Những người có “kinh nghiệm” như vậy thì luân chuyển đến đâu cũng chẳng có tác dụng tích cực gì. Chỉ lo an phận, thủ thế.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra đầu tuần, vấn đề chống tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lại một lần nữa đặt ra. Bởi thực chất, đến thời điểm này, có cơ quan chức năng hay quan chức có trách nhiệm nào trong lĩnh vực nội vụ đủ tự tin không có tiêu cực, nhất là trong luân chuyển cán bộ?

Tuần Việt Nam xin giới thiệu thêm một góc nhìn về vấn đề này.

Chống “ô nhiễm” từ đầu vào…

Ai cũng biết rằng một người được “kinh” qua nhiều môi trường sẽ có được nhiều kinh nghiệm thực tế, nắm bắt và khái quát được nhiều vấn đề thực tiễn, nâng tầm tư duy và nhãn quan quản lý chuyên môn hay năng lực lãnh đạo…

Vì thế tất nhiên, luân chuyển cán bộ là một “hành động” đúng, một chủ trương đúng, nhưng vận hành làm sao cho đúng thì thật là khó, nhất là trong quá khứ, việc “luân chuyển” này để lại không ít chuyện tai tiếng.

Mới đây ngồi uống cà phê với một người bạn từng làm giám đốc marketing một hãng bán hàng thức ăn nhanh nổi tiếng trong cả nước, người bạn ấy kể lại rằng:

Nhân viên môi trường xuống kiểm tra nguồn nước tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh của công ty và thắc mắc “tại sao công ty không thể có một hệ thống xử lý nước thật tối tân, hiện đại để nguồn nước thải ra không bị ô nhiễm?”.

 Người bạn mới hỏi ngược lại nhân viên môi trường:- Nói thật lòng với cán bộ, nếu như cán bộ giới thiệu được ở đâu trong cả nước có được cái “quy trình” hiện đại như thế, công ty chúng tôi sẽ thực hiện ngay!

Thế là, anh cán bộ môi trường tròn xoe con mắt rồi im lặng, anh ta đề nghị công ty cho kiểm tra nguồn nước. Người bạn đáp lời:

- Rất sẵn lòng, nhưng việc đầu tiên cán bộ phải làm là kiểm tra nguồn nước ban đầu, tức là nguồn nước cung cấp cho hoạt động của các cửa hàng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, nguồn nước ban đầu đã bị ô nhiễm!”

Sự việc “luân chuyển” nguồn nước nói trên dường như chẳng có liên quan đến câu chuyện… luân chuyển cán bộ đang được đề cập trong bài. Nhưng có hai yếu tố mà người viết tâm đắc. Đó là làm sao cho đầu vào đừng “ô nhiễm” và quá trình vận hành để đầu ra cũng không bị “ô nhiễm”. Đó cũng chính là câu hỏi thật sự nghiêm túc trong tình hình luân chuyển cán bộ hiện nay.

{keywords}

Thực chất, hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ là khi được điều động đi, người cán bộ ấy phải “hồng và chuyên”, không bị “ô nhiễm”. Và trong quá trình làm việc ở những nơi mới, người cán bộ ấy cần phải “hồng và chuyên” hơn nữa.

Như vậy, việc quan trọng cần phải làm ngay là thận trọng khâu tuyển chọn người đưa đi luân chuyển, sau đó là đánh gía thật kỹ người được đưa đi luân chuyển ấy có thực sự có hiệu quả ở nơi công tác mới không, có sự đột phá, tạo dấu ấn theo chiều hướng tích cực không?

Sự đúc kết của ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ) mới đây trong một bài viết trên Tuần Việt Nam cho thấy những thách thức, những hạn chế cần phải vượt qua. Ông thẳng thắn cho rằng “trong dân gian lưu truyền câu nói: Tiến về bộ, thoái về ban, có cán bộ chủ trì một địa phương, uy tín đã giảm sút lại điều về giữ chức phó ban. Luân chuyển cũng có trường hợp chỉ để “tráng men”, nghĩa là chỉ để được coi như đã kinh qua công tác địa phương.”

Có nghĩa là việc luân chuyển ấy chỉ mang tính hình thức, chỉ đạt ở yêu cầu “số lượng” nơi công tác mà không phản ánh được chất lượng công việc, điều đó thật nguy hiểm.

