộc trưng cầu dân ý, thì đó vẫn là một thực tế) đã giúp Tổng thống Nga Putin rộng tay hành động.

Quan trọng hơn là, vị trí địa lý của Crưm cho thấy cả Mỹ và châu Âu đều không thể triển khai giải pháp quân sự thực tiễn nào khi Nga hành động. Tình hình ở khu vực biển Thái Bình Dương lại khác. Nếu Trung Quốc cố lấy đảo Senkaku/Điếu Ngư, nước này sẽ gặp phản ứng cứng rắn từ phía Nhật Bản, và có thể là từ cả Mỹ. Mỹ không có quan hệ đồng minh với Ukraina, nhưng có quan hệ đồng minh với Nhật, Hàn Quốc và Philippines.

Tuy vậy, trong mắt của nhiều nước láng giềng, Trung Quốc đã tiến hành những cuộc xâm chiếm nhỏ ở các vùng biển của khu vực trong suốt nhiều năm, cứ mỗi năm lại lấn dần một chút. Năm 2012, sau một cuộc đụng độ với Philippines, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, một quần thể đá ngầm và đảo ở biển Đông. Gần đây hơn, tàu Trung Quốc cũng cố tìm cách đẩy tàu Philippines ra khỏi khu vực bãi Cỏ Mây.

Ở cả châu Á và châu Âu, Mỹ đều phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: sau rốt, Mỹ không quan tâm đến kết quả nhiều như cả Nga và Trung Quốc, những bên có phần đặt cược lớn hơn. Tái tuyên bố lãnh thổ "đã mất" là một lời hiệu triệu dân tộc cực kỳ hiệu nghiệm, nhưng bảo vệ quy tắc quốc tế thì không.

Với thực tế này, Mỹ có thể rút ra cho mình một số bài học từ biến cố Ukraina để đối phó với tình hình ở châu Á. Đầu tiên là nương theo tình hình khu vực. Nhiều nhà phê bình đã cho rằng chính vì chính quyền Mỹ không để ý đến châu Âu, mà Tổng thống Putin được chắp thêm cánh. Cuộc khủng hoảng ở Ukraina quả thật là một trường hợp đáng nghiên cứu đối với "cột trụ" châu Á - cái ý tưởng có thể làm nản lòng đối phương bằng cách duy trì sự hiện diện quân sự vững mạnh, thúc đẩy quan hệ liên minh và tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, đồng thời cố gắng xây dựng quan hệ hòa hợp với Trung Quốc. Sửa chữa sai lầm ở một khu vực trọng yếu không phải là lý do để mắc cùng sai lầm đó ở một khu vực khác.

Tuy nhiên, khủng hoảng Crưm cũng cho thấy tầm quan trọng của việc chọn đúng cuộc chiến. Đó là việc cần làm để bảo vệ các liên minh truyền thống. Song, cũng như phương Tây không quá bất ngờ trước việc Nga sợ mất ảnh hưởng ở Ukraina, Mỹ cần có những bước đi cẩn trọng khi thúc đẩy mối quan hệ với các nước "nhạy cảm" trong khu vực nếu không muốn kích động Trung Quốc.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng Ukraina là một cú đánh thức tỉnh trước thực tế mới, khắc nghiệt hơn của môi trường chính trị quốc tế. John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, thường đả kích "hành vi như quay lại thế kỷ 19" của Nga ở Ukraina. Tuy nhiên, trong một thế giới của những cường quốc lớn, nhiều tham vọng như Trung Quốc và các "cường quốc khu vực" đáng thất vọng như Nga, quan hệ kinh tế và luật pháp quốc tế có thể là không đủ để ngăn chặn một chủ nghĩa xét lại gây rối loạn. Như ta đã thấy, toàn cầu hóa đã không kìm cương được Nga.

Hà Trang (theo FT)