Nếu một văn bản cá biệt xâm phạm lợi ích một người thì có thể bị kiện; nhưng nếu một văn bản quy phạm pháp luật xâm phạm lợi ích hợp pháp của hàng triệu người thì không thể bị kiện trước toà án hành chính Việt Nam.

>>Bài 1: Đại án bầu Kiên, Dương Chí Dũng và chuyện minh bạch

Dưới áp lực cải cách do Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA) và nhu cầu gia nhập WTO, năm 2002, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần đầu tiên đã đưa ra một chế tài quan trọng đối với hiện tượng không công bố hoặc công bố chậm các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo sẽ không có hiệu lực thi hành, ngoại trừ văn bản thuộc bí mật nhà nước [1].

Bên cạnh đó, với sự giúp sức của internet, các cơ quan nhà nước đã làm cho việc tiếp cận nội dung các văn bản quy phạm pháp luật trở nên dễ dàng hơn đối với công dân.

Tuy nhiên, đối với các thông tin khác liên quan môi trường kinh doanh như các chỉ số thống kê, các vụ việc bê bối, hiện tượng lách luật công bố của các cơ quan trung ương, độ tin cậy của thông tin công bố... và đặc biệt khả năng dự báo trước của chính sách kinh tế vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục.

Bệnh thành tích khi công bố thông tin

Với chi phí từ các chương trình tin học hoá, tất cả các cơ quan nhà nước ở Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có trang web riêng và họ đã công bố các thông tin lên đó, góp phần đáng kể đến mức độ công khai của thông tin.

Ngoài số liệu do Tổng cục thống kê cung cấp, ngân sách nhà nước còn chi tiền cho nhiều cơ quan nhà nước khác thu thập, công bố các chỉ số liên quan "sức khoẻ của nền kinh tế" như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐ&TBXH...

Tuy nhiên, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài xem các số liệu đó với sự tin cậy không cao; thay vào đó họ rất quan tâm tới số liệu do ADB, UNDP, World Bank, IMF hay các tổ chức tư nhân khác như Standard and Poor´s, Moody, v.v... công bố.

Có cả một hệ thống cơ quan tham gia thu thập số liệu thống kê đồ sộ, hàng triệu công chức, viên chức, với hàng trăm công cụ trong tay, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền ngân sách, nhưng lại tạo ra những số liệu không có độ tin cậy cao với nhà đầu tư. Điều này xuất phát từ bệnh cố hữu của cơ chế: bệnh thành tích trong công bố thông tin. Chỉ cần một lý do nhỏ, một lợi ích nhỏ nào đó, người ta có thể bóp méo thông tin, đánh đổi niềm tin của công chúng. Ngạn ngữ có câu "một lần mất tin, vạn lần mất tín".

{keywords}
Ảnh minh họa

Không những che giấu, mà khi đối tác có thông tin về sự thật, thì người hữu quan sẵn sàng cương quyết phủ nhận, để rồi vài ngày sau đó lại chính người đó phải công nhận thông tin. Việc công bố về trục trặc của nhà máy lọc dầu Dung Quất giữa ngày 7/8 - 8/8/2012 là một ví dụ về công bố thông tin tiền hậu bất nhất.

Sự thật về sức khoẻ nền kinh tế Việt Nam chỉ có một, nhưng thông tin sai lệch thì có muôn dạng. Giữa vô vàn số liệu, các nhà đầu tư phải chắt lọc ra thông tin đúng. Điều này ngày càng trở nên khó khăn, khi nhiều cơ quan cùng công bố thông tin, nhưng mỗi nơi đưa ra một con số khác nhau.

Không chỉ vậy, đôi khi cùng một cơ quan lại vì theo đuổi những lợi ích khác nhau trong mỗi sự kiện công bố, nên đã đưa ra các con số khác nhau cho mỗi lần công bố.

Trước một rừng thông tin thiếu tin cậy, muốn sống sót, nhà đầu tư phải tự thu thập số liệu bằng kênh riêng, hoặc dựa vào số liệu các các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, bên cạnh có tham khảo hệ thống thông tin do các cơ quan nhà nước Việt Nam cung cấp như là một nguồn gợi ý. Điều này thật lãng phí ngân sách cũng như làm tăng chi phí cho nhà đầu tư.

Một cách né không cá biệt

Chế tài "không công bố trên công báo, không có hiệu lực" của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ kín kẽ để bảo đảm minh bạch hoá pháp luật.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công văn, thông báo, kết luận không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên không phải đăng công báo. Vì vậy, khi muốn đưa các quy phạm áp dụng chung nhưng e ngại sự soi mói của báo chí, của Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp, người ban hành có thể né tránh bằng cách ban hành các nội dung này dưới các hình thức trên.

