Cột cờ đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.

Hôm nay kỷ niệm tròn 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhắc đến Điện Biên Phủ trong ký ức của một cậu học trò Hà Nội, là nhớ đến ngày xưa trong sách tập đọc có bài thơ rất hay và cảm động, đó là "Cột cờ Hà Nội" của tác giả Xuân Tửu.

Ai đã đến Hà Nội

Đi trên đường Điện Biên

hẳn nhìn thấy vút lên

cột cờ cao vòi vọi

Lá cờ màu đỏ chói

Trên cột thép hiên ngang

Lấp lánh ngôi sao vàng

Trên nền trời lịch sử

Nhìn cờ thấy Tổ quốc

Nhìn cờ thấy nhân dân

Dưới bóng cờ ta bước

Khắp nơi xa nơi gần

Ngôi sao vàng chỉ lối

Nền đỏ màu thắm tươi

{keywords}
Cột cờ Hà Nội

Trí nhớ con trẻ thật bền bỉ, đến tận bây giờ, sau 30 năm, cậu học trò năm xưa vẫn còn nhớ được từng câu chữ bài thơ. Mỗi lần nhớ đến bài thơ, niềm xúc động và tự hào về chiến thắng Điện Biên lịch sử và cả về hình ảnh Cột cờ Hà Nội, lại dâng trào.

Đưa con trai đến vườn hoa trước Cột cờ tập xe đạp, chính là bởi cậu học trò ấy muốn nói cùng con thật nhiều, thật nhiều về Cột cờ Hà Nội, về Tổ quốc.

Buổi sáng, ba chở cả con cùng chiếc xe ra vườn hoa. Con đạp hăng hái, vòng quanh bao nhiêu vòng.

"Ba ơi, cái tháp gì cao thế kia, mà lại có lá cờ ở trên hả ba?"

Cột cờ Hà Nội đấy con ạ. Cả đất nước ta có rất nhiều cột cờ. Có cột cờ ở Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc. Có cột cờ trên bến Hiền Lương ngày đêm mong ngày Bắc Nam sum họp một nhà.

Bây giờ con thấy cột cờ rất cao, như lúc bé, ông nội hay bà nội con chở ba bằng xe đạp qua đây, ba cũng thấy nó cao như vậy. Thực ra, nó thấp hơn nhiều cột cờ khác trên đất nước chúng ta.

Nhưng nó là Cột cờ Hà Nội, là Cột cờ của cả nước con ạ. Cả nước hướng về nó. Nó đã đứng đó từ thời Hoàng Diệu bảo vệ thành Hà Nội, và nay nó đang và sẽ cùng chúng ta tiếp tục bảo vệ từng tấc đất nơi đầu sóng.

{keywords}

Hà Nội bây giờ có nhiều công trình cao hơn Cột cờ, thậm chí cao hơn nhiều. Nhưng nó vẫn là Cột cờ Hà Nội, không có gì thay thế được nó trong lòng người dân Việt Nam. Nhìn thấy Cột cờ là thấy Tổ quốc, con ạ.

Cũng như Tổ quốc của chúng ta có thể ngày nay đang nhỏ bé như chưa bao giờ nhỏ bé đến như thế - nhưng vẫn là Tổ quốc của chúng ta - bất chấp mọi sóng gió thời đại. Hãy yêu Tổ quốc của chúng ta, hãy dũng cảm, hãy nhìn thẳng vào sự thật để làm cho Tổ quốc Việt Nam không còn nhỏ bé nữa.

Ba mừng vì con rất yêu môn lịch sử, và ba sẽ đưa con đi thăm Cột cờ, Hoàng thành nhiều lần nữa để kể cho con về Tổ quốc mình. Rồi dần dần, ba sẽ giảng con hiểu về câu đối trước đền Trung Liệt, thờ Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương:

"Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên."

("Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất

Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.")

Đúng vậy con ạ, dù chỉ là một thước đất, nhưng đó là máu thịt của Tổ quốc. Biển đảo cũng vậy. Từng tấc đất, tấc biển đều là máu thịt của Tổ quốc, mà để gìn giữ nó, các thế hệ đã đổ bao xương máu.

Con ạ, không thế lực nào, dù nhân danh bất cứ cái gì, được quyền xâm phạm đến Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng. Thế hệ của cha, rồi của các con sau này, cũng như muôn thế hệ sau, sẽ đều phải ghi nhớ điều đó.

Càng phải ghi nhớ vào những ngày này, khi biển Đông đang dậy sóng bởi cả một giàn khoan trái phép đang ngang ngược mọc lên.

Ghi nhớ, để cờ Tổ quốc mãi tung bay trên Cột cờ Hà Nội....

Nhìn cờ thấy Tổ quốc

Nhìn cờ thấy nhân dân

Dưới bóng cờ ta bước

Khắp nơi xa, nơi gần.

Hà Nội, ngày 7 tháng Năm 2014

Phúc Lai

* Ảnh trong bài do tác giả chụp

Bài cùng tác giả:

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu.

Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.