Một nghiên cứu viên người TQ lập luận, giàn khoan Hải Dương 981 là 'phép thử' của nước này trong vấn đề giải quyết các tranh chấp tại biển Đông.

Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, qua đó tác động tới một chính sách cụ thể nào đó trong đối nội cũng như đối ngoại. Truyền thông như là cấu nối giúp người dân bảy tỏ được tiếng nói của mình tới chính quyền, và cũng là công cụ để chính quyền giải thích các chính sách của mình tới người dân.

Đối với Trung Quốc, truyền thông còn là công cụ để tuyên truyền. Hầu như tất cả các cơ quan báo chí và truyền thông ở Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của nhà nước.  Quan điểm của chính phủ được thể hiện một cách rõ ràng và thống nhất một cách xuyên suốt. Thông qua đặc trưng đó, có thể thấy được hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc đã nói gì về vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Tuyên truyền sai sự thật

Sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, Báo chí Trung Quốc ồ ạt đưa tin về vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981:

Truyền thông nước này lập luận vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của mình. Bắc Kinh còn chỉ ra "Chiến hạm di động" này chỉ cách 1,5 km về hướng Tây của quần đảo (Tây Sa) Hoàng Sa Việt Nam và chỉ cách bờ biển phía Nam của Trung Quốc khoảng 17 hải lý. Vì vậy việc tuần tra quân sự, hay thăm dò, khai thác dầu, khoáng sản... đều phù hợp với chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời phù hợp với Công ước Luật biển 1982. Theo trang ifeng.com, ngày 7/5/2014, Trung Quốc "rêu rao" rằng Việt Nam đang tìm cách lôi kéo Nhật Bản và Ấn Độ (hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc) vào cuộc để cân bằng quyền lực và tìm ra tiếng nói chung(!).

Ngày 13/5/2014, truyền hình Thẩm Quyến, Trung Quốc đưa thông tin: chính phủ Việt Nam dùng vô số thủ đoạn để gây áp lực lên Trung Quốc, trong đó ủng hộ biểu tình chống Trung Quốc là một ví dụ rõ ràng nhất.

Nghiên cứu viên Trương Khiết thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu và châu Á lập luận, ý tưởng "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" tại biển Đông rất khó đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Vì vậy Trung Quốc đơn phương tiến hành đặt giàn khoan Hải Dương 981 là cách để mở rộng và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này. Ngoài ra, bà này còn nhấn mạnh giàn khoan Hải Dương 981 cũng là phép thử của Trung Quốc trong vấn đề giải quyết các tranh chấp tại biển Đông?.

Nghiên cứu viên này còn công khai trên ifeng.com rằng: Việt Nam đã phức tạp hóa vấn đề trong vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời chỉ trích Trung Quốc một cách thái quá. Những hành động này sẽ ảnh hưởng đến đại cục của quan hệ hai nước.

Phó Cục trưởng Cục đường Biển của Bộ ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương phát biểu trên CCTV rằng: trong vòng 5 ngày từ ngày 3 đến ngày 7/5, Việt Nam đã điều tới 35 tàu các loại, có đến 171 lần chủ động tấn công tàu Trung Quốc đang làm nhiệm vụ. Ông này còn nói "phía Việt Nam không chỉ chủ động khiêu khích, tấn công mà còn ghi lại tất cả hình ảnh, sau đó đưa công khai lên truyền thông chính thống nhằm định hướng, lôi khéo dư luận"?.

{keywords}
Giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: THX

Trung Quốc còn khẳng định, Bắc Kinh hoàn toàn không điều tàu quân sự ra khu vực này, trong khi đó phần lớn tàu Việt Nam xuất hiện tại khu vực biển Trung Quốc đều là tàu quân sự. Ngoài ra Trung Quốc cho rằng Việt  Nam đã dùng người nhái, lưới đánh cá và các vật thể để tấn công và gây cản trở từ dưới nước đối với tàu Trung Quốc. Trung Quốc sẽ kiên định với mục tiêu đến cùng của mình nhằm bảo vệ tính hợp pháp, hợp lý... trong việc khai thác, thăm dò tại khu vực này. Trước hành động của Việt Nam tại biển Đông, Trung Quốc không thể không tăng cường lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình (!).

Chuyên gia quân sự Dương Dư Thắng cho rằng: Việt Nam đã chủ động dùng vũ khí, người nhái để giải quyết vấn đề. Đây thực sự là hành động nguy hiểm mang tính quân sự. Ông này còn cho rằng tất cả hành động của Việt Nam tại khu vực biển tranh chấp đơn giản chỉ là tìm cách ngăn cản, quấy nhiễu... giàn khoan Hải Dương 981 khai thác, thăm dò(!).

Một công cụ nguy hiểm

Có thể thấy, thông qua truyền thông chính thống của mình, Trung Quốc đang cố gắng "lấp liếm" những hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam một cách tinh vi.

Trung Quốc luôn cho rằng tất cả hành động của mình đều dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế. Rằng hành động trên vẫn chưa thực sự "rắn tay" đối với các nước có tranh chấp trong đó có Việt Nam. Từ đó hướng dư luận trong nước và quốc tế theo hướng có lợi cho mình.

Vốn dĩ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã mang trong mình tư tưởng nước lớn từ ngàn năm qua, sự tuyên truyền sai lệch như vậy càng làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu sai sự thật. Chủ nghĩa dân tộc nước lớn một  khi đã trỗi dậy sẽ càng khiến cho phạm vi điều chỉnh chính sách của Trung Quốc thu hẹp lại một cách đáng kể. Và chính phủ Trung Quốc, một khi đã sử dụng con bài dân tộc, sẽ không thể hạ nhiệt căng thẳng một cách nhanh chóng.

Về mặt dài hạn, các quan điểm của Trung Quốc về biển Đông sẽ trở nên hoàn toàn sai lệch, khiến cho quá trình giải quyết các tranh chấp dựa trên lý lẽ và tính thuyết phục sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều lần. Tư tưởng sẽ tạo ra nhận thức, và nhận thức quyết định tới hành động. Truyền thông "lật lọng và lập lờ", đặc biệt về chủ quyền như hiện nay ở Trung Quốc nói rộng ra sẽ không giải quyết được vấn đề an ninh gì cho nước này, mà ngược lại, càng làm cho Trung Quốc thiếu an toàn hơn.

Trong bối cảnh đó, truyền thông Việt Nam cần phải tận dụng ưu thế về lý lẽ cũng như tính chính đáng của mình, một phần nhắm vào người dân trong nước, phần khác truyên truyền mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về công cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta. Các công cụ truyền thông 2.0 như Youtube hay mạng xã hội sẽ là những công cụ thông tin hiệu quả, trong bối cảnh các trang web trên bị chặn tại Trung Quốc.

Nếu có những chính sách thông minh, các nước nhỏ vẫn có thể giành ưu thế.

Nguyễn Tăng Nghị (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn)

Xem thêm các bài: