Chế độ bầu cử ở nước ta là Đảng cử, dân bầu. Chính khách của ta dễ trúng cử hơn. Nhưng như thế không có nghĩa ta đứng ra ngoài dòng chảy chung.

LTS: Dịch sởi bùng phát, hoãn đăng cai ASIAD, lùi đề án giáo dục 34 nghìn tỷ.... là hàng loạt sự việc nóng dồn dập xảy ra thời gian qua. Tác động xã hội của những sự việc trên đã thu hút sự quan tâm của người dân, và đặc biệt là cách hành xử, phát ngôn trước dư luận của những người đứng đầu. Các "chính khách Việt" đang hành xử ra sao trước những điểm nóng dư luận? Cùng Tuần Việt Nam phân tích qua góc nhìn của TS Nguyễn Sĩ Dũng và nhà báo Lê Quốc Vinh.

Chưa bao giờ sức ép công luận  lớn như hiện nay

Từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều quan chức chính phủ đã có những phát ngôn khiến dư luận dậy sóng. Qua đó có thể thấy kỹ năng làm chủ thông tin, tạo dựng hình ảnh đẹp trước truyền thông và công chúng của nhiều chính khách Việt Nam còn thiếu nhất quán. Trong khi lẽ ra việc chính khách tạo dựng hình ảnh, củng cố niềm tin với công chúng là đương nhiên. Ông nhìn nhận thế nào?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Với chính khách phương Tây, các kỹ năng quyết định trực tiếp đến việc người dân có bỏ phiếu cho họ hay không.

Nếu không có hình ảnh công chúng tốt, họ sẽ không bao giờ trúng cử. Họ buộc lòng phải chú ý đến việc xây dựng hình ảnh công chúng: xuất hiện như thế nào, ăn mặc, phong thái ra sao đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Các chính khách ở ta không phải chịu kiểu áp lực như vậy. Chế độ bầu cử ở nước ta là Đảng cử, dân bầu. Đảng giới thiệu các ứng cử viên và người dân bày tỏ nguyện vọng của mình trên cơ sở sự giới thiệu đó, nên chính khách của ta dễ trúng cử hơn. Nhưng như thế không có nghĩa ta đứng ra ngoài dòng chảy chung của nhân loại. Chưa bao giờ công luận lại có sức tác động lớn và gây sức ép đến chính trường và hành động của các chính khách như hiện nay.

Ông Lê Quốc Vinh: Có thể đó là do văn hoá. Hầu hết chính khách của ta đều nghĩ rằng mình phải khiêm tốn, phải kín đáo, phải hạn chế việc xuất hiện trước công chúng. Họ không dám thoát ra khỏi mô hình tư duy cũ đó.

Hơn nữa, ở các nước khác, chính khách đều có một thư ký báo chí đặc trách vấn đề truyền thông cho riêng họ, thậm chí với những chính khách có vị trí cao, còn cần cả trợ lý riêng về mặt hình ảnh cá nhân mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Người trợ lý có trách nhiệm giúp đỡ chính khách về trang phục, phong thái, trợ giúp họ những thông tin cơ bản về sự kiện và tư vấn cho họ cả trong vấn đề phát ngôn.

Các chính khách và các cơ quan công quyền của ta nhìn chung đều rất coi thường vấn đề này. Khi một chính sách được đưa ra, họ không quan tâm đến việc người dân sẽ phản ứng thế nào, chỉ đến khi sự phản ứng xuất hiện, họ mới tìm cách giải quyết. Cách làm của các cơ quan công quyền của ta hiện nay làm người dân có cảm giác các nhà lãnh đạo muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, không để ý đến ý kiến của số đông dân chúng.

{keywords}
Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Ảnh: Lan Hương

Điều gì xảy ra khi chính khách và công chúng không tìm được tiếng nói chung, cụ thể gần đây nhất một cuộc khủng hoảng truyền thông đã xảy ra với dịch sởi?

Ông Lê Quốc Vinh: Khi người dân mất niềm tin ở cơ quan công quyền, phản ứng với các chính sách mới, giận dữ với cá nhân các chính khách thực chất chính là khủng hoảng truyền thông; phải được giải quyết, trốn tránh là tối kỵ. Một số bộ ngành vừa qua đã để một cuộc khủng hoảng kéo dài và ngày càng lan rộng. Từ vấn đề viện phí, quá tải bệnh viện, chuyện y đức, đến chất lượng vaccine... Những cuộc khủng hoảng này do không được xử lý rốt ráo đã để lại hậu quả từ chuyện này sang chuyện khác, hiện hữu thành thiệt hại cho cả xã hội.

Trong đợt dịch sởi vừa qua, người dân đã hoang mang không biết tin theo ai. Phản ứng chậm chạp của cơ quan chức năng cùng với việc thông tin đưa ra thiếu định hướng là nguyên nhân của sự hỗn loạn đó.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Sự tổn thất cho cả Bộ Y tế và cho cả người dân. Hơn 100 trẻ thiệt mạng; không khí hoang mang bao trùm. Những ông bố bà mẹ mua tất cả mọi thứ mà họ nghĩ có thể chống được sởi và chữa được sởi và tạo ra sự khan hiếm đột ngột về vaccine. Đó là tổn hại nặng nề nhất.

Lẽ ra trong tình huống này, Bộ Y tế phải họp báo hàng ngày, cung cấp thông tin cần thiết cho báo chí.

Có lẽ chúng ta đang nói đến trách nhiệm; sự thiếu chuyên nghiệp của bộ phận tư vấn truyền thông cho các chính khách?