Về việc đánh giá năng lực sau khi luân chuyển, ông Nguyễn Đình Hương nhận định “trong thực tế, nhiều cán bộ được luân chuyển về địa phương đã có đóng góp thực sự để lại dấu ấn, nhưng ngược lại cũng có cán bộ qua 03 năm luân chuyển về tham gia lãnh đạo trong cấp ủy địa phương, chỉ giữ cho không để xảy ra khuyết điểm gì phải chê trách, còn hỏi có đóng góp gì thì khó nói”.

Vậy đấy, về công tác cở sở mà có tâm lý an phận thủ thường, bảo toàn danh phận, ngại va chạm… thì có cũng như không, công việc sẽ khó mà tiến triển được.

Câu chuyện “luân chuyển” nguồn nước ở trên là một vấn đề rất nhỏ, nhưng nó đặt ra câu hỏi rất lớn cho những nhà quản lý môi trường. Và yếu tố làm sao cho đầu vào, đầu ra đều không bị “ô nhiễm” là rất cần thiết trong công cuộc quản lý, luân chuyển cán bộ hiện nay, nhất là những tệ nạn “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy huân, huy chương…” vẫn “tồn đọng”,  chưa được khắc phục là bao nhiêu.

Có “kinh nghiệm” nhưng phải không run tay

Có một câu chuyện ý nghĩa: Một doanh nhân nọ mua được một viên kim cương khổng lồ ở Nam Phi, nhưng ông ta rất buồn vì viên kim cương đó có một vết nứt bên trong. Ông ta tìm đến nhiều thợ kim hoàn lão luyện, nổi tiếng ở các nước để được tư vấn.

Những người thợ ấy đều nhận định rằng “viên kim cương có thể chia làm hai phần và mỗi phần sẽ đắt hơn chính viên kim cương ấy, nhưng chỉ cần bất cẩn là ta có thể làm vỡ viên đá quý này, biến nó thành những phần sứt mẻ”. Và tất cả những người thợ đầy kinh nghiệm này đều từ chối, không dám liều giúp ông.

Sau đó, ông được người ta giới thiệu một người thợ ở Hà Lan được mệnh danh là đôi tay vàng.

Người thợ người Hà Lan đồng ý giúp và ra giá dịch vụ, vị doanh nhân đồng ý. Người thợ kim hoàn gọi cậu học trò trẻ tuổi đang ngồi phía sau và giao cho công việc này. Cậu ta ngắm viên kim cương và cầm búa đập dứt khoát, viên kim cương tách ra làm hai một cách hoàn hảo trong sự ngạc nhiên của vị doanh nhân.

Các bạn biết không, anh học trò trẻ đó mới học có 03 ngày, anh ta chẳng cần phải biết giá trị viên cương ấy như thế nào, anh ta không run tay, anh thực hiện công việc một cách dứt khoát.

Ở nước ta, cán bộ có “kinh nghiệm” rất nhiều. Nhưng vì quá nhiều “kinh nghiệm” nên đi đến đâu, làm việc gì họ đều chọn phương án thủ thế, an phận, cầu toàn, đùn đẩy trách nhiệm khi gặp những vấn đề cần phải có trách nhiệm. Những người có “kinh nghiệm” như vậy thì luân chuyển đến đâu cũng chẳng có tác dụng tích cực gì.

Cần học tập người thợ Hà Lan có đôi tay vàng kia, khi cần thiết, ông ta sẵn sàng “luân chuyển” công việc cho người thợ trẻ, và người thợ trẻ ấy đã không phụ lại sự tin tưởng của người thầy. Thực tế nhiều công việc đòi hỏi cần phải dùng người trẻ, sức trẻ với tinh thần dám làm, “dứt khoát, không run tay”, và chỉ có như thế mới làm nên những đột phá kỳ diệu, những thay đổi lớn lao tích cực.

Chẳng có khó khăn nào mà không thể vượt qua, đừng vẽ ra cho lắm những chướng ngại vật với mục đích chỉ để dấu đi sự “nhát gan”, thiếu tinh thần trách nhiệm của chính bản thân mình. Luân chuyển là cần những người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một điều cần thiết nữa là hãy tin cậy, tin dùng lớp trẻ và tài năng của họ.

Minh Phước