Họ quyết len lên phía trước không hẳn vì mục đích gì cụ thể, mà có khi đơn giản chỉ là thích vượt trước người khác. Sự khôn lỏi, bon chen đã được phản ánh vào ca dao tục ngữ chứng tỏ nó đã là một thói quen cộng đồng.

Đó là “danh hiệu” mà người tham gia giao thông cơ giới, tiếng Tây gọi là motorists, trên đường phố Hà Nội “phong tặng” cho tôi.

Việc gì phải chờ

Trong tiếng Việt, từ “nhà quê”, với nét nghĩa trung tính mang nghĩa là nông thôn hoặc thuộc về nông thôn để đối lập với thành thị, đời sống công nghiệp, hoặc với tình cảm trìu mến để nói đến sự mộc mạc chân thành hay cuộc sống yên ả không bon chen nơi thôn dã ... Song, không chỉ vậy, nó còn mang nét nghĩa phần nhiều tiêu cực, chỉ thái độ khinh miệt, nét nghĩa thường được sử dụng nhiều hơn cả.

Chưa thấy ai nói chính xác từ “nhà quê” mang nét nghĩa tiêu cực như thế có từ bao giờ. Có thể từ khi lối sống thành phố hình thành. Có người bảo nó được nhập từ Pháp hay Bồ Đào Nha và được lô-can hóa với một nét nghĩa mới. Những người lớn tuổi cho biết nét nghĩa ấy trở nên phổ biến từ thời Pháp thuộc. Dần dần, từ “nhà quê” chủ yếu mang nghĩa lạc hậu, thô thiển, kém văn minh ...

Thấy ai không vừa mắt, mấy người thành phố bập bẹ chút tiếng Tây còn phang luôn: “Đồ cam-pan-nhá  ” để gọi người từ miền quê ra phố.

Chẳng biết có đúng vậy không, nhưng nét nghĩa mà mấy vị motorists trên đường phố Hà Nội quát vào mặt tôi là hoàn toàn mang ý nghĩa đó.

{keywords}
Ảnh: Minh Ngọc/ TNO

Số là một lần đến ngã tư gặp đèn đỏ tôi dừng lại chờ như nhiều người khác. Khi chữ số màu đỏ chỉ số 07 tôi đã thấy đằng sau bấm còi inh ỏi giục. Tôi vẫn chờ cho đến đèn xanh vì thấy ngày xưa và ở những xứ sở văn minh trên thế giới ngày nay vẫn thế.

Thế là cả xe máy lẫn ô tô vọt lên, có người vượt lên trước còn chõ vào mặt tôi quát: “Đồ nhà quê!” Khi anh ta vượt lên, “đồ nhà quê” là tôi thấy xe của anh ta mang biển số 2x... Người khác thì gắt: “Không có công an việc gì phải chờ đèn xanh!”

Hóa ra sống ở Thủ đô là phải như vậy, mình đúng là đồ nhà quê nên lạc hậu. Khi đèn chuyển sang xanh chỉ còn vài người đợi như tôi, tôi đoán chắc họ cũng là “những đồ nhà quê” cả?

Kể ra họ bảo tôi thế cũng phải và tôi cũng không thấy tự ái, vì phàm đã là người dân của nước Việt mấy nghìn năm sống bằng hái lượm, nông canh, thì trong máu ai chả có chút ít của “đồ nhà quê”!

Họ thuộc giới …tinh hoa?

Chuyện như thế xảy ra với tôi chắc đã xảy ra với nhiều người chờ đèn xanh ở ngã tư đường phố tại Hà Nội. Tại những ngã tư đường phố, có những đèn báo đếm ngược, tựa như các nước đếm ngược khi phóng tàu vũ trụ, cho người giao thông biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa để đi tiếp hoặc dừng, mà hầu hết chỉ vài chục giây.

Ai quan sát các ngã tư đường phố không thể không thấy cảnh đèn đỏ vẫn chỉ số 6-7 giây đã có những chiếc xe lao lên gần hết ngã tư. Họ chắc thuộc giới… tinh hoa luôn “đi đâu cũng phải đi đầu”? Những người đi sớm từ phía này và người đi cố từ phía kia nếu có đâm sầm vào nhau thì họ đổ tại số.

Đã vậy, nhà quản lý giao thông đô thị dường như cũng chiều theo ý muốn “đi trước đón đầu” này nên có ngã tư họ bỏ luôn cả đèn vàng, ... thật là độc đáo!

Nếu Liên Hợp Quốc có nghiên cứu xem dân ở đâu quý trọng và thiếu thời gian nhất thế giới thì chắc dân Hà Nội phải đứng hàng đầu, xứng đáng với dân một trong năm quốc gia có chỉ số hài lòng và hạnh phúc nhất thế giới !

