Nghi án tham nhũng do Nhật Bản phát hiện dự án đường sắt ở công ty tư vấn JTC một lần nữa làm dấy lên sự quan tâm của công luận về những yêu cầu cấp bách đổi mới từ thể chế, bộ máy thực hiện ODA, thay đổi tư duy về ODA và ngăn chặn lạm dụng ODA cho lợi ích nhóm bất chính.

Từ năm 1993 Việt Nam đã phá vỡ được thế bao vây, cấm vận, và bắt đầu tiếp nhận  sự hỗ trợ phát triển chính thức, gọi tắt theo tiếng Anh là ODA. Đến nay sau hơn 20 năm, chúng ta đã thu hút được hơn 80 tỷ USD cam kết, giải ngân được 38 tỷ USD (hiện còn trên 20 tỷ USD chưa được giải ngân), qua đó đóng góp khoảng 30% vốn đầu tư công và đã góp phần tích cực vào cải thiện kết cấu hạ tầng và công trình phúc lợi xã hội. Song bên cạnh những lợi ích này là những mặt tiêu cực không nhỏ của vấn đề sử dụng vốn ODA, trong đó, việc Nhật Bản phát hiện vụ tham nhũng của công ty PCI với Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ PMU 18, và vụ việc liên quan tới công ty JTC gần đây mới chỉ là những phần nổi ít ỏi được phát hiện của tảng băng chìm chưa được làm rõ.

ODA không phải khi nào cũng “ưu đãi”

Vốn ODA chủ yếu là vốn tín dụng, hoàn toàn không phải là viện trợ không hoàn lại hay “tiền chùa” như vẫn bị cố ý hiểu lầm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và dân chúng. Sau khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp, gia nhập nhóm thấp nhất trong những nước có thu nhập trung bình thì điều kiện ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ cũng khắc nghiệt hơn (lãi suất cao hơn, ân hạn ngắn hơn, thời gian hoàn trả ngắn hơn so với trước đây). Song những hệ lụy mang tính lâu dài này của ODA còn chưa được làm rõ trong công luận, trong khi căn bệnh “nghiện ODA” gắn liền với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ thành tích chủ nghĩa đã và đang khiến số công trình sử dụng vốn ODA xuất hiện quá nhiều và liên tục nối nhau dẫn tới tình trạng giải phóng mặt bằng không triển khai kịp, vốn đối ứng không có đủ, khiến các công trình chậm hoàn thành, kém hiệu quả.

{keywords}

Mặt khác, những điều kiện của bên tài trợ các dự án ODA hầu như không được công khai đề cập đến. Nguyên nhân là ngoài vấn đề hạn chế nhận thức về ODA còn có những sự tế nhị trong quan hệ quốc tế. Cho đến nay cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học và quy trình thực hiện ODA ở Việt Nam và xác định những tiêu cực có thể có. Tuy nhiên, chính giáo sư Sumi Kazuo (Nhật Bản) đã chỉ ra ba điểm cơ bản khiến đất nước tiếp nhận vốn ODA có khả năng chịu sự bất lợi hoặc bị lợi dụng – ông gọi đây là ba bộ phận trong “binh pháp ODA” của Nhật Bản#: Nước tài trợ tạo ra và duy trì một nhu cầu viện trợ giả tạo cho nước nhận ODA; đòi hỏi những điều kiện bảo đảm lợi nhuận của những công ty từ nước tài trợ tham gia ODA – qua đó làm mất đi hoặc giảm cơ hội, lợi nhuận của các công ty thuộc nước tiếp nhận ODA; và xuất khẩu ô nhiễm môi trường sang nước tiếp nhận ODA. Đối với một số vốn vay ODA từ Trung Quốc, ngoài ba vấn đề kể trên chúng ta còn phải đối diện với vấn đề thứ tư: điều kiện ràng buộc cho phép đưa công nhân Trung Quốc sang thực hiện dự án.

