Lời căn dặn "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" mà ông gửi lại cho đồng chí và đồng bào trước lúc đi xa một lần nữa trở thành sự khích lệ, động viên và nguồn sức mạnh.

LTS: Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 6/9/1931), Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu một bài viết về cuộc đời hoạt động của ông.

Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước, quê gốc tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đã trở thành người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi (năm 1930).

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Hi Vit Nam thanh niên cách mng (gọi tắt là Thanh niên), đào tạo cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng sau này. Trần Phú được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, được kết nạp vào Hi Vit Nam thanh niên cách mng (tháng 10-1926), được bồi dưỡng về lý luận Mác-Lênin, được kết nạp vào Cộng sản đoàn.

{keywords}
Tổng Bí thư Trần Phú

Từ đây, Trần Phú đã bước từ chủ nghĩa yêu nước để đến với lý tưởng cộng sản. Tháng 12/1926, sau khi hoàn thành khoá đào tạo do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, Trần Phú được cử về hoạt động ở Vinh. Tại đây, ông đã truyền đạt những lời dạy bảo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và giúp cho các đồng chí trong nước cải tổ Hội Hưng Nam theo con đường và tổ chức của Thanh niên. Qua đó đã tạo ra được những chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong cải tiến chương trình hành động cũng như phương pháp công tác. Nhờ đó, cùng với các cơ sở của Thanh niên, hoạt động của Hội Hưng Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Vinh và Trung Kỳ phát triển.

Trước sự truy nã gắt gao của kẻ thù, Đoàn thể đã cử Trần Phú trở lại Quảng Châu làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh niên. Mùa xuân 1927, trước đòi hỏi của cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử Trần Phú (lúc này mang tên Lý Quý) sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva.

Đến với quê hương của Cách mạng Tháng Mười, dù vào học muộn một năm, lại hay đau ốm, song Trần Phú cố gắng vươn lên theo kịp lớp học và còn giúp đỡ một số anh em cùng khoá học. Đầu năm 1930, sau khi học xong, ông trở về nước hoạt động, mặc dù Toà án Nam triều, theo lệnh thực dân Pháp, kết án tử hình vắng mặt ông ngày 11/10/1929.

Tư duy lớn cùng vốn lý luận học được tại Trường Đại học Phương Đông đã giúp Trần Phú rất nhiều khi trở về nước tiến hành các hoạt động cách mạng. Và thực tiễn cho thấy, ông không những là một nhà lý luận giỏi, mà còn là một nhà lãnh đạo tài ba, sâu sát thực tế, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Tháng 4/1930, Trần Phú về đến Hà Nội và tháng 7/1930, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng cộng sản Việt Nam, được phân công dự thảo Luận cương chính trị, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Là một người coi trọng lý luận gắn với thực tiễn, Trần Phú đã có những chuyến đi dài ngày xuống các địa phương có phong trào công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột rất ác liệt, tiêu biểu. Chính vì vậy, bản Dự thảo Luận cương chính trị đã không chỉ mang tư tưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin mà còn mang hơi thở cuộc sống của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tinh thần đấu tranh của quần chúng đang dâng lên mạnh mẽ lúc đó.

Bản Luận cương đã nêu được những vấn đề mấu chốt bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam là: "cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành". Luận cương còn chỉ rõ: "Trong lúc định chiến lược, Đảng phải xét kỹ tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch nhân, sức tranh đấu của quần chúng, thái độ các hạng người đối với cách mạng".

{keywords}

Thắp hương tại mộ Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ảnh: Hatinh.gov.vn

Tuy Luận cương chính trị có một số hạn chế là chưa nêu rõ mâu thuẫn dân tộc là chủ yếu, chưa tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chưa đánh giá đúng vai trò của giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận của giai cấp địa chủ, chưa đề cập đến vấn đề lập Mặt trận dân tộc thống nhất, nhưng những hạn chế này đã sớm được khắc phục.

Luận cương chính trị còn có ý nghĩa to lớn là từ đó mà được Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI họp ngày 11/4/1931 ra quyết nghị: "Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản". Giành được sự công nhận của Quốc tế Cộng sản đối với một đảng mới được thành lập là thêm được thế mạnh và sức mạnh rất lớn cho cách mạng.

Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 diễn ra tại Hồng Kông, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị này, ông đã tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên.

Cuối tháng 12/1930, Trần Phú chủ trì Hội nghị Thường vụ bàn về công tác tuyên truyền, quyết định xuất bản báo Cờ vô sản - cơ quan trung ương của Đảng (ra hằng tháng) và tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận của Đảng (ra không đều kỳ). Hai ấn phẩm này ra đời đã trở thành phương tiện truyền bá chính thức của Đảng, đưa chất lượng truyền bá tăng lên rõ rệt.

Trong thời gian này, ông cũng đã trực tiếp chấp bút, soạn thảo nhiều nghị quyết, chỉ thị và thông báo quan trọng của Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương xung quanh các vấn đề: chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng, chống âm mưu thâm độc của kẻ thù buộc nông dân ra đầu thú, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc của khuynh hướng tư tưởng "tả" và hữu khuynh trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng...

Ngoài việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng đường lối chính trị, xây dựng tổ chức, tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản, Trần Phú còn để lại một tấm gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản, sống oanh liệt, chết vẻ vang. Ông đã giáo dục quần chúng bằng chính cuộc đời trong sáng, đức độ của mình.

Mùa hè năm 1930, khi từ nước ngoài về nước hoạt động, ông từng đóng các vai "thầy đồ", "nhà buôn", "thợ nề", "người lao công",... để che mắt địch và hoạt động cách mạng. Cả 3 miền của đất nước đều in dấu chân người đảng viên cộng sản hết mực kiên cường, trung thành, tận tụy hết mình vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. "Chuyện kể rằng Anh đi đến đâu thì phong trào đấu tranh ở đó đều dâng cao"[1]. Đó chính là kết quả hết sức thuyết phục được khơi nguồn từ tấm gương của Trần Phú.

Bị bắt giam trong khám lớn Sài Gòn, chịu bao đòn tra tấn dã man nhất, Trần Phú vẫn thường xuyên trao đổi tình hình, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho những đồng chí cùng bị tù. Và lời căn dặn "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" mà ông gửi lại cho đồng chí và đồng bào trước lúc đi xa một lần nữa trở thành sự khích lệ, động viên và nguồn sức mạnh cho mỗi chiến sĩ cộng sản, mỗi người dân Việt Nam vượt qua những khó khăn nguy hiểm trên con đường tranh đấu.

Kim Yến


[1] Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Một tấm gương bất diệt (Hồi ký), Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2004, tr.24