Tai nạn giao thông ở Việt Nam xảy ra như cơm bữa. Mỗi ngày chứng kiến hàng chục vụ làm chết người và bị thương nghiêm trọng. Ai ra đường bây giờ cũng phải thừa nhận rằng tai nạn giao thông, ùn ứ, tắc nghẽn, xe điên, dừng đỗ tùy tiện, ... chủ yếu do ý thức con người – nếu thể hiện bằng con số thì phải đến 60-70% - phần còn lại là do hạ tầng cơ sở.

Chỉ khi đã quá muộn, những người vượt đèn đỏ mới thấm thía được bài học rằng cả đời còn chẳng làm được gì huống hồ vài giây khổ sở bon chen, có người không còn mạng sống để mà ân hận.

Hành vi đôi khi là vô thức này có thể tìm thấy trong sự lý giải câu ngạn ngữ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” như một lời dạy khôn. Họ quyết len lên phía trước không hẳn vì mục đích gì cụ thể, … mà có khi đơn giản chỉ là thích vượt trước người khác.

Sự khôn lỏi, bon chen đã được phản ánh vào ca dao tục ngữ chứng tỏ nó đã là một thói quen cộng đồng. Thói quen đó khó bỏ ngày một ngày hai nhưng không phải là không thể. Nếu mỗi người chúng ta không ý thức về nó là một thói xấu và lên án nó để sửa, nó sẽ còn mãi.

Chỉ tiếc một điều là sự bon chen và thói khôn lỏi dường như “mỗi ngày tiến thêm một bước” ở cái nước mình?

Người quen tôi có lần hỏi tại sao tôi bàn về chuyện giao thông. Đúng tôi là người ngoại đạo cuả lĩnh vực giao thông, nên tôi không bàn về kỹ thuật giao thông hay luật lệ giao thông. Tôi bàn về hành vi con người khi giao thông.

Con người có xu hướng bộc lộ con người thật của mình trong hoàn cảnh những người xung quanh không biết mình là ai. Giao thông trên đường cũng là một trong những tình huống như vậy. Do đó, quan sát một người giao thông trên đường thế nào có thể giúp hiểu một phần cái chất làm nên tính cách người đó. Có lẽ vì thế người ta có khái niệm “văn hóa giao thông”.

Có hay không văn hóa giao thông?

Người ta đã phân định ra nhiều hạng mục văn hóa, như “văn hóa ứng xử”, “văn hóa ẩm thực”, “văn hóa đọc”, … Nếu quả có “văn hóa giao thông” thì cái văn hóa này ở Hà Nội có một không hai trên thế giới.

Hãy nhìn ôtô dàn hàng ngang 4-5 chạy trên đường phố, đẩy bật xe máy, xe đạp lên vỉa hè, thì biết văn hóa của nhiều motorists còn hoang dã lắm.

Biện pháp cưỡng bức của cơ quan quản lý giao thông Hà Nội bằng rào chắn, phân luồng, ... tương tự như lùa cừu về chuồng để chúng khỏi đi lung tung không phải không có lý.   

Xu hướng tôn thờ sức mạnh – sức mạnh của tiền, quyền, và bạo lực của xã hội Việt Nam hiện đại hình như đã len vào nhiều lĩnh vực. Và, nó cũng được phản ánh trong giao thông. Công an giao thông thường ngảnh mặt vờ như không thấy khi những “đầu gấu” không mũ bảo hiểm và kẹp ba, bốn nhởn nhơ vượt qua mặt hiên ngang chở hàng cồng kềnh trên đường phố, vượt đèn đỏ, …nhưng lại chặn bắt bằng được những người hiền lành không may sơ xuất.

Ra đường, xe càng to, máy càng gầm to, còi càng to, ... càng át được người khác. Cảnh trên đường khiến người ta nghĩ rằng đời sống xã hội nay dường như đang bị chi phối bởi hai loại người – kẻ có quyền- tiền và kẻ “đầu gấu”?

Sự tôn thờ sức mạnh giải thích tại sao người lưu thông trên đường không tuân theo tín hiệu giao thông khi không có mặt công an. Họ chỉ sợ quyền lực mà không sợ hay tôn trọng lẽ phải và quy ước xã hội. Tâm lý và cách hành xử như vậy thường chỉ thấy ở những những người là nạn nhân của sự nô dịch buộc phải sống đối phó. Những “anh hùng” vượt đèn đỏ như vậy một khi bị bắt phạt thường rất khúm núm và xin xỏ rối rít hoặc rút điện thoại ra gọi một kẻ bảo kê nào đó.

Nếu làm người thành phố là phải cố len lên phía trước, anh dũng vượt cả đèn đỏ như vậy, em chẳng muốn làm người thành phố mà xin cứ làm... thằng nhà quê cho nó lành.

Nguyễn Phương