Ai muốn có chức, có quyền thì điều này chưa thể khẳng định là xấu. Vào để có cơ hội đóng góp được nhiều hơn?
Ai mua ai bán?
Tiếc thay, nó cũng bị nghi vấn nhiều trong cả công tác tổ chức, luân chuyển cán bộ- một chủ đề mà thành ủy t/p HCM vừa “xới xáo” lên, gắn với chủ trương chống tham nhũng xung quanh công tác này.
Bởi nó cũng trở thành đề tài “nóng” trong các diễn đàn chất vấn của các kỳ họp Quốc hội, và để trấn an dư luận, trong các kết luận thanh tra đều cho rằng có hiện tượng “chạy” song không phổ biến, nhưng đáng lo ngại và cần loại trừ.
Ảnh minh họa |
Cũng vì không thể bác bỏ loại trừ vấn đề này, bởi rõ ràng nó “hiện diện” một cách “lai vô ảnh, khứ vô hình”, nên cũng đã có một ý kiến nên “luật hóa” việc chạy chức chạy quyền của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia.
Ai cũng có thể hiểu ngầm những người “mua” có thể không phải là người “thừa” không biết việc, mà họ hoàn toàn có thể là người có tài, đành “ngậm đắng nuốt cay” chi ra một khoản tiền lớn để có công ăn việc làm chính đáng, không phụ công ăn học hay lãng phí năng lực cống hiến của cá nhân.
Nhưng ai cũng hiểu, trong số “công chức 100 triệu” đó, có không ít người cố ý vào được cơ quan công quyền, để sau đó làm bàn đạp cho những mục đích tư lợi cá nhân. Công việc chính của họ không phải là ở cơ quan công quyền, mà đây chỉ là “bến” cho những bước tiếp theo của “quan lộ”.
Vì thế cũng không lạ khi “điểm danh” công chức nhà nước năm 2013, không ít người giật mình. Ví dụ ở một tỉnh nọ, Sở Nội vụ với 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 01 giám đốc, 04 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Một phòng nghiệp vụ có 04 biên chế thì có tới 03 lãnh đạo, chỉ có… 01 nhân viên để làm việc…
Nhưng “ai bán” mới là chuyện đáng nói. Những phát biểu của ông Trần Trọng Dực trong phiên họp HĐND TP.Hà Nội ngày 7/12/2012 gây “sốt” cho cả nước: "Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất". Ngoài ở đó ra còn ở đâu?
Một biến tướng khác của loại “công chức 100 triệu” ở tầng cao cấp hơn, không trực tiếp mua- bán, mà tinh vi hơn nhiều. Khi đã có một chức vụ kha khá, ước mơ một vị trí cao hơn để có nhiều quyền lực hơn, cơ chế bắt phải có học hàm học vị .
Thế là một cuộc chạy đua để có bằng cấp bằng mọi giá. Bằng cấp càng cao, thì khả năng càng được cất nhắc ở vị trí cao. Không chỉ bằng cấp trong nước mà còn bằng cấp quốc tế, với nhiều chuyện bi hài ở những bằng cấp tiền sĩ quốc tế giá chỉ có 17.000 USD và học trong 6 tháng.
“Giá tiền để làm luận án phó tiến sĩ, nay gọi là tiến sĩ từ 20 đến 30 triệu đồng và điều cực kỳ khôi hài là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm mới quay ra làm luận án tiến sĩ thuê”. Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính đã nói như vậy trong một cuộc hội thảo do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Trên góc trang cuối cùng của tờ phụ san Mua và Bán (Bộ Thương Mại) có những mẩu quảng cáo: "Nhận tư vấn viết luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu sinh các ngành khoa học", "Nhận tư vấn viết luận văn, luận án cho sinh viên, nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau. ĐT:xxxxx".
Biểu giá nếu chọn “dịch vụ trọn gói”: 15-25 triệu đồng cho một luận án nghiên cứu sinh (tùy theo đề tài dễ hay khó); 8-12 triệu đồng cho một luận văn thạc sĩ; 4-5 triệu đồng cho một luận văn đại học. Nếu như trong chuyện bảo vệ luận văn có gì khó khăn, người của công ty sẽ đứng ra lo liệu giúp (kể cả việc lo cho đăng các bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành hoặc chạy thầy phản biện...).
Có thể chấm dứt chạy chức chạy quyền?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có lần phát biểu: “Những người có quyền cho dù không đòi hỏi gì nhưng cứ bị hối lộ. 500.000 đô la không hạ gục được sự liêm khiết của người lãnh đạo đó thì 1.000.000 đô la. Nếu 1.000.000 đôla không đủ mạnh để hạ gục thì nhiều đô la hơn nữa... Bức thành trì liêm khiết của con người cũng có lúc bền vững hơn dãy Trường Sơn nhưng nhiều khi chỉ yếu như tờ giấy bị thấm nước”.
Chạy chức chạy quyền chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Trước kia, người ta “mua” một cách lén lút và tự cảm thấy xấu hổ thì ngày nay, con người xem đó như chuyện bình thường.
Chạy chức chạy quyền cũng có giá. Người ta còn ra giá, mặc cả như mua bán một món hàng bằng con đường trực tiếp người tuyển – người tìm hoặc thông qua cò mồi rồi chia chác với nhau. Chẳng thế mà trên mạng đã lưu truyền một thông tin quảng cáo khá bi hài: Công ty chuyên mua quan bán chức- bán luôn đạo đức”. Giá cả cụ thể...
Hội nghị bàn về việc luân chuyển cán bộ và ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực chạy chức chạy quyền mới đây của t/p HCM đã “khuyến cáo” cảnh giác việc lợi dụng chạy chức chạy quyền để thay vì về địa phương phát huy năng lực công tác, thì người ta lấy đó làm nơi “lót đường”, “tráng men” cho việc thăng quan tiến chức sau đó.
Đầu năm 2013, trước tình hình chạy chức chạy quyền phức tạp, và khá “nóng” ở các hội nghị về nhân sự, về chống tham nhũng, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã đề nghị: “Cần luật hóa chạy chức chạy quyền”.
Theo ông, nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Ông phân tích: Ai muốn có chức, có quyền thì điều này chưa thể khẳng định là xấu. Vào để có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên, đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn ngồi vào chức ấy để lợi dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung.
Không biết đây có phải là một ý kiến tiến hay lùi, để chấm dứt chạy chức - chạy quyền trong bóng đêm, nhưng một cách hài hước theo kiểu nói của giới trẻ: Giỏi giang không bằng giỏi chạy. Chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… là một sự “đa dạng sinh học”?
Diệu Hà