Bất cập trong quản lý vốn ODA ở Việt Nam

Mặc dù đã liên tục tiến hành đầu tư công từ khi thành lập nước đến nay, nước ta vẫn chưa ban hành Luật Đầu tư công, vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử về đầu tư công nói chung và đầu tư sử dụng vốn ODA nói riêng  chưa được quy định rõ ràng. Sự chậm trễ này là một khiếm khuyết không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước.

Chính phủ quản lý ODA bằng nghị định, cho đến nay đã ban hành 5 Nghị định về ODA qua các thời kỳ, song vai tò của thanh tra chưa được đề cao và thực hiện đúng mức. Vai trò phản biện, giám sát độc lập trong quy trình thực hiện ODA chưa được quy định, đặc biệt là vai trò giám sát của tổ chức quần chúng và báo chí.

{keywords}

Điều nổi bật trong thực hiện ODA là tính phức tạp của quy trình mang nặng tính “xin-cho” và sự thiếu công khai, minh bạch về các dự án, các điều kiện, các tiêu chí cụ thể trong quá trình phân bổ. Trách nhiệm hoàn vốn, trả nợ không được tính toán kỹ lưỡng và trình duyệt khi thông qua đề án.

Do nhu cầu đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng nói chung và ở các tỉnh rất lớn trong khi nguồn cung lại có giới hạn nên việc “chạy dự án” đã sản sinh ra một đội “cò dự án” chuyên nghiệp với các mối quan hệ thân quen rất phức tạp. Đã hình thành những “nhóm lợi ích” bất chính ăn bám vào ODA ở cấp trung ương và địa phương.

Người ta đã nói đến “ma trận” thực hiện ODA, xin được dự án, thực hiện dự án, huy động vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng v.v. mỗi khâu đều phát sinh nhiều vấn đề có thể gây chậm trễ. Do quy trình không công khai nên khâu chọn thầu, đấu thầu chỉ mang tính hình thức, một số công ty mặc nhiên được chỉ định thực hiện các công trình về cầu, về đường, trong đó có không ít những công ty sân sau, thân quen. Hệ quả là sự bắt tay nhau giữa thi công-giám sát-nghiệm thu dẫn đến giá thành công trình bị đội lên rất cao trong khi chất lượng và tuổi thọ công trình rất thấp. Một ví dụ đặc trưng điển hình cho tình trạng trên xảy ra gần đây được dư luận quan tâm rộng rãi, đó là vụ Cầu treo Chà Và đổ gây chết người, thực tế cũng là một công trình ODA trong đó cơ quan thực hiện do con rể của quan chức đầu tỉnh thực hiện!

Kết luận

Đã đến lúc Việt Nam phải có sự đổi mới tư duy về huy động và sử dụng ODA, có sự chọn lọc chặt chẽ hơn trong sử dụng nguồn vốn này và ban hành Luật Đầu tư công, trong đó có quy định chặt chẽ về trách nhiệm quy trình, thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch khi sử dụng nguồn vốn này.

Cần có một chương riêng về vốn ODA trong Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công, trong đó quy định rõ các tiêu chí để chấp nhận vốn ODA, thực hiện công khai minh bạch toàn bộ số vốn, dự án ODA, công bố rõ quy trình phân bổ vốn và dự án ODA với các tiêu chí rõ ràng, giảm tối đa cơ chế “xin-cho”. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân về từng dự án đồng thời công bố công khai tên những người chịu trách nhiệm; quy định có phản biện độc lập về dự án, trong đó phân tích rõ tác động kinh tế-xã hội của dự án, khả năng thu hồi vốn để trả nợ vốn vay; tổ chức việc giám sát của tổ chức quần chúng, hiệp hội chuyên ngành trong quá trình thực thi dự án.

Cũng đã đến lúc cần có một công trình nghiên cứu độc lập về các khía cạnh liên quan đến ODA nói chung và của từng nước nói riêng, chỉ ra những nhóm lợi ích liên quan đến ODA ở nước tài trợ và trong nước, các mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc ODA theo lộ trình giảm dần, tiến đến Việt Nam không cần ODA nữa và trở thành một quốc gia tài trợ ODA trong tương lai xa, khi Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển GDP/người vượt 12.000 USD.

Lê Đăng Doanh/ Theo Tia sáng

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt