Nếu các giá trị không rõ ràng, định hướng mơ hồ, khó chia sẻ, khó giải thích thì bản thân lãnh đạo cao nhất khó thuyết phục được lãnh đạo các cấp chứ chưa nói đến các tầng lớp nhân dân. Mọi người sẽ "tự lo" cho mình, "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư chụp giựt hay quay về cố thủ, cảnh giác với những thay đổi.

LTS: Sau khi Tuần Việt Nam đăng loạt bài Người Việt nghĩ ngắn, nhiều doanh nhân, trí thức, học giả... đã chia sẻ những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Lê Vinh Triển.

Góc độ vi mô

Trong các bài giảng về quản trị chiến lược cũng như quản trị công ty (corporate governance), phát triển bền vững được đề cập như một mục tiêu tối hậu. Để đạt được mục tiêu này, hay để thành công trong quản trị công ty, lãnh đạo công ty phải xác lập được "con đường" cho DN, có định hướng, tầm nhìn, hướng đến những giá trị mà mình đeo đuổi.

Tuy vậy, không phải hễ cứ xác lập được những giá trị này thì đều sẽ thành công. Quan trọng là người đứng đầu phải phổ cập được tinh thần/giá trị đó đến các cấp quản trị và lý tưởng nhất là đến mọi thành viên.

{keywords}

Khi chia sẻ được các giá trị của công ty (của những người sáng lập), các thành viên công ty sẽ gắn kết với nhau và cảm nhận những giá trị mà công ty hướng đến cũng là những giá trị của bản thân mình.

Để thành công, những nhà sáng lập đã phải nêu được những giá trị cần đạt được, sau đó những giá trị này cần được thấu hiểu và theo đuổi thực hiện bởi mọi thành viên. Các thành viên khi thấu hiểu điều này sẽ hết lòng vì sự thành bại của doanh nghiệp. Họ sẽ làm việc vì các giá trị mà công ty theo đuổi chứ không vì các giá trị vật chất/tiền bạc. Điều này có ý nghĩa quyết định về chiến lược nhân sự - trong việc xác lập động cơ làm việc của nhân viên. Mọi người sẽ gắn kết với nhau và cảm nhận những giá trị mà công ty hướng đến cũng là những giá trị của bản thân mình.

Khi đó họ sẽ xác lập những mục tiêu công việc mang tính dài hạn nhằm hướng tới đạt được những giá trị đó- cho công ty cũng là cho bản thân. Động cơ làm việc cũng như tư duy phát triển sẽ mang tính dài hạn, không vì những lợi ích ngắn hạn mà hy sinh uy tín, giá trị của công ty (cũng đã là giá trị của chính họ), không vì những khó khăn trước mắt mà rời bỏ công ty. Chắc chắn khó tồn tại tư duy nhiệm kỳ và động cơ cá nhân ngắn hạn trong các tổ chức/doanh nghiệp này.

Động cơ cá nhân-ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ là hệ quả "hữu cơ" của sự thiếu vắng các giá trị mà tổ chức/doanh nghiệp đeo đuổi. Ở các tổ chức/doanh nghiệp như thế, mục tiêu làm việc là mơ hồ, các giá trị nêu lên là hình thức, sao chép máy móc nhưng khó "nhớ".

Khi bước vào một tổ chức/doanh nghiệp như vậy, người làm việc sẽ cảm nhận ngay là khó lòng phát triển, gắn bó dài hạn với nó, họ không cảm nhận được những giá trị mà công ty muốn hướng đến, không cảm nhân được lãnh đạo quan tâm đến vận mệnh của công ty/tổ chức dài hạn hơn (lâu hơn) nhiệm kỳ của họ thì những người làm không có động cơ dài hạn đối với công ty.

Đối với những quản trị thiếu năng lực, đạo đức thì môi trường như thế sẽ thích hợp cho việc khai thác, đục khoét, a dua với lãnh đạo. Như vậy, dù năng lực, phẩm chất của những quản trị viên là như thế nào, công ty/tổ chức như vậy chắc chắn sẽ không tồn tại bền vững trong những điều kiện thông thường.

