Trước mỗi kỳ Đại hội hoặc những khi cần lấy phiếu tín nhiệm hay đề bạt, bổ nhiệm… thì chẳng cần đến ý kiến phê bình, góp ý của mọi người, ông S vẫn “chủ động, tích cực khắc phục khuyết điểm của bản thân”.
Ai cũng biết sở trường lớn nhất của tắc kè hoa là khả năng biến hình - tự thay đổi màu sắc cơ thể để thích ứng với môi trường và đánh lừa kẻ thù. Song nếu người cán bộ “học được” sở trường này của loài tắc kè hoa thì lại là một nguy hại lớn…
Là một cán bộ có thâm niên công tác nhiều năm ở huyện A, ông S được mọi người biết đến không phải vì năng lực công tác mà chính bởi khả năng “biến hình” tài tình. “Biến hình” ở đây không có nghĩa là ông có tài ảo thuật gì cao siêu mà là việc ông S luôn có những chuyển biến “tích cực”, những “tiến bộ” rõ rệt “đúng vào thời điểm cần thiết”.
|
Hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, lẽ ra ông S phải là người cán bộ có tác phong công tác quần chúng, gần gũi cấp dưới, tinh tế nhạy bén khi tiếp xúc với nhân dân. Nhưng ngược lại, ông luôn tỏ ra “quan cách”, “trịnh thượng”, ngại đi cơ sở, ngại tiếp xúc với nhân dân; giải quyết công việc một cách máy móc, “kinh nghiệm chủ nghĩa”…
Tại các hội nghị, với tinh thần tự phê bình và phê bình, mọi người trong cơ quan đã không ít lần đóng góp ý kiến một cách chân thành, thẳng thắn, những mong ông S nhận rõ khuyết điểm, từ đó chủ động, tích cực khắc phục để hoàn thiện bản thân. Song với tư duy bảo thủ, thái độ thiếu cầu thị, việc khắc phục khuyết điểm ở ông “gần như bằng không”. Hay như cách ông S vẫn thường ngụy biện thì những khuyết điểm ấy là do “cá tính” nên “rất khó thay đổi”, “phải sửa dần dần” và “tập thể cần thông cảm cho ông”!
Tuy vậy, cứ gần đến những thời điểm “nhạy cảm”, ông S lại làm cho mọi người trong cơ quan, nhất là những cán bộ mới chuyển về thực sự “bất ngờ” trước sự “chuyển biến vượt bậc” của ông. Còn nhớ thời gian đầu khi mới về cơ quan công tác, tôi đã thực sự “choáng” bởi khả năng “biến hình” của ông S. Đó là trước mỗi kỳ đại hội hoặc những khi cần lấy phiếu tín nhiệm hay đề bạt, bổ nhiệm… thì chẳng cần đến ý kiến phê bình, góp ý của mọi người, ông S vẫn “chủ động, tích cực khắc phục khuyết điểm của bản thân” - như ông tự nhận trong bản kiểm điểm. Mọi người trong cơ quan thấy ông gần gũi hơn, nhiệt tình hơn trong các công việc tập thể, quan tâm đến cấp dưới một cách “đột xuất”, thậm chí là thái quá! Ông hạn chế va chạm với mọi người, cũng không còn hách dịch, quan cách; dường như ông S đã trở thành người khác, “con người của công việc”, “người cán bộ của quần chúng”. Tiếc rằng, hình ảnh đẹp đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, để rồi sau khi đã qua thời điểm nhạy cảm ông lại trở về với con người thật của mình bởi đó là do “cá tính trời sinh”.
Tuy chưa phải quá phổ biến song hiện nay, những “cán bộ… tắc kè hoa” như ông S cũng không còn là cá biệt. Nhiều người tự hỏi, phải chăng đó là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng ở một số cán bộ, đảng viên? Vẫn biết “nhân vô thập toàn”, trong sinh hoạt, học tập, công tác… ai cũng có thể mắc khuyết điểm song điều quan trọng là thái độ thành thực trước khuyết điểm và quyết tâm khắc phục những khuyết điểm đó. Những cán bộ như ông S dù có “biến hình” tài tình đến mấy thì cũng không thể mãi đánh lừa được tập thể.
Thiết nghĩ, với những “cán bộ… tắc kè hoa”, cách làm hiệu quả nhất là mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần nêu cao tinh thần đấu tranh, phê bình thẳng thắn, kiên quyết để từng tổ chức đảng, từng cơ quan thực sự là một tổ chức đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động xứng đáng với niềm tin của quần chúng, nhân dân.
- Quang Minh/ Theo Tạp chí Cộng sản
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt