Một mùa mưa bão nữa lại sắp đến, tôi biết ánh mắt, sự quan tâm của tôi giờ có lẽ sẽ hướng ra xa hơn, không chỉ trong Biển Đông trước mặt, mà còn về phía những người bạn đã từng cùng lo chung với Việt Nam một cơn bão.

Một cơn bão, hai nước lo chung

Trong những ngày tháng 5 nóng bỏng này, tôi chợt nhớ đến quãng thời gian tháng 11/2013, khi cơn bão Haiyan cấp 17 với sức công phá nặng nề nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, càn quét qua nhóm đảo miền Trung Philippines gây ra thiệt hại kinh hoàng về sinh mạng, cuộc sống của hàng triệu con người.

Thời điểm đó, tôi đang có mặt tại Cebu, thủ phủ của miền Trung Philippines. Mỗi giờ tôi đều nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn của người thân, bạn bè từ Việt Nam qua điện thoại, Facebook. Tất cả đều hỏi thăm sự an toàn của tôi và các sinh viên Việt Nam khác tại đây; và một điều nữa ai cũng muốn biết, đó là sức mạnh của cơn bão đến đâu. Bởi mọi người thầm hiểu, sau khi tàn phá Philippines, siêu bão này sẽ tiến vào Việt Nam.

Nhưng tin nhắn tôi nhớ nhất vào thời điểm đó là từ bố tôi, như một mệnh lệnh: xem người dân Philippines chuẩn bị đối phó với bão như thế nào, rất cần cho Việt Nam.
Quả thật, đó là một mệnh lệnh khó khăn, vốn sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung, mưa bão với tôi không có gì xa lạ. Do đó, dường như những gì người dân ở đây chuẩn bị hoàn toàn không có gì mới, không có gì "đáng để học tập".

Rồi cơn bão tiến vào Cebu, sáng hôm đó toàn bộ sinh viên được nghỉ học, toàn bộ hoạt động của thành phố tạm nghỉ. Tuy nhiên, có một điều thật sự bất ngờ, vẫn như mọi ngày, toàn bộ các nhân viên phục vụ của nhà trường, của ký túc xá vẫn đến rất sớm, rất đúng giờ, đồng phục chỉnh tề, căng tin, nhà ăn, thư viện vẫn được mở cửa phục vụ sinh viên.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những nhân viên Philippines dùng khăn tắm, quần áo liên tục lau nước mưa như xối vào hành lang, gần như nằm ra giữa sàn, đắp một con đê nhỏ bằng vải, không cho nước tràn vào hành lang, chỉ vì một mục đích đơn giản: giữ sàn hành lang được khô ráo để sinh viên đi lại không bị trượt ngã. Hình ảnh đó đã cho tôi câu trả lời: Kỷ luật và trách nhiệm - đó là thứ sức mạnh giúp người dân Philippines bám trụ trên mảnh đất mà thiên tai, mưa bão đã trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày.

Ngày 11/11/2013, sau nhiều lần đổi hướng sát bờ biển Việt Nam, siêu bão Haiyan tiến vào đất liền khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng. Những ngày đó, ngay sau khi bão vừa đi qua Philippines, những thông tin về thiệt hại tính mạng của nước bạn tăng lên mỗi giờ trên bản tin truyền hình hay báo chí. Vậy mà, mỗi ngày tôi nhận được còn nhiều hơn những tin nhắn, những lời hỏi thăm từ chiều ngược lại - những người bạn Philippines lo lắng cho Việt Nam.

Những câu hỏi, những lời dặn tràn đầy quan tâm, đôi khi nghe chua xót: "Gia đình của em ở Việt Nam thế nào rồi?", "Nhà em ở chỗ khô ráo chứ", "Bố mẹ em có đi  lại được nhanh không"... Và một tin nhắn ấm lòng: "Gia đình cô ở Tacloban đã được an toàn, có nước uống của Hải quân Mỹ và mỳ tôm Việt Nam"

Chiếc giường đẹp nhất ở Bogo

{keywords}

Phía trước ngôi nhà mà chúng tôi ngủ lại. Ảnh: BPC

Trong chuyến đi mang thực phẩm, thuốc men đến Bogo, phía bắc Cebu cùng nhóm bạn Philippines, chúng tôi xin ngủ trong một nhà dân hay ít ra là một chỗ còn có hình dáng của một ngôi nhà khi xung quanh đã là bình địa. Chín người nằm chung dưới sàn nhà, gối đầu lên bất cứ thứ gì có thể kiếm được.

