Tất cả các quốc gia vừa phải, thậm chí các quốc gia lớn cũng đều tránh va chạm với Trung Quốc. Không phải là người ta sợ Trung Quốc, nhưng người ta tránh va chạm với Trung Quốc để tránh những rắc rối không cần thiết. Việt Nam cũng vậy, những chữ trong tuyên bố của chúng ta cũng rất bình tĩnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã bày tỏ nhiều suy nghĩ về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 vừa qua.

Tầm nhìn với thái độ quốc tế

“Đến phút này chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên phá vỡ trạng thái im lặng, trạng thái không lời của bản nhạc chính sách đối ngoại trong quan hệ của chúng ta đối với CHND Trung Hoa. Với tư cách là một công dân Việt Nam, với tất cả các nỗi niềm rất phổ biến của người dân Việt Nam tôi hoan nghênh tuyên bố này”.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị ASEAn. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Rất nhiều người có bình luận ở trên mạng về sự chưa nhận được những hưởng ứng cần thiết từ các nước tham gia khối ASEAN, từ các bạn đồng minh, ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng, đây là một vấn đề vô cùng khó tìm kiếm sự đồng thuận trên thế giới, bởi vì nó va chạm đối với một trong những quốc gia khổng lồ là Trung Quốc, một quốc gia luôn luôn có vấn đề trong việc tôn trọng các cam kết quốc tế. Đây là vấn đề liên quan đến một vài quốc gia có quyền lợi dính líu ở khu vực Biển Đông, nó là một quan hệ quyền lợi có tính chất cá biệt, rất khó cộng đồng hóa vấn đề xung đột này, cho nên chúng ta nhận được một phản ứng phù hợp với địa vị của từng quốc gia một trong câu chuyện mà chúng ta đưa ra.

Tất cả các quốc gia vừa phải, thậm chí các quốc gia lớn cũng đều tránh va chạm với Trung Quốc. Không phải là người ta sợ Trung Quốc, nhưng người ta tránh va chạm với Trung Quốc để tránh những rắc rối không cần thiết. Việt Nam cũng vậy, những chữ trong tuyên bố của chúng ta cũng rất bình tĩnh. Câu xa nhất mà Thủ tướng nói là chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ. Ông Bạt nghĩ rằng đấy là một ý chí khái quát vì Việt Nam cũng chưa làm gì hơn, chưa nói gì hơn để đẩy tình thế đến chỗ không thể thay đổi được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên và đấy là người chuyển giai đoạn để thực hiện thái độ đối ngoại của Chính phủ nước CHXCN Việt Nam là chuyển từ  im lặng sang nói. Đấy là một thay đổi rất dũng cảm cả với tư cách là một cá nhân, cả với tư cách là Thủ tướng. Đây là một thay đổi có chất lượng lịch sử.

Trì hoãn bộc lộ cho đến bây giờ là một nghị lực, sự kiên nhẫn lớn. Và lúc này không đừng được nữa thì chúng ta nói. Người có thể nói một cách mạnh mẽ nhất chính là Thủ tướng. Như vậy tức là Thủ tướng đã được số phận lựa chọn, hay được Đảng lựa chọn để nói điều rất khó nói để chuyển trạng thái nhạc không lời của chính sách đối ngoại Việt Nam thành một bản tuyên bố như vậy.

Theo ông Nguyễn Trần Bạt, đặc điểm đáng để phân tích trong phát ngôn của Thủ tướng chính là tầm nhìn với thái độ quốc tế trong câu chuyện này. Bởi vì nếu chúng ta chọn một diễn đàn khác để tuyên bố thì dễ có đồng thuận hơn. Nhưng trong khuôn khổ sinh hoạt của một cộng đồng khu vực mà người ta lấy nguyên lý đồng thuận làm nguyên lý cơ bản để cấu tạo ra nó thì đây là một tuyên bố rất khó tìm kiếm sự đồng thuận. Là một người cũng khá quen với sự ủng hộ rộng rãi của dư luận đối với các tuyên bố của mình, đây là một phát biểu dũng cảm của Thủ tướng Chính phủ, bởi vì vượt qua được khó khăn khi tìm kiếm sự đồng thuận.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Bạt phân tích rằng việc này đã làm thức tỉnh một thực tế: không phải lúc nào chúng ta cũng tìm kiếm được sự đồng thuận. “Người Việt Nam phải phân tích tình thế quốc tế của mình qua câu chuyện này để hành động, để đối đầu với các khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là xử lý các vấn đề trong quan hệ đối với Trung Quốc.

