"Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó".

{keywords}

Tướng Daniel Schaeffer trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Nguyễn Tuyên/Vietnam+)

Tướng Daniel Schaeffer nhận định bằng hành động đưa giàn khoan dầu Hải Dương-981 tới cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam.

Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.

Tướng Daniel Schaeffer nguyên là Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Pháp, Tướng Daniel Schaeffer cho rằng trước hành động vi phạm quyền chủ quyền một nước như vậy, nếu cộng đồng quốc tế không làm gì để phản đối âm mưu này, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi bởi những va chạm nhỏ ban đầu sẽ dần dần trở thành sự đã rồi, bản chất vấn đề nằm ở chỗ đó.

Theo Tướng Daniel Schaeffer, Trung Quốc nói rằng họ sẽ thăm dò tại vùng biển này trong thời gian từ 4/5 đến 15/8, nhưng nói vậy không có nghĩa rằng sau 15/8 họ sẽ rút. Khi đã có một giàn khoan khổng lồ như vậy thì không có chuyện nó chỉ được đặt ở đó có ba tháng. Chắc chắn nó sẽ tiếp tục được duy trì ở đó cho tới khi được thay thế bằng một giàn khoan cố định.

Mục tiêu tổng thể của Trung Quốc là hợp thức hóa đường chín đoạn nhằm vạch ra những không gian biển mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Vụ việc hiện nay là một bước nối tiếp hàng loạt hành động trước đó, trong đó có việc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thực hiện hồi tháng 6/2012 là mời các công ty nước ngoài làm việc với tập đoàn này trên 9 lô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức ngoài khơi các bờ biển Việt Nam.

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã đơn phương ban hành một vùng cấm đánh bắt cá đối với tất cả các tàu thuyền nước ngoài. Như vậy, Trung Quốc đang coi hầu hết Biển Đông thuộc về họ. Và đó cũng là một phần mưu toan củng cố các tham vọng theo đường chín đoạn. Cần phải kể thêm các sự kiện khác như các cuộc tranh giành bãi cạn Scarborough với Philippines, và mới đây là va chạm xung quanh bãi Second Thomas (Bãi Cỏ Mây).

Trung Quốc cũng cố gắng hợp thức hóa chủ quyền đối với các bãi như James Shoal và Luconia Shoal, nằm sát vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Những hành động này được Trung Quốc phối hợp để củng cố đường chín đoạn.

Sau khi phân tích thực trạng đó, Tướng Daniel Schaeffer cho rằng đối với tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, cộng đồng quốc tế cần phải đấu tranh để buộc Trung Quốc phân biệt rạch ròi hai vấn đề: tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa và sự tồn tại của đường chín đoạn.

''Chừng nào đường chín đoạn còn chưa biến mất, chúng ta chưa thể tranh luận về các vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Chừng nào đường chín đoạn còn tồn tại thì chừng đó không thể giải quyết được bất cứ điều gì, bởi Trung Quốc coi tất cả những gì nằm bên trong đường chín đoạn đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc,'' ông nói.

Ông Schaeffer cũng cho rằng mục đích của các hành động vi phạm là củng cố sự hiện diện và đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông không tin rằng hành động đó có thể dẫn tới chiến tranh, nhưng các hành động này được tiến hành từng bước nhỏ như Trung Quốc cho tàu húc thẳng vào tàu Việt Nam, hoặc dùng vòi rồng tấn công các tàu Việt Nam, có nghĩa là gia tăng các vụ va chạm trên biển nhằm dồn ép Việt Nam đến chỗ phải nhượng bộ và giúp Trung Quốc từng bước đạt được tham vọng của mình.

Việc Mỹ chưa phê chuẩn mà mới chỉ ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển sẽ khiến nước này ở vào vị thế thua kém so với Trung Quốc để có thể thảo luận về luật biển.

Tại Mỹ có một nhóm siêu bảo thủ có quan điểm rằng nếu tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Mỹ sẽ mất chủ quyền. Trong khi đó, Trung Quốc hoàn toàn không muốn vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa. Nhưng vấn đề phải được quốc tế hóa. Cần biết rằng tháng 5/2009, việc Trung Quốc gửi công hàm đến Liên hợp quốc phản đối thỏa thuận giữa Việt Nam và Malaysia về việc chia sẻ thềm lục địa mở rộng đã là một hành động quốc tế hóa vấn đề.

Ngoài ra, Tướng Daniel Schaeffer cũng khuyên Việt Nam nên đưa hồ sơ về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra trước một tòa án quốc tế theo cách mà Philippines đã tiến hành trên cơ sở vận dụng Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đồng thời cần lên án một cách có hệ thống các hành động vi phạm của Trung Quốc trên cơ sở phối hợp cùng với các nước ASEAN khác nhằm yêu cầu các cường quốc đưa các hành động vi phạm này ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ông Schaeffer cũng nhấn mạnh rằng ASEAN cần phải chứng tỏ sự đoàn kết nhằm huy động được sức mạnh toàn khối, có như vậy, tiếng nói của ASEAN mới được lắng nghe nhiều hơn, mới thuyết phục được sự ủng hộ của các nước như Mỹ, EU, Australia và cả Nga.

''Trung Quốc có nhu cầu tự vệ và muốn trở thành cường quốc quân sự để tự vệ và đây là điều có thể lý giải được. Nhưng không vì vấn đề quốc phòng này mà Trung Quốc muốn thâu tóm một vùng biển quốc tế thành vùng biển của riêng mình, giống như Mussolini từng mưu toan làm như vậy với Địa Trung Hải thời kỳ Italy liên kết đồng minh với Đức quốc xã. Đây là hai sự việc tương tự nhau.''

Tướng Daniel Schaeffer kết luận: ''Biển Đông sẽ tiếp tục phải là vùng biển của quốc tế, không có lý gì để mặc Trung Quốc chiếm đóng cho riêng họ để rồi áp đặt luật pháp một cách phi căn cứ. Chừng nào còn chưa có một điều gì chắc chắn được ký kết bằng một cam kết mạnh mẽ thì không có lý do gì để không tiếp tục đấu tranh xóa bỏ đường chín đoạn, để vùng biển phải là một vùng biển quốc tế thực sự như nó phải như vậy.''/.

Bích Hà-Nguyễn Tuyên/Paris (theo Vietnam+)