Những lo ngại nhà chờ xe buýt '5 sao' không thực hiện đúng công năng, sớm bị đồng hóa vào bức tranh đô thị vốn chắp vá là rất đáng cân nhắc.

LTS: Dự án Luật đầu tư công dự kiến sẽ được QH bấm nút thông qua tại kỳ họp QH lần này. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận vừa qua, các ĐBQH vẫn tiếp tục đề xuất ban soạn thảo cần giải trình cụ thể hơn nữa về nhiều vấn đề. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Phong Trần về các dự án đầu tư công, xuất phát từ một câu chuyện cụ thể.

Không lâu nữa, dự án buýt nhanh (Hanoi BRT) với tổng vốn đầu tư lên đến 55 triệu USD sẽ đi vào hoạt động. Hiện nhà chờ mẫu tại ngã tư Hoàng Minh Giám và Lê Văn Lương đã thành hình và được gắn mác "5 sao", với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế.

Hệ thống giao thông công cộng được cải tiến là điều đáng mừng. Tuy nhiên, từ đây lại xuất hiện một nỗi lo về tính thích ứng của con người và tính bền vững của công trình. Nỗi lo này là có cơ sở khi mà câu chuyện đầu tư công ở Việt Nam còn có quá nhiều chuyện để nói.

{keywords}

Nhà chờ '5 sao'. Ảnh: Hanoibrt.vn

Những bài học cũ

Những rủi ro này được cảnh báo từ rất nhiều bài học.

Kế hoạch phân làn đường trong nội đô Hà Nội được Sở GTVT triển khai từ tháng 9/2011 với 5 làn đường, đến tháng 12/2011 nghiên cứu phân thêm 8 làn đường khác với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Biện pháp phân làn được thực hiện bằng phương pháp cắm biển và rào chắn ngay giữa các phần đường.

Tuy nhiên, sau một thời gian, số lượng vi phạm không đếm xuể và sau đó không lâu, đề án  âm thầm... đổ bể [1]. Các con đường đã được cắm biển phân làn vẫn lưu thông với hình ảnh bát nháo quen thuộc. Như vậy, ngoài các yếu tố bất hợp lý về bố trí cơ sở hạ tầng giao thông, thì thói quen lưu thông của người dân đã làm cho ý tưởng của Sở GTVT Hà Nội thất bại.

Bài học đầu tư công ở câu chuyện này là: Sự áp đặt các khuôn khổ vào văn hóa lưu thông một cách đột ngột đã khiến cho sự thích ứng không bắt kịp. Đến lượt mình, văn hóa lưu thông còn quay trở lại ngăn cản ý chí của nhà quản lý thông qua số đông.

Tương tự phong trào mỗi tỉnh một cảng biển, cảng hàng không cũng bắt đầu được "phổ cập" ở Việt Nam. Một số "sân bay tỉnh" hiệu quả thấp. Song thấp mà vẫn được nâng cấp thành sân bay quốc tế như sân bay Cần Thơ mới thành điều đáng nói.

Sân bay Cần Thơ vốn có tên là sân bay Trà Nóc là sân bay quân sự của quân đội Việt Nam cộng hòa hoàn thành năm 1961. Đến năm 2005 mới được sửa chữa và đi vào hoạt động thương mại với các chuyến bay nội địa vào năm 2009. Nhưng hiệu quả vận chuyển lại không đạt như mong đợi.

Vậy mà năm 2011, với lý do gánh bớt sự quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Cần Thơ được chính thức cắt băng nâng cấp lên sân bay quốc tế. Lưu lượng khách thông quan năm đó là 208.000 lượt, năm 2012 là 200.000 lượt và 2013 là 241.500 lượt (công suất thiết kế là 2 - 3 triệu hành khách/năm) [2].

{keywords}
Bên trong nhà chờ '5 sao'. Ảnh: Hanoibrt.vn

Nhà chờ có thành bài học mới?

Quay trở lại với nhà chờ xe buýt 5 sao. Rõ ràng công trình này phù hợp với nhu cầu phát triển của siêu đô thị như Hà Nội. Nhưng xét về thời cơ và trình độ phát triển của cả kinh tế lẫn dân trí dường như đều chưa phải lúc. Việc tiến hành đầu tư công nhưng bỏ qua các nghiên cứu, điều tra tiền dự án về tính hiệu quả và tâm lý, thói quen của công chúng một cách thận trọng và rộng rãi một lần nữa tạo nên một cảnh báo có tiền lệ.