Trước đây người Việt chúng ta đôi khi chủ quan và tưởng rằng chúng ta dễ dàng nhận được sự ủng hộ, sự đồng thuận, sự tung hô như khi chúng ta tiến hành chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nhưng bây giờ không phải như thế. Kẻ thù hay kẻ địch của chúng ta cho các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ hiện nay khôn hơn, phức tạp hơn và sẵn sàng chi tiền cho các mục tiêu chính trị khu vực của mình. Nhận thức ấy làm cho tất cả mọi người Việt Nam không nhận ra rằng chúng ta có rất nhiều khó khăn. Cũng phải cảnh báo toàn bộ xã hội Việt Nam là từ nay trở đi chi tiêu là phải có tính toán, bởi vì khi chúng ta đã va chạm với Trung Quốc dù ở mức khiêm tốn như thế này thì chúng ta cũng bắt đầu một giai đoạn khó khăn. Chúng ta phải lường trước được, phải dành dụm tài sản, tiền bạc, kinh phí cho những sự va chạm không mong muốn sẽ có trong tương lai. Đây cũng là mở đầu của một giai đoạn khó tìm kiếm sự yên ổn. Từ nay trở đi các nhà lãnh đạo của chúng ta buộc phải gánh những gánh nặng rõ ràng hơn và phải đối mặt với những khó khăn rõ ràng hơn trong chính sách đối ngoại”.

{keywords}
Ảnh: Kiên Trung

Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ ở Myanmar còn là sự dũng cảm làm một thí nghiệm nhất định nào đó để mở rộng hay để nhận thức về tình thế chiến lược của người Việt Nam. Lợi ích trong chuyện này là không nhỏ. Một vài tuần nữa chúng ta sẽ thấy điều ấy hiện ra rõ ràng trong thái độ của tất cả các quốc gia tham gia vào câu chuyện này. Hiện nay chưa ở đâu có thái độ rõ ràng trừ người Nhật Bản. Duy nhất người Nhật Bản bây giờ tìm thấy lợi ích chung trong vấn đề này. Qua đồng thuận của người Nhật Bản, chúng ta có thể hình dung ra nhiều loại đồng thuận khác, ẩn nấp đằng sau đồng thuận ấy, tất nhiên phải đi từ sự phân tích gián tiếp về mặt chính trị thì chúng ta mới có thể thấy được điều ấy. Có thể nói đây là một thể nghiệm rất có cơ sở khoa học để chúng ta nhận ra một trạng thái mới của người Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng không có gì phải phân vân về chuyện này, chỉ có điều chúng ta buộc phải tỉnh táo, đoàn kết thống nhất với nhau. Bên cạnh đó, chính sách phát triển kinh tế của chúng ta phải chuyển sang hướng vừa tích cực, vừa khiêm tốn, thận trọng. Bởi vì khi chúng ta va chạm với CHCND Trung Hoa là chúng ta mất đi một thị trường đôi khi có thể gỡ rối cho nền kinh tế Việt Nam nếu nó có vấn đề. Chúng ta cũng có thể mất chỗ dựa, đấy là chỗ dựa hoàn toàn tự nhiên theo quan niệm thị trường chứ không phải chỗ dựa có chất lượng chính trị, nhà nước. Chúng ta buộc phải rất thận trọng, ăn tiêu tiết kiệm, đầu tư chặt chẽ. Đảng, Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết một cách hợp lý. Chúng ta buộc phải có những thái độ quốc tế khác bổ sung vào trong tổng thể thái độ của chúng ta để chúng ta có những đồng minh khác, để chúng ta không rơi vào trạng thái cô lập quốc tế nếu tình thế phát triển một cách bất lợi cho Việt Nam.

Chúng tôi chưa bao giờ sợ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt hoàn toàn không bất ngờ trước chuyện Trung Quốc kéo giàn khoan đến Biển Đông. Đấy cũng là cách khá khiêm tốn nếu xem đó là một đại cường quốc. Bắc một nồi, một cái bếp để nấu trên một khoảng vỉa hè không thuộc về mình thì cũng là một cách trên thế giới xưa nay cũng xảy ra nhiều, đấy cũng không phải là cái gì cao kiến lắm.

Ông Bạt kể rằng ông vừa có một buổi ăn trưa, giao lưu với Nhà báo người Mỹ Thomas Friedman, người viết quyển “Thế giới phẳng” khi ông ấy đến Việt Nam. Trả lời Thomas Friedman về câu chuyện “giàn khoan”, ông Bạt nói: “Bằng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, hiện nay Trung Quốc có thể làm chuyện bày cái giàn khoan được, nhưng khai thác dầu thì không dễ. Người Mỹ các ông nên phổ biến kinh nghiệm mà các ông có đối với Việt Nam, đó là người Việt Nam chúng tôi sẵn sàng đốt tất cả để bảo vệ độc lập dân tộc. Chúng tôi đã phá vỡ không biết bao nhiêu thành phố để tiêu thổ kháng chiến trong thời kỳ những năm 50 của thế kỷ trước. Ông nên nhớ rằng bắc một cái dàn khoan trước mặt người Việt Nam thì có thể được, nhưng để tồn tại ở đấy lâu dài như một công cụ khai thác thì khó. Bởi vì khi người Việt Nam đã chuyển từ trạng thái hòa bình sang trạng thái chiến đấu, chúng tôi không sợ bất kỳ đối tượng nào”.  

  • Nhật Nam (Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)