Khi tôi vừa kịp nằm xuống thì chủ nhà biết được tôi là người Việt Nam, bà ra vẻ ái ngại, có lẽ bởi tôi là người nước ngoài đến, dù sao cũng không nên để tôi nằm dưới sàn nhà. Bà nói với con trai chạy vào trong làng, và lát sau, cậu trở về với một bọc cuốn trong túi nilon. Bên trong là một tấm đệm, đúng ra là một tấm mút dày khoảng 5cm được cuộn tròn và một chiếc ruột gối. Bà chủ nhà lấy đâu đó một tấm vải, tôi đoán là rèm cửa và bảo con trai trải giường cho tôi nằm. Vừa trải, cậu ấy vừa nói: "Ở Việt Nam chắc anh chưa bao giờ nằm trên nền đất thế này, nhưng xin anh thông cảm, đây là chiếc giường đẹp nhất, tuyệt vời nhất ở Bogo lúc này", rồi cùng cười vang.

Và trong đêm ấy, chúng tôi cùng nằm trên sàn nhà, riêng tôi có một chiếc giường đặc biệt, bên trên là bầu trời đầy sao của ngôi nhà đã bay mất mái. Chiếc giường đẹp nhất của tôi là ở đây, không phải ở một nơi cao sang nào khác mà là giữa những người bạn mến khách, giữa không gian yên tĩnh và tràn đầy gió biển, giữa những con người mà tình cảm của họ đôi khi cho tôi có cảm giác như đang ở đâu đó trên quê nhà.

Và câu Kiều chép vội lúc chia tay

{keywords}
Những người bạn Philippines trong chuyến đi của tôi. Ảnh: BPC

Chuyến đi gian khổ mà đầy kỷ niệm đến Bogo cũng đến lúc kết thúc, chúng tôi trở về Cebu, lần này là bằng xe khách sau 5 tiếng xếp hàng chờ đợi. Ngồi trên xe có thật nhiều điều để nói, để lưu luyến, có lẽ khó có dịp nào để chúng tôi ngồi cùng nhau, cùng ăn ngủ, làm việc cùng nhau.

Câu chuyện của chúng tôi lái sang chủ đề chữ viết tay, người Philippines rất thích nhìn chữ viết tay của người Việt Nam, kiểu chữ viết cổ điển mà người Philippines từ lâu đã không dùng nữa và chuyển sang chữ in. Một cô bạn trong đoàn lấy ra cuốn sổ nhỏ, nhờ tôi viết vào đó câu gì đó thật ý nghĩa để làm kỷ niệm.

Một câu gì đó của người Việt Nam, thật ý nghĩa để làm kỷ niệm nhưng cũng không quá khó để có thể dịch ra tiếng Anh! Bất giác tôi nghĩ đến mấy câu và nắn nót chép ra giữa nhịp lắc của bánh xe:

Một lời đã trót thâm giao

Dưới dày có đất, trên cao có trời

Dẫu rằng vật đổi sao dời

Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh.....

Rồi chúng tôi chia tay và tôi trở về Việt Nam, vẫn để địa điểm trong máy tính là Cebu để thỉnh thoảng xem thời tiết. Vẫn những tin nhắn hỏi thăm chuyện ngày thường từ bạn bè bên đó, người đã trở thành bác sỹ ở thành phố, người đã về nông thôn làm y tá trong một ngôi làng xa xôi ở phía Nam, nơi vẫn còn phiến loạn.

Một mùa mưa bão nữa lại sắp đến, tôi biết ánh mắt, sự quan tâm của tôi giờ có lẽ sẽ hướng ra xa hơn, không chỉ trong Biển Đông trước mặt, mà còn về phía những người bạn đã từng cùng lo chung với Việt Nam một cơn bão. Bởi vì: "Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh".

Bùi Phú Châu

Hà Nội, tháng 5/2014