Các trường đại học là nơi làm việc của những người có học hàm, học vị nhiều nhất trong cả nước. Và NCKH là một phần tất yếu trong hoạt động chuyên môn của họ. Nhưng như đã nêu ở trên, số lượng giảng viên thực sự tham gia NCKH rất ít.
Diễn đàn về các nhà khoa học Việt Nam đã gợi mở nhiều điều đáng suy ngẫm về nội tình trong giới làm nghiên cứu. Nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, chúng tôi xin đưa thêm góc tiếp cận mới để hiểu vì sao, nghiên cứu khoa học nước nhà chưa phát huy được hết tiềm năng.
Đổi giờ giảng dạy sang giờ nghiên cứu
Ở Việt Nam, có 03 lĩnh vực cung cấp nhân lực NCKH chủ yếu, bao gồm: (1) Các viện chuyên ngành thuộc 02 Viện hàn lâm khoa học quốc gia và các bộ ngành; (2) Các trường đại học- cao đẳng; (3) Các trung tâm, viện trực thuộc các tỉnh, thành phố.
Xét về số lượng nhân lực tham gia NCKH, các trường đại học phải chiếm tới 2/3 số người tham gia NCKH. Bởi lẽ, giảng viên đại học ngoài công tác giảng dạy phải thực hiện NCKH để phục vụ giảng dạy.
Theo quy định tại Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT về việc Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên. Mỗi giảng viên tối thiểu phải có 500 giờ NCKH (Phó GS: 600 giờ, GS: 700 giờ), quy đổi tương đương khoảng 150 giờ chuẩn giảng dạy.
Khối lượng giờ NCKH được xác định qua các hoạt động khoa học như viết giáo trình, viết sách tham khảo, viết báo, chủ trì và tham gia đề tài các cấp, tham gia các hội thảo KH, hướng dẫn sinh viên trong các hoạt động KH…
Cứ tưởng rằng đây là hoạt động chuyên môn thuần túy, và không khó khăn gì để đạt được. Vì chỉ cần có một bài báo đăng trên tạp chí KH chuyên ngành hoặc hội thảo KH trong nước là đã có khoảng 300 ÷ 700 giờ NCKH (tương đương với khoảng 100 ÷ 200 giờ chuẩn giảng dạy). Thế nhưng điều này ngược lại hoàn toàn.
Số lượng giảng viên có thời lượng NCKH từ các hoạt động nói trên rất ít. Điều này thể hiện ở số giáo trình, sách tham khảo xuất bản hàng năm, số đề tài KH công nghệ đăng ký và số lượng bài báo trên các tạp chí chuyên môn và hội thảo KH. Kể cả các hoạt động được tính là khối lượng NCKH như hướng dẫn sinh viên NCKH và thi Olympic cũng rất ít.
Vậy giảng viên sẽ lấy đâu ra khối lượng NCKH theo quy định? Xin thưa rằng, các giảng viên sẽ lấy giờ dạy trên lớp… quy đổi sang giờ NCKH. Nghĩa là, nếu không tham gia bất kỳ một hoạt động NCKH nào, một giảng viên sẽ bị trừ đi 150 giờ chuẩn giảng dạy để bù vào 500 giờ NCKH.
Những ai làm NCKH?
Các trường đại học là nơi làm việc của những người có học hàm, học vị nhiều nhất trong cả nước. Và NCKH là một phần tất yếu trong hoạt động chuyên môn của họ. Nhưng như đã nêu ở trên, số lượng giảng viên thực sự tham gia NCKH rất ít. Vậy có những ai làm NCKH theo đúng nghĩa?
Thứ nhất, là những người nhận/đấu thầu được các đề tài KH từ cấp tỉnh thành phố trở lên. Với kinh phí dành cho NCKH như hiện nay thì có thể thấy số lượng các đề tài NCKH rất ít. Theo đánh giá chủ quan của người viết, không quá 10% số lượng giảng viên của các trường đại học tham gia thực hiện các đề tài KH hàng năm.
Thứ hai, là những người đang làm nghiên cứu sinh bắt buộc phải có các công trình KH công bố. Tuy nhiên, nếu làm nghiên cứu sinh trong nước thì những công trình công bố thường nằm ở trong nhóm thứ nhất nêu trên. Vì các nghiên cứu sinh thường phải tham gia các đề tài cùng thầy hướng dẫn để có kinh phí thực hiện NCKH.
Thứ ba, là những người có đề tài, dự án hợp tác quốc tế tại Việt Nam từ một số các trường ĐH, viện nghiên cứu nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Đây là nguồn cung cấp nhiều nhất các bài báo KH đăng trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, số lượng người tham gia trong hoạt động này rất rất ít.
Thứ tư, là những người tham gia chuyển giao KH công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Chất lượng NCKH với những đề tài bảo vệ xong… cất vào tủ mà chúng ta đã nói rất nhiều trong thời gian qua cho thấy số lượng những người có khả năng chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu của mình cũng rất ít.
Thứ năm, là những người tham gia vào các hoạt động KH công nghệ thường xuyên như tham gia phản biện tại các hội đồng KH, các hội đồng thẩm định chuyên môn và các hội đồng bảo vệ tiến sỹ, cao học. Cũng có thể thấy số lượng người tham gia các hoạt động này rất ít, chủ yếu là các cây đa cây đề trong ngành lẫn các chuyên gia hàng đầu.
Như vậy, chúng ta có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh về hoạt động NCKH của các trường đại học. Đối với các trường đại học lớn, có uy tín về giảng dạy và có số lượng các GS, PGS, TS đông đảo thì công tác NCKH còn có những dấu ấn. Còn đối với các trường đại học trẻ, đặc biệt là các trường đại học nâng cấp từ các trường cao đẳng và các trường đại học ngoài công lập, công tác NCKH rất hạn chế.
Nếu tính tổng thể đối với các hoạt động NCKH của 05 nhóm kể trên, thì chỉ có khoảng 30 ÷ 40 % số giảng viên của các trường đại học thực sự tham gia NCKH.
Số lượng ít như vậy, lấy đâu ra chất lượng ngang tầm quốc tế. Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích những khó khăn, bất cập và rào cản cơ chế đang làm hạn chế cơ hội cho các giảng viên làm NCKH?
(còn nữa).
Trịnh Xuân Báu