Ông Lê Quốc Vinh: Tôi không dám nói họ không chuyên nghiệp. Chính xác hơn thì là phương pháp luận của họ chưa đúng, hiểu biết của họ về vai trò của người làm tư vấn truyền thông chưa đầy đủ. Có những người chỉ hiểu truyền thông là làm cho mình "sạch sẽ" nhất trên báo chí. Nhưng những người làm truyền thông chuyên nghiệp sẽ cố gắng để báo chí hiểu chính xác những việc mình làm. Tiếp cận truyền thông một cách chủ động hay bị động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh mà chúng ta định xây dựng.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Hiện tại các cơ quan Bộ đều có bộ phận truyền thông riêng. Nhưng sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ cho bộ phận này và tính chuyên nghiệp của nó là vấn đề cần phải xem lại.

{keywords}
Ông Lê Quốc Vinh. Ảnh: Hương Lan

Dân vận cũng là...truyền thông

Ngược lại, dư luận đã có cái nhìn khác nhau về ứng xử trái ngược của nhiều quan chức khi đứng trước cùng một tình huống. Điều gì đã khiến các chính khách nhận được những phản ứng khác biệt từ dư luận?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Thật ra là, nếu ai đó  quyết tâm, nếu quyết liệt vì công việc, người dân sẽ dễ cảm nhận được ngay.

Sự cải thiện hình ảnh rất cơ bản của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho chúng ta thấy rõ điều này.

Những cá nhân dù là chính khách hay không chính khách, cơ quan, tổ chức… nói không đúng sự thật, che giấu sự thật, bôi đen hay tô hồng, thanh minh, ngụy biện… sẽ phản tác dụng.

Ông Lê Quốc Vinh: Nhân dân luôn có tâm lý hướng theo những luồng dư luận trùng với suy nghĩ và quyền lợi của họ, chống lại những luồng dư luận trái chiều. Khi nhân dân thấy rằng túi tiền của mình bị ảnh hưởng, bị tiêu xài không đúng cách, thì bất cứ một người nào lên tiếng yêu cầu chấm dứt lãng phí tiền của dân đương nhiên sẽ được người ta ủng hộ.

Ở các sự kiện nóng như không đăng cai ASIAD, đối phó với dịch sởi… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số lãnh đạo bộ ngành nói điều mà người dân đang mong chờ - thì sự ủng hộ là tất yếu.

Hoặc, ngay như Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng làm được một điều rất hay: khi ông xuất hiện ở điểm nóng nào, thì người dân sẽ cho rằng đó là hành động thật, vì bất cứ chỗ nào có điểm nóng xuất hiện, là sẽ thấy Bộ trưởng Bộ GTVT xuất hiện.

Ông Lê Quốc Vinh nói chính khách của chúng ta không có kỹ năng xây dựng hình ảnh là do vấn đề văn hoá, nhưng mấy chục năm trước Bác Hồ và những người cách mạng thế hệ đấy đã làm rất tốt công tác dân vận. Thời đó, không ai dạy họ các kỹ năng về truyền thông, xây dựng hình ảnh, tại sao họ làm tốt?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Dân vận thực chất cũng là truyền thông. Truyền thông ở giai đoạn trước rất khác so với bây giờ. Người lãnh đạo ngày xưa cũng có hình ảnh công chúng rất tốt. Họ cống hiến, hi sinh - tuyệt đối vô tư, vì một mục tiêu cao đẹp. Vì thế thông điệp của người lãnh đạo ngày ấy đến với công chúng rất nhanh. Đó là cái bây giờ nhiều chính khách không có được.

Một lý do thứ hai là thời nay, truyền thông bây giờ khác xưa rất nhiều. Ngoài báo chí còn có sự tham gia của các mạng xã hội, mà ở đó, chúng ta không thể kiểm soát được đạo đức, ý đồ của người truyền tin cũng như tính chủ quan cá nhân của người tiếp nhận thông tin. Đó là lý do các chính khách phải có kỹ năng đối phó với những vấn đề đó.

 Ông Lê Quốc Vinh: Ngày đó một người đứng đầu đất nước, ăn mặc như Bác Hồ, cách nói chuyện và phong thái như Bác Hồ là phù hợp và rất cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là cựu du học sinh tại Liên Xô. Ông hiện là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nhà báo Lê Quốc Vinh là Chủ tịch HĐQT, CEO Le Group, một tập đoàn truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện, mua bán bản quyền và phát triển các chương trình truyền hình.

Hơn nữa, Bác Hồ là một nhà trí thức, đã bôn ba học hỏi nhiều từ phương Tây. Phong thái đó sẽ ảnh hưởng đến  Bác Hồ và những chính khách - những trí thức Tây học khác. Chắc nhiều người sẽ lật ngược vấn đề tại sao nhiều quan chức bây giờ cũng là trí thức Tây học mà không làm được như vậy, đó là bởi họ không để ý đến điều đó.

Nhiều chính khách có thể có phong thái rất đàng hoàng, rất chuẩn mực ở các cuộc lễ tân, nhưng tại nơi làm việc rất úi xùi. Người ngoài sẽ nghĩ ông lịch lãm. Còn cán bộ dưới quyền ông ấy sẽ không thấy điều đó. Vô hình chung hình ảnh ông ta sẽ trở nên giả dối, nửa vời. Anh chỉ có thể thoải mái ở giữa những người bạn. Còn khi là chính khách, anh sẽ phải hi sinh.

(Còn nữa)

Lan Hương (Thực hiện)

Xem các bài cùng tác giả

 

Sự "giàu có" của Bí thư Hội An

"Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có", Bí thư Hội An chia sẻ.

Chuyên gia: "Phải tin Bộ Y tế!"

Đừng nên chỉ hướng vào bi kịch hay chỉ tìm cách công kích Bộ Y tế. Cái chúng ta cần nhất là những đứa trẻ cần được khỏi bệnh.