Đó là nhận định của bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ.
Bà Glaser là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu về chính sách ngoại giao, quốc phòng và an ninh của Trung Quốc.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Glaser về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông:
PV: Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang cân nhắc các phương án, kể cả đấu tranh pháp lý, để bảo vệ chủ quyền đất nước trước các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Bà đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc tại một toà án quốc tế?
Bà Glaser: Tôi cho rằng Việt Nam có thể xem xét một số bước đi. Một là kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế, nơi Philippines đã khởi kiện Trung Quốc vào tháng 1/2013.
Việt Nam có thể tham gia vụ kiện này cùng Philippines hoặc tiến hành khởi kiện riêng. Một phương án nữa là Việt Nam có thể kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) theo như ý kiến gần đây của một học giả Canada.
Việc vận dụng luật pháp quốc tế ở đây có ý nghĩa rất quan trọng vì tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới đều đồng ý rằng chúng ta cần có một hệ thống được vận hành trên cơ sở luật pháp, và các tranh chấp phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.
Có thể trước mắt thì chưa nhưng về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận tham gia một số vụ kiện như vậy, chẳng hạn như tại Toà án Công lý Quốc tế nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong trường hợp trên thì vụ việc phải được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế vì liên quan đến vấn đề chủ quyền, và phải được cả hai bên chấp nhận thì toà mới có thể xem xét.
Vào thời điểm này, nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, tôi khá chắc chắn là Trung Quốc sẽ từ chối hầu tòa. Nhưng có thể trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ nhận thấy rằng cách duy nhất để thuyết phục các nước láng giềng và thế giới rằng Trung Quốc đang trỗi dậy một cách hoà bình là phải chấp nhận luật pháp quốc tế.
Tôi hy vọng sẽ có nhiều vụ kiện tương tự ra tòa án quốc tế. Tôi nghĩ rằng các nước, nhất là những nước đang đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông cần tìm cách thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thông con đường pháp lý.
PV: Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cũng từ chối hầu toà như trong vụ kiện của Philippines?
Bà Glaser: Tôi phải nói rằng vụ kiện của Philippines vẫn đang tiếp diễn. Trước hết tòa án phải xác định xem họ có quyền thụ lý vụ kiện không, và tất nhiên là Trung Quốc luôn hy vọng toà sẽ không có thẩm quyền.
Nếu thấy có đủ thẩm quyền thụ lý, tòa sẽ bắt đầu xem xét vụ kiện. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ phải tính đến chiến lược đối phó nếu toà xác định rằng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế.
Vào lúc này, tôi cho rằng Trung Quốc thực sự vẫn chưa bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về một chiến lược đối phó như vậy vì họ vẫn hy vọng là mọi việc sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Nếu càng nhiều nước ủng hộ Philippines đưa vụ việc ra Toà án trọng tài quốc tế thì càng có nhiều khả năng Trung Quốc ít nhất sẽ phải tính đến cái giá về uy tín quốc tế mà họ phải trả trong những vụ việc như thế.
PV: Trung Quốc luôn nói rằng những đòi hỏi chủ quyền của họ là có cơ sở. Nếu như vậy thì tại sao họ lại không dám ra hầu toà, thưa bà?
Bà Glaser: Một lý do theo tôi là Trung Quốc sợ sẽ thua kiện. Nếu thua, Trung Quốc sẽ thua lớn. Đó không phải câu chuyện Trung Quốc sẽ mất một bãi đá nhỏ, hay một vùng nước nhỏ mà là tính hợp pháp của “đường lưỡi bò” 9 đoạn. Đó là vấn đề lớn với Trung Quốc vì tất cả mọi đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông sẽ bị đặt dấu hỏi.
Tôi hy vọng là trong trường hợp có thêm nhiều vụ kiện, chẳng hạn như nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế hoặc Tòa án Công lý Quốc tế, Trung Quốc sẽ cảm thấy bị áp lực buộc phải làm rõ những đòi hỏi chủ quyền của mình, ngay cả trong trường hợp họ không chấp nhận hầu toà. Họ có thể cảm thấy sẽ phải giải thích về ý nghĩa của “đường lưỡi bò” 9 đoạn theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước đang đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông cũng cần giải thích các tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với Công ước trên. Điều đó sẽ giúp thúc đẩy quá trình áp dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp.
Xin cảm ơn bà.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/Theo VOV-Washingto