Sự  gượng ép áp dụng những thứ quá tân thời trên nền tảng ý thức xã hội chưa phát triển tương xứng cũng phải trả giá không kém việc ràng buộc mình vào những thứ cũ kỹ. Điều lo ngại này từng được bàn đến nhiều trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam cách đây gần 4 năm trước. Rằng những tài sản công cộng có giá trị sẽ bị hủy hoại bởi chính những người đi tàu. Vì với mặt bằng ý thức và dân trí hiện thời, sẽ không thể tạo ra được một thói quen tốt trong việc tôn trọng cộng đồng và tài sản chung, chứ chưa kể đến việc sẽ hình thành một môi trường tham gia giao thông có văn hóa.

Câu chuyện tương tự ở Hanoi BRT nói chung và nhà chờ xe buýt 5 sao nói riêng rõ nét hơn khi mà ở hiện tại, xe buýt vẫn chưa thoát khỏi danh xưng "hung thần đường phố", thái độ phục vụ còn gây ác cảm, nạn trộm cắp vẫn đáng lo ngại và ý thức của người thụ hưởng dịch vụ còn thấp.

Từ thực trạng này, những lo ngại nhà chờ xe buýt 5 sao sẽ không thực hiện đúng công năng ban đầu, bị chiếm dụng thành tụ điểm tệ nạn hay sớm bị đồng hóa vào bức tranh đô thị vốn đang nhốn nháo và đầy chắp vá.

Đột ngột áp dụng những phương thức quản lý hay hạ tầng hiện đại sẽ tạo nên những bước nhảy cóc không mong muốn trong tiến trình tiến bộ từng bước của văn hóa và dân trí. Hậu quả của hành động này tất yếu sẽ là sự đổ bể của cái hiện đại và sự chững lại của văn hóa và dân trí do hụt hẫng trước cái mới mẻ trong khi còn bị níu kéo mạnh mẽ bởi sợi dây lịch sử.

Như vậy, cái đáng phải làm trước khi thực hiện những sáng kiến đầu tư trong quản lý nhà nước phải là quá trình thăm dò dư luận cũng như điều tra, cân nhắc kỹ lưỡng về các đặc tính cũng như trình độ văn hóa, dân trí của người sử dụng, ảnh hưởng để đưa đến những quyết sách đúng đắn và phù hợp nhất, thay vì chủ quan triển khai các sáng kiến rồi ép buộc người dân phải tuân theo như một mệnh lệnh hành chính.

Thêm nữa, trong quá trình ứng dụng các thành tựu mới vào cải thiện đời sống cộng đồng, cần lưu ý đến tính liên hệ với các ứng dụng đang sử dụng hoặc từng sử dụng để đảm bảo không tồn tại quá nhiều khoảng cách về trình độ khiến cho việc sử dụng cũng như vận hành thất bại. Bởi  văn hóa cộng đồng và dân trí vốn là hai giá trị bền vững. Do đó không thể cải tạo bằng cách nhảy hoặc ép buộc thích ứng bằng các quy tắc đột ngột

Đầu tư công vốn không chỉ chú trọng hiệu quả mà còn cân nhắc đến các giá trị như công bằng, phù hợp và bền vững. Bởi những tác động của nó có ý nghĩa sâu rộng đến cộng đồng và sự phát triển chung của quốc gia. Ở các nước tiên tiến, việc điều tra kỹ lưỡng trước khi tiến hành đầu tư bằng tham vấn hay trưng cầu dân ý trở nên quen thuộc, thậm chí là một khâu bắt buộc của dự án. Nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn còn xa lạ và cũng bởi thế mà ngày càng phổ biến những công trình, dự án được đầu tư lớn từ ngân sách nhưng tính hiệu quả lại thấp gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.

Phong Trần

----

[1]: Chấp nhận thất bại?, Báo Đại Đoàn Kết, 6/3/2013.

[2]: Giải mã việc giảm 1/3 công suất sân bay Long Thành, Báo Đất Việt, 1/4/2014.

 

Bài cùng tác giả:

Người thầy không nên là... chân lý

Những cố gắng trói buộc tư duy của người học trò bằng thang đo trí tuệ của người thầy không chỉ làm cho giáo dục ngày một cổ hủ hơn mà còn làm cho đất nước, xã hội bị chững lại.

Yêu nước qua mạng: Tại sao lại phê phán?

Hoàn cảnh thời đại đã khác, do đó cách biểu đạt lòng yêu nước cũng phải có những thay đổi. "Yêu nước qua mạng" cũng là một cách thể hiện khác biệt, mới mẻ của thế hệ trẻ.

Suy ngẫm từ clip cha dạy con xin lỗi

Tiếc thay ở VN, từ khía cạnh đời sống hàng ngày cho đến đời sống chính trị ở VN, văn hóa xin lỗi dường như vẫn còn là "xa xỉ".