Góc độ vĩ mô

Sự phát triển của một nền kinh tế, một đất nước tùy thuộc vào động cơ, mục tiêu dài hạn của từ lãnh đạo cao nhất cho đến những lãnh đạo cấp trung, đến từng thành viên, từng người dân. Mà điều này có cơ sở là các giá trị mà quốc gia theo đuổi.

Hệ thống giá trị được chia sẻ từ lãnh đạo cao nhất, thông suốt khắp tất cả các cấp đến tận từng gia đình. Mỗi thành viên sẽ làm việc hết mình vì hướng đến đạt được những giá trị quốc gia đó. Sự trỗi dậy thần kỳ sau chiến tranh TGII của Nhật, cũng như của Hàn Quốc trong thập niên 60-80 có thể là những minh họa cho điều đó. Ý thức còn thua kém Phương Tây một lần nữa thôi thúc từng gia đình từng người dân, và từng công ty Nhật làm việc sáng tạo và không mệt mõi.

Các giá trị như sự trung thực, khiêm tốn, chất lượng tốt nhất, danh dự quốc gia (chứ không phải tiền) được chia sẻ thấu hiểu trong từng tế bào của đất nước Nhật. Đất nước Nhật vì thế khó có chỗ cho tư duy ngắn hạn nhiệm kỳ, mì ăn liền, động cơ ích kỷ, vì cả nước đã cùng chia sẻ những giá trị rõ ràng, cụ thể.

Như vậy, việc xây dựng những giá trị, từ đó xác lập các mục tiêu hướng đến, xác định con đường có ý nghĩa quyết định. Nếu các giá trị không rõ ràng, định hướng mơ hồ, không ước định được thời gian cần đến, khó chia sẻ, khó giải thích thì bản thân lãnh đạo cao nhất khó thuyết phục được lãnh đạo các cấp chứ chưa nói đến các tầng lớp nhân dân.

Mọi người sẽ "tự lo" cho mình, "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư chụp giựt hay quay về cố thủ, cảnh giác với những thay đổi của chính quyền. Tâm lý này cũng là tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp...

Lãnh đạo các cấp chính quyền cũng giống như lãnh đạo bậc trung trong tổ chức/công ty sẽ tự lo cho mình, ai có tâm huyết thì cố gắng hòan thành trách nhiệm của mình theo kiểu đáp ứng được những nhu cầu ngắn hạn, tập trung giải quyết sự vụ, trả lời những yêu cầu, chỉ tiêu lấy lệ, cho xong nhiệm kỳ, chứ hòan tòan không có động cơ hòan thành một chiến lược phát triển vĩ đại nào đó có thể có do bản thân vạch ra để lưu danh sử xanh trong định hướng của quốc gia. Lãnh đạo thiếu đạo đức thì vun vén cá nhân, phục vụ cho nhiệm kỳ của mình.

Nói chung lãnh đạo có tài, cũng như bất tài nhưng giỏi bon chen sẽ cùng chung một nhóm, tận hưởng những lợi ích ngắn hạn mà vị trí của mình mang lại. Một đất nước như vậy thì thật khó mà phát triển chứ chưa nói đến phát triển bền vững.

Tóm lại, giống như công ty, doanh nghiệp, một quốc gia nếu không xác lập/thông suốt được các giá trị tinh thần rõ ràng, mang tính định hướng, không vạch ra những mục tiêu, đường đi cụ thể thì từng thành viên từ lãnh đạo cho đến từng gia đình sẽ không có động cơ phát triển dài hạn.

Từng thành viên (dù tài năng, thông minh!) sẽ không và không thể gắn những mục tiêu của cá nhân vào mục tiêu của cả đất nước, dân tộc. Hay nói cách khác, giống như công ty không động viên được nhân viên làm việc vì những mục tiêu dài hạn, đất nước không thể phát triển bền vững, không thể động viên toàn dân nếu không trả lời được các câu hỏi về tầm nhìn, về con đường mà trên hết là về các giá trị (triết lý) mà mình hướng đến.

  • Lê Vinh Triển

(Trường Đại Học Quốc Tế - Đại học Quốc Gia TPHCM)