Hiện tượng này không phải là cá biệt, mà dường như lặp lại hàng tháng ở các bộ ngành. Trong một cuộc hội thảo, thứ trưởng Trần Quốc Khánh từng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng dùng công văn để điều chỉnh các chính sách liên quan đến thương mại, dịch vụ đang tồn tại khá phổ biến tại các bộ, ngành. Điều này dẫn đến cam kết của Việt Nam với WTO về vấn đề minh bạch hóa có thể bị vi phạm nghiêm trọng.

Nếu vào website của một số bộ, ngành, chúng ta có thể tìm thấy nhiều công văn mang đậm hơi hướng văn bản quy phạm pháp luật mà các cơ quan này sử dụng để điều hành.

Việc dùng bút phê để giải quyết công việc; công văn, thông báo để chuyển tải các quy phạm pháp luật; kết luận thay cho quyết định không phải là chuyện mới, mà là vệt kéo dài của các tập quán bao cấp, tư duy "đầu đội chủ trương, vai mang chính sách, tay cầm phương châm" để quản lý theo tư duy cai trị, mà không cần đến pháp luật. Bước sang giai đoạn đổi mới, §12 Hiến pháp năm 1992, chính thức xác định "dùng pháp luật để quản lý xã hội", nhưng tập quán cũ, thể chế cũ chưa dễ gì chấm dứt.

Vấn đề cơ bản là thiếu chế tài đủ mạnh đối với hiện tượng này. Tuy đã cam kết xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng Luật tố tụng hành chính Việt Nam tiếp tục không cho phép công dân, cá nhân, tổ chức khởi kiện bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nói chung, trong đó bao gồm các công văn, thông báo, kết luận chứa đựng quy phạm pháp luật.

Như vậy, cùng hành vi trái pháp luật của cơ quan công quyền, xâm hại lợi ích của công dân, cá nhân, tổ chức, nhưng khi việc xâm hại này bằng một văn bản mang tính chất cá biệt, thì công dân, cá nhân, tổ chức có cơ hội khởi kiện tại toà án hành chính. Nhưng khi quan chức khéo léo hơn một chút; ban hành một văn bản quy phạm trái luật, rồi dựa vào văn bản quy phạm này để ban hành một văn bản cá biệt thì công dân sẽ không được phép kiện văn bản quy phạm trái luật.

Hay nói cách khác, nếu một văn bản cá biệt xâm phạm lợi ích một người thì có thể bị kiện; nhưng nếu một văn bản quy phạm pháp luật xâm phạm lợi ích hợp pháp của hàng triệu người thì không thể bị kiện trước toà án hành chính Việt Nam. Điều này, có nghĩa không thể dùng con đường tố tụng (tư pháp) để huỷ các văn bản quy phạm trái pháp luật.

Khác với các văn bản quy phạm pháp luật thông thường, công văn, thông báo, kết luận, cho dù thực tế có chứa đựng quy phạm pháp luật, ngoài việc không phải đăng công báo công khai, thì cũng không phải gửi Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp để kiểm tra tính hợp pháp.

Điều đáng nói, số lượng các văn bản trái pháp luật ở Việt Nam rất lớn. Riêng năm 2011, các cơ quan tư pháp đã phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.  Tỉ lệ phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm: năm 2007: 21%, 2008: 24,9%, 2009: 33,54%, 2010: 19,24%, 2011: 29,31% .

Việc Luật tố tụng hành chính không cho phép công dân, cá nhân, tổ chức khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp tục đi ngược lại chuẩn mực quốc tế, đẩy người dân vào tình trạng mất quyền phòng vệ hợp pháp, mà còn gián tiếp làm giảm tính minh bạch của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

(Còn nữa)

Võ Trí Hảo

----

[1]: §78.2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008

 

Bài cùng tác giả:

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

Không có kinh tế nhà nước, già yếu ai lo?

Vậy ở những quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới, họ có cần đến "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo"?.

Cải cách thể chế và quyền tuyển 'đầy tớ'

Hơn lúc nào hết, toàn dân thành tâm học tập và làm theo tấm gương cách mạng Hồ Chí Minh, thực thi thực chất quyền "tuyển và đuổi đầy tớ" sẽ là động lực cho cải cách thể chế.

Khi kinh tế nhà nước 'thay tên tráo họ'

Khi không thể biện minh bằng tính ưu việt và phi thị trường của các DNNN sau các scandal như Vinashin, Vinalines..., người ta lại gán cho "kinh tế nhà nước" nghĩa mới.